Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2007

Living-Jason Shinder

Cuộc sống - Jason Shinder

Khi mẹ tôi dường như không thể chịu đựng nổi

thêm một cơn phê nữa, thêm một viên da cam điên rồ nữa,
chị tôi, im lặng, đứng ở cuối

giường và chậm chạp kỳ cọ đôi chân,

trầy xước với lớp da vàng, cứng,
và cáu bẩn bám dưới những móng gẫy,

thứ không hề thay đổi theo thời gian ngoại trừ

cái cách mẹ phê trong một thoáng
như thể một dạng khuây khoả mà không hề khuây khoả.

Và rồi, mắt nhắm nghiền, mẹ nói

một hoặc hai từ về sự dễ chịu của cuộc sống,
là một kiểu lãng quên, với ý thức

về những ý nghĩa của việc sống đủ lâu

để yêu ai đó. Cám ơn, bà nói. Về phần tôi,
tôi chẳng quan tâm giọng bà dường như đột ngột dịu đi

và ân cần, hoặc những gì thất bại và thắng lợi

trong thể xác và tâm hồn đã khiến bà lên đỉnh cơn phê đó –
chỉ là nó vang lên như hi vọng, hi vọng xuẩn ngốc.

(The New Yorker 1/10)

©Time bản tiếng Việt

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2007

Untitled

Tôi bất lực
như gió đang đùa nghịch
lớp kính
trong suốt
nhưng không thể bước vào trong
căn phòng đó
mặc dù
không hề có khoá cửa.
Tôi bất lực
nhìn thấy
một bộ lạc ăn thịt người
không chỉ ăn thịt các chiến binh bộ lạc khác (dĩ nhiên)
mà họ - những con thú hoang dã
ăn cả đàn bà, trẻ con, người già, bọn điên, tâm thần phân liệt, Parkinson, giang mai và lậu
do đó
trên người họ
đầy những vết lở loét, mưng mủ, thối hoắc.
Tôi bất lực
khi ý nghĩ về những người-thú ăn tội ác này
liên tục tuôn ra
những tràng chửi thề tục tĩu
Có lẽ
bất lực
là tài sản lớn nhất mà tôi có.

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2007

Tụng ca nỗi buồn ngày thứ Năm

Trên trời đám chim di cư về phương Nam đang âm mưu một cuộc tự sát tập thể
trong khi
những nhành cây khô khốc bỏ rơi hoa tuyết để truy đuổi một con ong mật
giữa vườn
cô ấy
tiếng đàn guitar bần bật khóc
nhớ về miền Nam rừng rực cháy bài thơ của Lorca
thằng ngốc
quá khứ luân chuyển trong bình gốm giả cổ
thở dài tiếc nuối sự vô tận của bầu trời
dưới một vòm cây già cỗi xanh biếc
xa lắm
hút tầm mắt
thành phố trong hạt nước
lúc thầm thì một câu chuyện không hồi kết
lúc giận giữ vì một giọt nước bẩn lơ lửng che kín một ngã tư
lặng lẽ đọc một bài thơ
không ăn nhập với tư duy rối bời
khai quật lớp vỉa sát bề mặt
giọt nước mắt hoá thạch vàng đục
lờ mờ nhận ra từng nhịp đập
tiếng thở dài của thành phố trong suốt
và hạt nước mắt nóng hổi này
trôi tuột một cái nhìn
xuất phát từ bờ kia của nỗi nhớ.

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2007

Nixon Vs Vietnam


Tổng thống Nixon và Henry Kissinger trong phòng Bầu dục ngày 13/2/1969




Đại tá hải quân Rembrandt C.Robinson (1924-1972): qua đời trong một tai nạn rơi máy bay trực thăng tại Vịnh Bắc bộ.




Năm 2006, có nhiều động thái cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ George W.Bush đã cân nhắc nghiêm túc một “lựa chọn hạt nhân” để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, và rõ ràng điều này đã gây quan ngại cho giới báo chí, dư luận cũng như giới lãnh đạo cấp cao Mỹ. Một số đã coi việc lên kế hoạch như vậy là lời dối gạt mang tính trừng phạt, trong khi những người khác coi đây là thí dụ về chiến lược mất trí. Những viễn cảnh này không có tiền lệ trong lịch sử. Kể từ thời điểm Chiến tranh lạnh đến nay, giới chức Mỹ đã nhiều lần tìm cách sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình, không chỉ là phương tiện để ngăn cản một cuộc tấn công từ Soviet mà còn là những vũ khí “chiến thuật” trong các cuộc xung đột địa phương hoặc một yếu tố quan trọng trong chiến lược tạo ra sự đe doạ cưỡng ép bằng biện pháp “ngoại giao nguyên tử”.
Những tài liệu mới được giải mật gần đây cho thấy rằng trong năm đầu tiên đảm nhiệm cương vị Tổng thống Mỹ của Richard M.Nixon, các cố vấn Nhà Trắng của ông ta đã sẵn sàng đặt vấn đề rằng liệu có nên sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam hay không. Giới chức cấp cao và cố vấn chính sách trong chính quyền các cựu Tổng thống Dwight D.Eisenhower, John F.Kennedy và Lyndon B.Johnson cũng đã từng cân nhắc khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng quân sự; gây ảnh hưởng trong đàm phán hoặc để chấm dứt xung đột, tuy nhiên sự thận trọng của họ đã trở nên vô ích bởi một ẩn ức sâu kín có tên “sự cấm kỵ hạt nhân”. Sự cấm kỵ này bao gồm nhiều điều cần phải cân nhắc cả về đạo đức lẫn thực tế như: những người đưa ra quyết định biết rõ tác động huỷ diệt của vũ khí hạt nhân là quá lớn so với một kết thúc được kiểm soát mong đợi trong các cuộc xung đột khu vực như Việt Nam; nhận định về nguy cơ gây ra một cuộc xung đột địa phương hoá leo thang trong cuộc chiến toàn cầu với Liên bang Soviet; sự cần thiết phải cân nhắc quan điểm của Chính phủ, Quốc hội, đồng minh và thế giới; và đánh giá lợi ích chiến lược cũng như tính khả thi hậu cần của vũ khí hạt nhân trong những điều kiện nêu trên, ngoại trừ trường hợp trả đũa một cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù. Những cân nhắc tương tự đã định hướng suy nghĩ của Nhà Trắng thời Nixon về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam, và dường như cũng đang tác động tới suy nghĩ của Chính quyền Bush về “lựa chọn hạt nhân” đối với Iran.
Khi Nixon đắc cử Tổng thống vào tháng 1/1969, một trong những ưu tiên lớn nhất của ông ta là kết thúc Chiến tranh Việt Nam càng sớm càng tốt theo những điều kiện thuận lợi cho Chính phủ Mỹ. Vào giữa năm 1969, Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger đã ủng hộ một chiến lược kết hợp giữa ngoại giao quốc tế với việc đe doạ và sử dụng vũ lực nhằm khuất phục ý chí của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (DRV). Trong nhiều cuộc hội kiến diễn ra vào tháng Bảy và tháng Tám, họ và những người đại diện đã đưa lời cảnh báo khủng khiếp dành cho giới lãnh đạo Moscow và Hà Nội rằng nếu đến ngày 1/11 mà Bắc Việt không đồng ý thoả hiệp theo điều kiện của người Mỹ, Nixon sẽ “áp dụng những biện pháp ý nghĩa và mang hậu quả to lớn”. Những động thái đe doạ này đã thất bại trong việc buộc Moscow thuyết phục Hà Nội thoả hiệp, và sau đó giai đoạn hai của quyết định tăng cường quân sự đã bắt đầu: áp lực đột ngột gia tăng mạnh mẽ bằng một chiến dịch tấn công đa dạng DRV, chủ yếu không kích dữ dội Bắc Việt tại các cụm cảng biển.
Kissinger và nhóm tham mưu đã bắt đầu ít nhất từ đầu tháng Bảy để triển khai những kế hoạch quân sự bất ngờ dưới mật danh “Duck Hook”. Để đánh giá công việc chuẩn bị cho kế hoạch bí mật trên do các thành viên Bộ Tổng tham mưu trưởng tại Washington và các nhà hoạch định quân sự tại Sài Gòn thực hiện, Kissinger đã thành lập một uỷ ban đặc biệt gồm các nhân viên Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) lĩnh trách nhiệm lên kế hoạch, với tên gọi September Group. Kissinger thú nhận: “Tôi đã không tin rằng một nhúm sức mạnh hạng tư như Bắc Việt Nam lại không có một điểm yếu nào. Nhiệm vụ của nhóm này là nghiên cứu khả năng đánh một cú quyết định, tàn bạo với Bắc Việt. Chúng tôi bắt đầu mà hoàn toàn không có bất cứ ý tưởng nào trước đó”. Tổng thống Nixon, nói với họ rằng, muốn “thiết lập một kế hoạch có tác động tối đa đến khả năng quân sự của kẻ thù” trong điều kiện “buộc phải kết thúc nhanh chóng” cuộc chiến này.
Theo báo cáo ban đầu về tiến trình kế hoạch trên mà phóng viên điều tra Seymour Hersh tiếp cận gián tiếp, một nhân viên đã hỏi Kissinger rằng liệu vũ khí hạt nhân có nên được sử dụng hay không. Kissinger đáp lại rằng “chính sách của giới cầm quyền là không sử dụng vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, ông ta không loại trừ khả năng sử dụng “một thiết bị hạt nhân” để phong toả một tuyến đường sắt huyết mạch tới Cộng hoà nhân dân Trung hoa (PRC) nếu chứng minh được đó là phương cách duy nhất. Roger Morris, một thành viên September Group, sau đó báo cáo rằng đã trình kế hoạch theo đó nhắm mục tiêu đánh bom hạt nhân vào ít nhất hai địa điểm tại Bắc Việt. Cố vấn đặc biệt của Tổng thống, Charles Colson - người không phải là thành viên nhóm trên nhưng năm 1970 đã hỏi Chánh văn phòng của Nixon lúc đó là H.R.Halderman về việc lên kế hoạch bất ngờ trên một năm trước đó - khẳng định Halderman cho biết việc “Kissinger đã vận động hành lang về khả năng sử dụng biện pháp hạt nhân vào mùa xuân và mùa thu năm 1969”. Một phụ tá của Kissinger, Winston Lord, đã bày tỏ hoài nghi với một trong số các tác giả rằng: “Nó vượt qua sự hiểu biết của tôi về việc họ thậm chí đã nghĩ tới việc sử dụng biện pháp đó”. Tuy nhiên ông thừa nhận khả năng người Vịêt Nam có thể lo ngại đối với vũ khí hạt nhân và do đó, thích hợp với “học thuyết mất trí” của Nixon và “không làm giảm sự lo lắng của họ (Việt Nam) về điều đó”.
Tài liệu trực tiếp về kế hoạch Duck Hook tuyệt mật cuối cùng cũng được công bố vào trung tuần tháng 11/2005, khi Dự án những tài liệu về nhiệm kỳ Tổng thống Nixon được đăng tải trên một trong những ấn phẩm giải mật thường niên của Trung tâm lưu trữ quốc gia Mỹ. Trong những hồ sơ về cuộc chiến Việt Nam này có hai tài liệu khẳng định câu hỏi về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân trong các chiến dịch quân sự chống Bắc Việt.
Một trong số đó là lá thư đề ngày 29/9/1969 của hai phụ tá Kissinger, Roger Morris và Anthony Lake, gửi Đại tá hải quân Rembrandt Robinson, người cùng lúc đảm nhiệm ví trí Chủ tịch Ủỷ ban tham mưu thuộc Hội đồng tham mưu trưởng Lầu Năm Góc đồng thời phụ trách nhóm liên lạc quân sự Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) tại Nhà Trắng. Với những vị trí quan trọng này, Robinson đã đóng vai trò trung tâm trong việc lên kế hoạch Duck Hook tấn công Bắc Việt. Hơn nữa, thông qua Robinson, NSC có thể tiếp cận văn bản kế hoạch quân sự mà không cần thông qua Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Melvin Laird, người mà Kissinger coi là kẻ thù đối với chính sách về Việt Nam của ông ta. Với yêu cầu của Nhà Trắng, Robinson đã chuẩn bị một kế hoạch dài hơi cho September Group, trong đó có phác thảo kế hoạch tấn công Bắc Việt của Hội đồng tham mưu trưởng. Mặc dù tài liệu này chưa được công bố hay giải mật, song rõ ràng là nó không làm hài lòng Morris và Lake, thậm chí là bản thân Kissinger. Bức thư ngày 29/9 gửi tới Robinson yêu cầu ông ta phải chuẩn bị lại tài liệu trên, đã hoàn toàn cho thấy “một cách rõ ràng và đầy đủ rằng tất cả sự dính líu của kế hoạch (Duck Hook) này, là do Tổng thống quyết định”.
Lake và Morris đã giải thích trong bức thư rằng Robinson nên “có quan điểm rõ ràng” về việc September Group tin rằng Tổng thống sẽ được chuẩn bị để chấp thuận hai khả năng: Duck Hook “tàn bạo nhưng có thể kiểm soát được” và “độc lập”. Đối với yêu cầu “độc lập”, Tổng thống sẽ cần phải quyết định trước về “phạm vi hậu quả của sự việc nếu tiến hành. Ví dụ, ông ta (Tổng thống) không thể ngừng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật khi nó đang được áp dụng. Ông ta cần phải được chuẩn bị để quyết định tất cả những gì cần thiết trong trường hợp này”.
Tài liệu được giải mật thứ hai về vấn đề hạt nhân này ghi ngày 2/10/1969, gồm hai bức của Kissinger gửi Tổng thống Nixon, trong đó giới thiệu bản báo cáo dài do các nhân viên phụ trách kế hoạch quân sự Duck Hook của NSC thực hiện. Bản báo cáo và các tài liệu kèm theo, đã giải trình mục tiêu cơ bản của chiến dịch sắp tới là ép buộc Hà Nội “đàm phán thoả hiệp bằng một loạt các cuộc tấn công quân sự”, có thể dẫn đến kết cục hoặc gây ra “tổn thất không thể chấp nhận được cho xã hội của họ (Bắc Việt)” hoặc “phá huỷ hoàn toàn đất nước và chế độ đó, nhưng họ sẽ nhận được sự can thiệp lớn từ bên ngoài (có thể là Liên bang Soviet hoặc Trung Quốc)”.
Rõ ràng “ý tưởng của các chiến dịch (Duck Hook)” kể trên là “khác biệt so với những chiến dịch hải quân và không quân tấn công Bắc Việt trước đó”. Nixon, Kissinger và những người lên kế hoạch trên tin rằng các chiến dịch dội bom xuống miền Bắc Việt Nam của cựu Tổng thống Johnson, đã “không thường xuyên” tấn công những mục tiêu hạn chế liên đới tới cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hoà). Ngược lại, chiến dịch Duck Hook, bao gồm một chuỗi các cuộc tấn công mãnh liệt Bắc Việt bằng đường không và đường thuỷ trong “thời gian ngắn” sẽ thu được một “hiệu quả kinh tế và quân sự lâu dài” cũng như “tạo ra (một) tác động tinh thần đối với giới lãnh đạo Hà Nội”. Việc rải bom trên không sẽ đảm đảm “cô lập” các hải cảng của Bắc Việt, cũng như sẽ tấn công vào nhiều vị trí chiến lược bị hạn chế trước đây. Một trong số đó là “hệ thống đê điều tại đồng bằng châu thổ sông Hồng”. Báo cáo đã đề xuất giải pháp hạt nhân trong tài liệu đính kèm có tên “Important Questions”, bao gồm câu hỏi “Chúng ta đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chưa?”.
Những đề cập liên quan tới vũ khí hạt nhân trong các tài liệu trên là không đủ để chứng minh rằng liệu Nixon hay Kissinger có yêu cầu một cách cụ thể kế hoạch quân sự liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống Bắc Việt hay không, tuy nhiên chúng đã khẳng định trong năm đầu tiên của Chính quyền Nixon, một số cố vấn cao cấp của Kissinger tin rằng việc sử dụng loại vũ khí chết người này sẽ được các nhà tham mưu quân sự đề cập. Điều này cũng cho thấy Lake, Morris và các thành viên September Group hiểu rằng Nixon và Kissinger tin tưởng vũ khí hạt nhân có tác dụng tiềm tàng trong bối năm cuối năm 1969, và do đó, khả năng sử dụng sẽ được cân nhắc nghiêm túc trong việc lên kế hoạch quân sự đầy bất ngờ Duck Hook.
Mặc dù tiếp tục đe doạ “mồm” đối với Hà Nội và có trong tay kế hoạch Duck Hook của NSC, Tổng thống Nixon đã “rút ổ cắm” chiến dịch tương lai này vào thời điểm giữa ngày 2 và 6/10/1969. Lý do thì có rất nhiều. Bộ trưởng Quốc phòng Laird và Ngoại trưởng William Rogers khi đó phản đối leo thang quân sự. Nixon bắt đầu lo lắng rằng liệu có thể duy trì sự ủng hộ của dân chúng trong khoảng thời gian từ ba đến sáu tháng cần thiết cho viêc thực thi Duck Hook hay không. Một quan ngại khác đó là ba cuộc biểu tình chống chiến tranh lớn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/10 và 13-15/10 đều trùng khớp với thời điểm tiến hành Duck Hook (nếu triển khai) - có thể sẽ xói mòn hơn nữa sự ủng hộ của người dân, dẫn tới các cuộc biểu tình có quy mô lớn hơn và làm giảm tác động tâm lý của chiến dịch đối với Hà Nội. Trong bất cứ kịch bản nào, Nixon đều kết luận rằng Bắc Việt đã thản nhiên trước những lời đe doạ quân sự mà ông liên tục đưa ra từ tháng Bảy. Mặt khác, việc giảm xung đột trực tiếp với kẻ thù tại miền Nam Việt Nam dường như cho thấy chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh có thể đang đi đúng hướng - một điềm lành nếu đó là sự thật, và vì vậy đã đưa đến một lựa chọn khác cho Nixon thay vì Duck Hook. Hơn nữa, chiến thuật ngoại giao kết hợp đã thất bại trong việc ngáng trở mối quan hệ hợp tác giữa Soviet và Bắc Việt, tác động tới khả năng thành công của Duck Hook.
Sau khi huỷ bỏ kế hoạch Duck Hook, Nixon tin “điều quan trọng là những người Cộng sản đã không lầm khi cho rằng tôi có điểm yếu là không thể đưa ra được hành động mạnh mẽ như tối hậu thư trước đó”. Trong một động thái kỳ lạ để bù đắp cho việc huỷ bỏ Duck Hook, Nixon đã phát động “Diễn tập kiểm tra sự chuẩn bị Bộ tổng tham mưu trưởng”, một cuộc tập trận quân sự bí mật và phức tạp trên quy mô toàn cầu được thực hiện từ ngày 13 đến 30/10/1969, tương đương với việc phát ra một cảnh báo hạt nhân. Nguồn gốc ý tưởng dành cho cảnh báo này có thể nằm trong một câu hỏi hoàn toàn liên quan đến vấn đề hạt nhân được đưa ra trong tài liệu kèm theo “Important Questions” của báo cáo ngày 2/10 gửi Nixon về Duck Hook: “Những hoạt động quân sự nào mà chúng ta có thể thực hiện cùng lúc, ví dụ như chúng ta sẽ cảnh báo chiến lược hay/hoặc những lực lượng nào khác?”
Là một trong những chiến dịch quân sự bí mật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, cuộc tập trận trên bao gồm nhiều chuyến bay tập liên tục nhằm đảm bảo sự chuẩn bị chiến dịch; Sở chỉ huy hàng không chiến lược tại mặt đất duy trì cảnh báo và “đảm bảo sẵn sàng” thực hiện nhiệm vụ, nâng cao mức độ sẵn sàng của các đơn vị máy bay chiến đấu ở nước ngoài; tăng cường hoạt động hải quân; đẩy mạnh hoạt động giám sát đường đi của tàu thuyền Soviet tới Bắc Việt, thậm chí một máy bay B-52 mang đầu đạn hạt nhân đã “lộ diện” ở Alaska. Mục đích của đợt cảnh báo này là nhằm “hù doạ” Soviet và Bắc Việt nhượng bộ trong quá trình đàm phán - bằng cách ngụ ý rằng đó chỉ là khởi đầu của Duck Hook và/hoặc một chiến dịch chuẩn bị đối phó với phản ứng của Soviet về động thái ném bom dữ dội của Mỹ (xuống Bắc Việt). Tuy nhiên, cảnh báo hạt nhân trên đã không chỉ thất bại trong việc đe doạ Bắc Việt lẫn Soviet trước thời hạn chót ngày 1/11, song nó dẫn đến một kết quả không đoán định trước: người Trung Quốc cũng phát đi một cảnh báo tương tự giống Soviet để phản ứng trước động thái này của Mỹ.
Năm 1972, phương án hạt nhân vẫn nằm trong tâm trí của Tổng thống Nixon, khi ông ta khổ sở với việc đối phó như thế nào trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân của Bắc Việt. Ngày 25/4, khi thảo luận về “Linebacker”, chiến dịch phản công Bắc Việt sắp tới của Mỹ, Nixon bày tỏ sự quan tâm với Kissinger về việc sử dụng “một quả bom hạt nhân” như là một phương án thay thế nhằm tấn công hệ thống đê điều của Bắc Việt, một biện pháp mà ông ta rất thích. Một cuộc tấn công hạt nhân vào mục tiêu khác, ông thừa nhận, sẽ gây ra ít thương vong cho dân thường do đó không thể tạo ra một tác động “tâm lý” mạnh mẽ đối với Hà Nội và Soviet. Tuy nhiên, Kissinger và các cố vấn của ông ta đã có nhiều sự dè dặt, khi đối mặt với những lo âu này và được chia sẻ bí mật trên, Nixon đã quyết định không sử dụng biện pháp vũ khí hạt nhân và duy trì “đơn thuần” chỉ là một ẩn ý về khả năng sử dụng.
Giới lãnh đạo Hà Nội không ngừng nhận biết về khả năng Chính quyền Nixon có thể ném bom hạt nhân xuống Bắc Việt, tuy nhiên họ vẫn bày tỏ sự thách thức. Thí dụ trong phiên họp tại Paris ngày 4/12/1972, trưởng đoàn đàm phán Hà Nội Lê Đức Thọ đã nói với Kissinger rằng “chúng tôi ... có lúc nghĩ rằng ông sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử bởi trong cuộc kháng chiến chống Pháp (của chúng tôi), Phó Tổng thống Nixon đã đề xuất sử dụng vũ khí nguyên tử... Nếu chúng tôi không đạt được... mục đích (của chúng tôi) trong đời mình thì thế hệ kế cận của chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh... Chúng tôi đang hứng chịu hàng chục triệu quả bom đạn. Tương đương với... 600 quả bom nguyên tử... Sự thật đơn giản là chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh cũng như cam chịu trở thành nô lệ. Do đó đối với những đe doạ và thất hứa của các ông, chúng tôi cho rằng đó không phải cách thật sự nghiêm túc để tiến hành đàm phán”.
Cũng giống như các tổng thống Mỹ trước đây, một hay nhiều điều “cấm kỵ hạt nhân” đã làm nản trí Nixon và Kissinger trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam. Sự mê muội của họ đối với học thuyết “mất trí” và việc phát động một cảnh báo hạt nhân năm 1969, tuy nhiên lại cho thấy họ có thể nghiêm túc hơn những chính quyền tiền nhiệm về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Cho đến khi nhiều hồ sơ hơn nữa được giải mật hoặc những cựu quan chức cấp cao như Henry Kissinger hay Alexander Haig sẵn lòng trả lời câu hỏi về những sự kiện này, thì câu trả lời cuối cùng vẫn tiếp tục bị lảng tránh.
Dường như cấm kỵ này cũng đang tác động đến chính sách đối với Iran của Chính quyền Tổng thống Bush. Theo Seymour Hersh, “cuối tháng 4/2006, giới lãnh đạo quân sự ... đã giành được một thắng lợi lớn khi Nhà Trắng cuối cùng đã không thông qua kế hoạch ném bom, trong đó có khả năng sử dụng một thiết bị hạt nhân để phá huỷ nhà máy làm giàu urani của Iran tại tỉnh Natanz”. Dẫn đầu bởi Tướng Peter Pace, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng, giới tướng lĩnh và cố vấn chính sách ngoại giao đã chỉ ra nhiều khe hở nghiêm trọng trong tin tức tình báo về chương trình hạt nhân của Iran và cảnh báo nếu Chính quyền lựa chọn biện pháp hạt nhân sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, quốc tế, quân sự và chính trị. Tuy nhiên, so sánh với Việt Nam, liệu những yếu tố cấm kỵ hạt nhân mang tính lịch sử có ngăn cản Chính quyền Bush sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc tấn công “trước” đối với kẻ thù tiềm năng hay không, thì vẫn còn đang được bỏ ngỏ./.

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2007

For Maya Deren


For Maya Deren *
hay sự diễn dịch một Nàng Thơ

Những ẩn ức về giấc mơ dường như không có thật trong một buổi chiều mắc cạn
một bông ác hoa quyến rũ
sự lặp lại không ngừng của thời gian
vận động trong một chiều không gian khác
cái bóng của em
đôi môi gợi mở một bí mật
về một thế giới mới
ở trong đó
anh không có mặt
sự hiện hữu tồn tại ẩn dật
bóng ma của anh hay
lớp vỏ thần khí của một-con-người-không-mặt phản xạ ánh sáng
ở đó chúng ta có thể tuỳ tiện
đắp nổi lớp da mặt của ai đó
có thể không phải là anh
cũng có thể không phải là ai khác
trong giấc mơ cuối cùng
em mơ một giấc mơ khác
giấc mơ chồng chéo giấc mơ
giấc mơ này đan xen một chìa khoá
mở ra một con dao
đột ngột cắt đôi hai mẩu bánh mỳ
căn nhà dường như không còn trống trải
cự ly giấc mơ của em nhoà vào hiện thực
không giấu nổi vẻ đẹp tuổi thanh xuân
em chắc chắn là một dư chấn
với tâm ẩn sâu một chiều nắng hoảng loạn
ngập ngừng không biết nên chạy trốn hay cô đơn đứng lại
chứng kiến một thứ ánh sáng khác
sắc bén và đớn đau
em
và em
và chính em
đúng vậy
em
mang gương mặt đẹp của một thiên thần
bị giết chết bởi một thiên thần khác
khải huyền chầm chậm
sự lặp lại không ngừng của thời gian
trong một buổi chiều hỗn loạn dường như không có thật
giọt máu em đông cứng những mắt lưới
lạnh toát buổi chiều...

* Maya Deren: (29/4/1917-13/10/1961): tên thật là Eleanora Derenkowsky, sinh ra tại Kiev, Ukraine trong một gia đình người Nga gốc Do Thái. Nàng cùng gia đình sang Mỹ năm 1922 do bố nàng ủng hộ Trotsky, tốt nghiệp chuyên ngành báo chí và khoa học chính trị tại Đại học Syracuse, sau đó có bằng thạc sỹ chuyên ngành văn học Anh tại Đại học Smith. Bắt đầu sự nghiệp điện ảnh tại Hollywood, nàng nổi tiếng với một số bộ phim ngắn rất hay và được mệnh danh là Queen of Avant-Garde film-maker. (nguồn: www.imdb.com)

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2007

Thứ Ba, sự vô lực của ngôn ngữ

Sự vô tận đọng trong giọt nước
ngày thứ Ba trôi lặng mặt giấy
anh nhớ
kỷ niệm về em thoáng động
tưởng tượng một vùng xoáy
trôn ốc
sự vô tận đọng trong giọt nước
anh cảm thấy sự bất lực của mình đọng trong ánh mắt em
dù đã ngăn cách bởi hai lớp kính dày cộp
anh, sự vô dụng tận cùng
chìm trong sự bất lực tự xưng
ngôn ngữ chết trước khi thụ tinh
phí hoài năng lực thấu thị
anh, nhà chiêm tinh nửa mùa
cảm giác thời gian ngưng đọng
trong quả cầu pha lê nhàu nát
anh, sự lạnh lùng cuối cùng
cơn gió cuối cùng
cơn giông cuối cùng
lạnh lùng em
sự đổ vỡ cuối cùng của giọt nước
anh thấy gương mặt mình méo mó
từng mảnh vụn không thể gom nhặt!

Hôm nay, thứ Ba, ngày bắt đầu cuộc khải huyền vô nghĩa

Anh hối hận vì không thể
nói lời yêu em như trong
phim, đơn giản vì anh
không thể yêu như Inrasara
anh không thể lao bừa
vào em
mà không nhận
một cái tát nháng lửa...
trong thì hiện đại hậu kỳ

Anh chán ngán hết mọi thứ, những công việc nhàm chán hàng ngày làm
anh đau đầu vì các vụ giết người điên loạn vin cớ sự khác biệt ý thức hệ, hay một kiểu tình yêu bệnh hoạn khiến
anh phát tởm lợm nhưng vẫn phải làm vì tiền, phải rồi vì tiền, anh cảm giác mình là một con thiêu thân lao hàng ngày vào một ngọn lửa không biết vì sao nó cháy.
Hôm nay anh uống rượu “Xuân về”, ý nghĩa phải không em?
Đang giữa mùa thu mà anh mong xuân về, vị ngọt của rượu không thể làm vơi nỗi
khát anh về em, dù
em chỉ cách anh một khoảng
thời gian chầm chậm
em
anh mệt mỏi quá rồi
không phải vì rượu
không phải vì những câu cợt nhả
không phải vì ông anh người Lào “tình hữu nghị đặc biệt”
anh ghét phải giả dối
anh ghét phải đùa cợt với em
anh ghét phải nói những câu vô nghĩa
nhưng như Inrasara đã gào lên một cách vô nghĩa
hay mình lao bừa vào nhau
bởi love is an universal theme
những cái thậm hay ho
những nhà thơ đã viết hết những gì romatic
những nhà làm phim đã thể hiện tính drama
bi kịch Hi Lạp là
bài học anh nằm lòng
anh bối rối
không biết thể hiện tình yêu thế nào
anh hối hận
không biết em hiểu tình yêu thế nào
có lẽ chúng ta nên lao bừa vào nhau?
Rưọư không làm anh say mà phải chăng
sự bất hay làm anh lạc đường trong mê lộ
con đường bên phải anh đi
mải miết mãi
anh day dứt
...
24 năm lần đầu tiên anh bối rối vì không nói nổi một lời!
Em
hay mình lao bừa vào nhau đi em!

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2007

Venice-James Longenbach

Venice - James Longenbach

Bà Hunter là cái tên duy nhất tôi có về bà,
một bà già giàu có đính ước với cha tôi, một hoạ sỹ,
để làm tài liệu cho bộ sưu tập chìa khoá của bà.
Những bức ảnh mà bà cho là kém thẩm mỹ.

Bà đã sống trong chuồng ngựa có mái hai mảng, sơn đen.
Khi cha tôi vẽ tranh về những chiếc chìa khoá này
Tôi phác hoạ ngôi nhà đó -
Chiếc dù Trung Hoa trong cái hòm dựng,
Tấm rèm tù trưởng Arập phủ bàn ăn, dưới kính

Tôi đã thêm nhiều thứ nên có mặt, một cây đàn clavico.
Tôi xoá đi những thứ dường như bí ẩn.
Một lần, sau khi ngã vào bảng pha màu của cha,
Ông đã phải cọ lớp màu bám trên tóc tôi.

Không để mọi thứ bị thừa thãi.
Ngôi nhà chứa đựng những thứ được làm sẵn.
Không vật liệu thô: vật liệu mang
nặng dấu tích cũ, mòn vẹt,
từ những thứ khác được làm trước đó –

Giống như bản thân ngôi nhà, từng là nơi nuôi ngựa,
Giờ có thể xác định rõ ràng những thứ tôi nhận biết bằng bản năng
dù chưa từng nhìn thấy: những thứ kỳ lạ duy nhất đó có thể tuyệt đẹp.
McNamara, Westmoreland – bên ngoài cuộc chiến tiếp tục.
Ngôi nhà của bà là nơi tôi sống trong tưởng tượng.

Trong một thoáng, tôi nghĩ mình cũng là một hoạ sỹ.
Sau đó tôi nghĩ có lẽ là một nhạc sỹ.
Khi tôi lần đầu tiên nhìn thấy San Simeone Piccolo
bập bềnh trên Grand Canal,
Tôi đã bước vào trí tưởng tượng.
Tôi mua một chiếc chìa khoá cho Bà Hunter.

(The New Yorker 2/7)

©Time bản tiếng Việt

Bad Dreams are Goods-Joni Mitchell

Những giấc mơ xấu đều tốt - Joni Mitchell

Những chú mèo trong giường hoa
Diều hâu đỏ lướt trên bầu trời
Tôi nghĩ rằng mình hạnh phúc
Vì đang được sống
Nhưng
Chúng ta đang đầu độc mọi thứ
Và lãng quên tất cả điều đó
Những thây ma di động bập bẹ
Qua các khu buôn bán sầm uất
Khi kền kền rơi từ những bầu trời Ấn Độ
Cá voi mắc cạn và chết vùi trong cát
Những Giấc Mơ Xấu đều tốt
Trong Kế hoạch Lớn lao này

Và bạn không thể được tin cậy
Có bao giờ bạn biết mình đang nói dối?
Thật nguy hiểm khi đùa giỡn bản thân
Bạn trở thành điếc, câm, và mù
Bạn được quyền như thế
Bạn cư xử tồi
Bạn Không duyên dáng
Không thấu cảm
Không biết ơn
Bạn không ý thức về hậu quả
Ồ, tôi ôm đầu
Những Giấc Mơ Xấu đều tốt
Trong Kế hoạch Lớn lao này

Trước khi có quả táo biến đổi gen
Chúng ta với tất cả là một
Không ý thức về cái tôi và người khác
Không tự giác
Nhưng giờ chúng ta phải níu lấy
với thế giới nhân tạo này đang rực lửa ngăn
Để tâm tới thói ích kỷ vô ngần của người anh em chúng ta

Mọi người đều là nạn nhân
Không có tay ai là sạch sẽ
Chút còn lại từ Địa đàng hoang dại
rất gần với họng kìm guồng máy chúng ta
Chúng ta đang sống trong những cái vảy điện năng
Những vết thương này từng là ao hồ
Chúng ta không biết gánh vác trách nhiệm
hoặc rút kinh nghiệm từ những sai lầm cũ
Vậy ai sẽ tới để cứu lấy chúng ta?
Chuột dũng mãnh... ? Siêu nhân... ?
Những Giấc Mơ Xấu đều tốt
Trong Kế hoạch Lớn lao này

Trong bóng tối
Một tia sáng
Tôi nghe một cậu bé 3 tuổi nói
Những Giấc Mơ Xấu đều tốt
Trong Kế hoạch Lớn lao này

(The New Yorker 17/9)

©Time bản tiếng Việt

Like a Prisoner of Soft Words-C. D. Wright

Như một tù nhân của những từ ngữ mềm - C. D. Wright


Chúng tôi đi dưới chùm dây và bầy chim về làm tổ.
Chúng tôi biết nơi đang tới nhưng không lựa chọn
con đường chúng tôi sẽ đi.
Chúng tôi ngó lơ bà thầy bói, người có thể đọc những đường chỉ tay bất thường.
Chúng tôi để rơi rụng nhiều thứ trên đường đi mà có thể minh chứng chúng tôi đang tới đây.
Chúng tôi không thể truyền tải trọn vẹn tất cả những cảm xúc này.
Vào thời điểm chúng tôi tới quán ăn khi một người đang đói bụng.
Đây là cửa dẫn vào lối sân trong
nhìn thấy một bể bơi bỏ hoang.
Chúng tôi ngờ vực ai đó đang bám theo một người trong số chúng tôi.
Chúng tôi chạm vào vết mực thấm trên áo.
Nhận thấy dáng vẻ cô đơn của người chủ quán gần một chân đèn tối.
Vì là khách nên chúng tôi không được phép sỗ sàng.
Chúng tôi bỏ vài tờ bạc lên khăn trải bàn.
Chúng tôi thiếu thực tế nhưng hăng hái với quyết tâm mãnh liệt.
Tại đường biên, dưới một vành đá, chân cầu dành cho người đi bộ.
Những cây tuyết tùng ngập mặn trùm lên con đường.
Mực nước đang hạ.
Và chúng tôi không thể thấy ai đang tới, những kẻ vượt biên và bọn buôn người,
tuần cảnh biên phòng, bọn đầu gấu, những thành viên Minutemen cực hữu, những người phụ nữ
giặt giũ cho những người phụ nữ khác đến từ bên kia.
Hay chú bé chăn dê bị sát hại sau giờ tan học. 6:27,
sự tàn ác của bóng tối, không phải ban ngày.

(The New Yorker 2/7)

©Time bản tiếng Việt

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2007

Fame-Les Murray

Danh tiếng - Les Murray

Chúng tôi đang ăn tối ở SoHo
và cặp ngồi bàn bên
đứng dậy ra về. Người phụ nữ dừng lại để nói
với tôi, tôi chỉ muốn ông biết
tôi có tất cả những cuốn sách dạy nấu ăn của ông

và tôi tín nhiệm chúng!

Tôi đã chuẩn bị
để trả lời, thưa Bà,
chúng chẳng có ý nghĩa gì với bà ngoài điều tốt!
bất kể tôi có thể
trơ tráo như thế nào.

(New Yorker 17/9)

©Time bản tiếng Việt

Lake Water-David Ferry

Nước hồ - David Ferry

Giờ là một trưa hè tháng Mười.
Tôi ngồi trên ghế gỗ, nhìn
hồ nước qua một tấm bình phong xanh cao ngất
Hoặc đúng hơn là, nhìn mặt nước hồ,
Thấy ánh sáng rung rung trên mặt
Như thế nó là làn hơi nóng lung linh.
Hôm qua, khi tôi ngồi đây, nó đã như thế,
Sự giống nhau bất chấp tác động của mùa.
Hai lần chứng kiến dường như đó đã là một sự thật.
Tôi có thể nhận thấy nhiều cây phía bên kia hồ
Đang bắt đầu đổi thay, như thể không gian
Đang hoàn toàn hoà mình vào mùa hè,
Với mục đích phủ nhận sự tự nhiên riêng có.

Một làn gió nhẹ miên man và dai dẳng
Thổi vào bờ từ phía bên kia
Hoặc từ thế giới bên ngoài phía bên kia.
Thanh âm nhè nhẹ từ những cơn sóng dìu dịu vỗ bờ
Mà gió kia gây nên - có gì đó trẻ con
Về nó, một đứa bé nơi bầu ngực mẹ. Ánh sáng
Đang chuyển động nhưng không chuyển động trên mặt nước.

Làn gió kia mạnh dần nhưng vẫn miên man,
Sự mạnh thêm của gió trở thành sự kiện chi phối
nhè nhẹ, cưỡng ép sự chuyển giao quyền lực
Lãng quên ngọt ngào giữa ánh sáng và bóng tối,
Sự đổi thay ánh nắng trên mặt nước,
Ngay lập tức trở nên kín đặc và kích động hơn
Một cách thầm lặng, giống như tập trung các xúc cảm
Đã từng tản mác và rời rạc nhưng giờ thì không.
Sau đó là mát dịu từ bóng một đám mây,
Và ánh sáng lắng bớt đôi chút, thu mình lại.

Mặc dù đây vẫn là hồ nước với
Một cơn thuỷ triều đang dâng nhẹ lên bờ.
Thanh âm của nước nhẹ nhàng khi vỗ
Bờ rõ ràng là gợi cảm,
Trong trạng thái lỏng, cân đối,
Dai dẳng, lãng quên trẻ con của nó.
Như thể nó đang trở lại
Sự bắt đầu, một khởi nguồn cuộc sống.

Mặt hồ nước giống như một trang sách mà
Những cụm từ và thậm chí là cả câu được viết trên đó,
Thế nhưng bởi làn gió nhẹ, và sự xoay vòng của năm,
Và cảm nhận mặt nước hồ này, đang
Trải qua một ngày đặc biệt, đến từ một
Nguồn nào đó ở nơi nào đó, phía dưới, bên trong, nội tại,
Hoặc từ nơi khác, không xa, một con suối, một con lạch
Khởi nguồn từ nơi nào đó khác nữa,
Nó giống như ý tưởng của một bài thơ chưa từng được viết
Và có thể không bao giờ được hoàn thành, bởi
Mặt giấy cũng giống như nước hồ,
Luôn lấy lại những gì được viết trên nó,
Và tất cả ngôn từ của tôi về hồ nước và
Những cảm xúc của nó hoặc sự lãng quên ngọt ngào của nó.
Hoặc thậm chí sự tồn tại của nó như một nguồn gốc,
Tất cả đều bị xoá sạch bởi sự đổi thay của làn gió
Hoặc bởi áng mây lơ đãng ngang qua.

Khi, một thoáng sau khi nàng mất, tôi nhìn vào
Gương mặt nàng, bất động như điều gì đó tự nhiên,
Hồ nước, nói, bề mặt nó khó đọc,
những nguồn ý nghĩa của nó không thể tìm thấy.
Miệng nàng mở rộng như thể có điều gì thổ lộ;

Nhưng có thể bởi sự diễn đạt của tôi như là một diễn văn.


©Time bản tiếng Việt

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2007

Untitled I

Sự cô đọng của mùa hè
bộn bề mưa
đêm lay
không khói
mưa
tính thiết yếu của mưa
mưa bay xiên
từng chiếc kim thêu
một bông hoa mưa
nhoà
nghiêng nghiêng như đổ vỡ
tan vào từng giọt nước bay nghiêng
mưa
sự cô đọng của mùa hè
lần trút những con tinh trùng mưa cuối cùng
trước khi bắt đầu làm tình một mùa khác
mùa thu
những cơn mưa đầu thu
đèn vàng đã tắt
tiếng mưa rên rỉ trên mái tôn
lôp bộp
tanh tanh
nồng vị ổi
mưa
cú rướn rải cuối cùng
trước khi
mùa hè
thật sự chết
mưa...

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2007

MI5 khẳng định George Orwell không phải là cộng sản

Nhà văn, nhà báo người Anh George Orwell (25/6/1903-21/1/1950)

MI5 khẳng định George Orwell không phải là cộng sản

(AFP, 3/9)
Theo các hồ sơ được công bố ngày 3/9, cơ quan tình báo quốc nội Anh MI5 đã theo dõi George Orwell trong hơn 2 thập kỷ song không cho rằng ông là một nhà cộng sản chính thống.
Trong một tài liệu do Cục lưu trữ quốc gia Anh cung cấp, Orwell – tác giả “1984” và “Animal Farm” - được Nhóm đặc biệt của Scotland Yard mô tả là có “những quan điểm cộng sản cấp tiến”. Hiện Nhóm đặc biệt có nhiệm vụ chống hoạt động mang tính lật đổ.
Tuy nhiên những nhận định trên đã bị MI5 nghi ngờ.
Trước đó, Cục an ninh, thường được biết đến với cái tên MI5, đã không đưa ra bất kỳ sự phản đối nào khi Orwell – tên thật là Eric Blair - nộp đơn xin việc ở báo Sunday Observer tại Trụ sở chỉ huy các lực lượng liên quân.
Trong bản báo cáo tháng 1/1942, Nhóm đặc biệt đã mô tả Orwell có “có những quan điểm cộng sản cấp tiến và nhiều người bạn Ấn Độ của ông nói rằng họ thường nhìn thấy ông trong các cuộc họp của những người Cộng sản... Ông thường phục sức kiểu bohemian cả tại văn phòng lẫn những lúc riêng tư”.
Tuy nhiên, một sỹ quan MI5 viết: “Có chứng cớ rõ ràng trong tác phẩm gần đây của ông ta – “The Lion and The Unicorn” – và bài viết trong tập tiểu luận “The Betrayal of the left” của Gollancz, cho thấy ông ta không thuộc đảng Cộng sản cũng như họ cần ông ta”.
Ban đầu Orwell thu hút sự chú ý của giới tình báo khi cơ quan tình báo đối ngoại MI6 của Anh, lưu ý rằng ông hình như được đề nghị làm phóng viên thường trú tại Paris của tờ Workers Life.
Một bản báo cáo khác năm 1942 đã mô tả Orwell, người chống lại Franco trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha những năm 1930, là nhân vật “có một chút vô chính phủ và liên hệ với những phần tử cực đoan”.
Báo cáo cho rằng ông “rõ ràng có những quan điểm thiên tả mạnh mẽ, nhưng khác biệt với chủ nghĩa cộng sản chính thống”.
Chứng cớ giúp các cơ quan an ninh trên đoan chắc như vậy là dựa vào một bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Left. Trong đó, ông nói rằng nếu Liên bang Soviet chiến thắng trong Thế chiến thứ hai thì sẽ không trở nên bá quyền và truyền bá chủ nghĩa cộng sản khắp châu Âu.
Orwell qua đời vào năm 1950.

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2007

Film review part I

American History X (1998):

Một bộ phim nhạt nhẽo không thể tin nổi, nào Neo-Nazi, racism, hoàn lương, đổ vỡ đức tin, lắp đuôi, nhà tù, v.v...
Có thể đây là vai diễn hay của Edward Norton, nói một cách công bằng thì đây là vai diễn hay nhất của anh mà tôi đã từng xem, nhưng với tôi, diễn xuất chỉ là một phần của bộ phim, bình đẳng với tất cả những thành phần khác: quay phim, ánh sáng, trang phục, make-up, kịch bàn (nhấn mạnh: tôi vẫn ưu ái một kịch bản mới lạ hơn một anh chàng hoặc cô nàng đẹp mã nào đó)... Có chăng sau khi xem phim này có lẽ ta nên dừng xem Hollywood products một thời gian. Ngấy lắm rồi.
Genre: Crime/Drama.
Rate: 5.5/10.

Picnic (1996):
>Thú thật tôi chưa từng xem một bộ phim nào của Shunji Iwai trước đó, kể cả All about Lili Chouchou hay Swallowtail & Butterfly. Nghe nói tay đạo diễn Nhật Bản này luôn làm phim về những câu chuyện tình, thứ tình cảm mà vô vàn nghệ sỹ đã dày vò đến nát bấy.
Phim ngắn, hơn 70 phút, điên rồ nhưng đầy khoái cảm. Highly recommended! Có lẽ sau I’m a Cyborg but that’s OK, chúng ta cũng nên đổi gió xem sao.
Genre: Drama
Rate: 8.0/10.

Constantine (2005):

Wow, một phim hay đến bất ngờ. Nói chung đề tài tôn giáo (nhất là Thiên chúa) luôn hấp dẫn tôi một cách khó hiểu. Thiên Thần sa ngã, Quỷ vương hầm hố, thù ghét, độc đoán và ích kỷ, Con Người luôn vật vã kiếm một chỗ ngồi trên Thiên đường - địa điểm chả ai biết nó có sức hấp dẫn như những gì những ông/bà văn nghệ sỹ múa mép tụng ca hay không. Highly recommended!
Genre: Drama/Fantasy
Rate: 7.0/10.

The Crow (1994):

Nội dung bộ phim đơn giản một cách kỳ lạ. Nhưng tràn ngập trong phim là hơi thở, phải nói là đậm đặc không gian, rất rất rất gothic trong một đêm Halloween mưa gió. Đúng vậy Eric Raven luôn hát “It cant rain all time”, như một lời khẳng định về cuộc sống và số phận, định mệnh mà chúng ta liệu có thể cưỡng cầu. Bộ phim đưa tôi đến với bài thơ đầy ám ảnh The Raven của nhà văn Mỹ Edgar Alan Poe. Highly recommended!
Như vậy ngoài Dark City, Alex Proyas còn chiếm đoạt tôi bằng The Crow trong một đêm gothic kinh điển!
Genre: Fantasy/Drama
Rate: 8.0/10.

An inconvenient truth (2006):

Phim tư liệu về đề tài khí thải gây hiệu ứng nhà kính do cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore trình bày. Khá hay nhưng không đưa ra một ý tưởng nào mới mẻ!
Genre: Documentary
Rate: 6.5/10

Shortbus (2006):

New Yorker! I love NY artists all!
Các cuộc tranh cãi ầm ĩ về những cảnh làm tình tập thể, đồng giới, thủ dâm,v.v... rõ ràng bullshits, chỉ dành cho những kẻ đầu óc hủ lậu, khăng khăng bám chặt đạo đức giả mạo mô phạm tầm thường. Phim mang lại cho chúng ta một bầu không khí mới, đôi khi làm chúng ta tắt nghẹt vì khó thở trước cái mới, đôi khi làm chúng ta bật khóc vì sướng khoái trước cái mới. Highly recommended! Những cảm nhận tinh tế về mối quan hệ giữa người với người, giữa nghệ sỹ và nghệ sỹ, giữa đạo đức giả và xúc cảm thật. Điều này có lẽ chỉ tồn tại trong tư duy những nghệ sỹ thực thụ. Nghệ sỹ muôn năm! (hô lại khẩu hiệu của bác Nguyễn Mạnh Hùng)
Genre: Drama
Rate: 8.0/10.

La femme Nikita (1990):

Có lẽ Luc Besson cũng có tài như John Woo ở địa hạt phim crime. Tác phẩm này (có lẽ) cũng giống như A better tomorrow ở tính chất landmark? Nhưng, hình như, tôi, đang, quá lời!
Genre: Crime/Action
Rate: 6.5/10.

Love Story (2006):

Phim điện ảnh Singapore đầu tiên tôi xem. Quá đủ để bật nên câu khen ngợi. Trước hết chính là anh Andy Lau với dự án Firstcut Focus. Ý tưởng không lạ lùng trong một bộ phim tình yêu thông thường. Nhưng cách thể hiện thật mới lạ và hấp dẫn. Một món lẩu thượng hạng cho vị giác: chua, cay, ngọt, đắng, bí ẩn và không mùi. Thấp thoáng đâu đấy còn có mùi hương ngây thơ nữa. Highly recommended!
Genre: Drama
Rate: 7.5/10

Still life (2006):

Đây hoàn toàn không phải một bộ phim gây tranh cãi. Đơn giản bởi đó là một tác phẩm hay thực sự, hay theo cách tán tụng của tôi, Người tốt ở Tam Hiệp đã đóng đinh cảm xúc của tôi một không gian, một cảm xúc hậu-hiện đại, vô cùng triệt để. Vô số những hình ảnh siêu thực, phi lý đan xét với hiện thực hài kịch đen. Liệu đây có phải ẩn dụ tượng trưng sự nguyền rủa của thiên nhiên với con người (diễn dịch suy nghĩ của anh Hải kv3)?. Extremely recommended!
Genre: Drama
Rate: 8.5/10

The World (2004):

Thế giới có-thể-được-thu nhỏ nhưng liệu tình-người-có-thể-lấp-đầy-những-khoảng-rỗng? Bộ phim thứ hai của Giả Chương Kha mà tôi tìm xem ngay sau khi ngất ngưởng với Still life. Vẫn tiếp tục ấn tượng với cảm giác hài kịch đen, hình ảnh cơ giới lạnh lùng nhưng tuyệt đẹp. Trung thành với indie spirits! Nghệ sỹ muôn năm! (hô lần hai - copy & paste từ blast anh Nguyễn Mạnh Hùng). Highly recommended!
Rate: 7.5/10

Bỗng giật mình tưởng bở/hoá ra mùa thu vỗ vai

Thế là gió nhẹ cùng
mưa bay mưa bay lớt phớt
lá xanh chưa muốn rụng
mùa thu
rõ ràng
mùa thu ồ ạt tràn trề...

&

ừ thì em
không còn ngắm
mùa thu bên cửa sổ
nhớ về
vụt hiện những kỷ niệm
tặc lưỡi
ừ thì thôi
kỷ niệm
mùa thu mà
gió không thổi
cũng thấy lòng nhẹ rung rung

&

a a a a
m ù a t h u
c ó k h i n à o
m ù a t h u q u ê n
e m
c ó l ẽ n à o
m ù a t h u q u ê n
t h u m u ộ n
m u ộ n
r ồ i

&

mỗi một ngày tôi càng thêm lo lắng về niềm tin của mình
chỉ sợ nó sẽ té rớt ra đường đụng phải xe khi vô tình
băng qua một đại lộ chật hẹp với những đàn chuột nhắt
riu ríu bày đoàn duyệt binh rầm rộ tại quảng trường

ở đó một con mèo đang chơi đùa với vỏ lon Coca
Cola một thằng bé uống xong ném trượt quả ba điểm
một chiếc rổ thủng trôn giấc mơ hồng chui lọt
xanh xanh xanh vài ba ánh mắt chập chờn

lả lướt cùng trăng cùng hoa cùng trái cùng bàn thờ
tổ tiên ưu đãi đặt mức giá thuế quan
mong cho con chó và con mèo và con chuột
ba con sẽ nhập thể một Thánh Ba Ngôi.

Lôi thôi một khúc ngoặt
anh bước trên đời cặc
lẽ ra em nên gặt
cánh đồng mùa hoa cặc

và lặng lẽ trơn tru ngày em bắt đầu hành kinh
nguyệt tròn nguyệt méo lòng anh cũng tròn cũng méo
hoa và trái ong và bướm con sâu làm mồi con kiến
bốn bức tường bóng tối sơn màu đen lem nhem.

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2007

Một buổi tối không có trong sự thật

Anh nhớ bóng anh nhớ hình anh nhớ ảnh
anh nhớ em anh nhớ lắm em ơi – Xuân Diệu

Một buổi tối không có trong sự thật
sự thật không có ở đây
bóng tối đầy tràn
ánh mắt em
tôi nhớ
bàn tay em chạm
khoảng khắc một thế kỷ
trọn gói 10 giây
ánh mắt em
tôi nhớ
ánh mắt em
một buổi tối rõ ràng
không
có trong sự thật
sự thật chìm đáy chai
rượu đắng
rượu dắng ngắt
ánh mắt em
tôi nhớ
một buổi tối rõ ràng
không có trong sự thật
thời gian qua
thời gian không trở lại
thời gian
rõ ràng chết ngất
ánh mắt em rõ ràng
sự thật
buổi tối nay
một cơn gió không đủ chứng tỏ mùa thu dịu dàng
ánh mắt em rõ ràng
màu thu
màu thu êm suốt
trách móc dìu dịu
đắng
ôi dìu dịu đắng
rưọu đắng
tình đắng
ánh mắt đắng
em đắng
ừ em đắng
rõ ràng một buổi tối
không có trong sự thật
sự thật tràn đầy
bóng tối buổi hôm nay
ừ bóng tối
những cao ốc mang hình vú em
những cư xá mang hình mông em
những hồ nước mênh mông thu
ánh mắt em
ánh mắt em
luênh luênh
dòng ngược xuôi qua lại
anh nhớ em
một buổi tối không có trong
sự thật
tôi hỏi
sự thật
liệu tồn tại mùa thu
mùa thu đang qua
đang qua
nóng quá
đắng quá
nhớ quá
anh
một buổi tối
không có trong
sự thật...

rõ ràng
sự thật
một bóng tối hoang tưởng
anh đang hứng gió đông
để mơ mùa xuân năm ngoái
...
sự thật
trong một buổi tối
rõ ràng không có...

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2007

Buổi sáng ở hẻm 47, nói với những chiếc ghế nhựa & tán lá một cây xoài đang âm mưu trổ trái - Thận Nhiên

Buổi sáng ở hẻm 47, nói với những chiếc ghế nhựa & tán lá một cây xoài đang âm mưu trổ trái
[Thận Nhiên]


trong thời đại mà con người có nguy cơ biến thành những sinh thể đồng dạng
tụi tao mọc râu & hút thuốc lá vặt
liên tục phủ định & khẳng định thương hiệu
để không bị chìm mất
dưới bề mặt nông choèn của đời sống thị dân

mỗi ngày
để tồn tại
con người cần phải đả đảo một điều gì đó
nhưng tụi tao tuyệt đối không hoan hô

cầm tờ báo nhìn ra thế giới
tụi tao làm một cuộc hành trình từ chiếc áo dài đến tô phở tái
từ bốn ngàn năm văn hiến & những cuộc chiến tranh
đến mắm tôm, mắm cáy, mắm cà
đến cà phê & cô dâu đồng bằng sông cửu long xuất khẩu
đến những cái đầu phê thuốc lắc & cơ hội đầu tư chứng khoán
tụi tao bức xúc
tụi tao cần đả đảo

vì lòng yêu nước tụi tao đả đảo phong kiến
đả đảo thực dân
đả đảo đế quốc

vì nguy cơ thiếu vắng các công trình vĩ mô
tụi tao đả đảo bọn khoan cắt bê tông

vì an nguy của đất nước không thể dựa vào những điều may rủi
tụi tao đả đảo các cụ già
& trẻ em thiểu năng bán vé số dạo

vì sự phồn vinh của một trong những con rồng châu Á
tụi tao đả đảo các rổ bắp luộc
& các cần xé ve chai

vì mỗi chén nước chấm trên mâm cơm gia đình
tụi tao đả đảo nước tương có độc tố

vì giấc ngủ thừa ác mộng & sự an toàn của bao tử
tụi tao đả đảo chăn trung quốc có chất formaldehyde gây ung thư
& bánh bao nhân cạc-tông

vì nụ cười con nít
tụi tao đả đảo nước mắt của người già
& đồ chơi có độc tố chì

tụi tao đả đảo!
đả đảo những cái hang trên núi
& đả đảo những tòa cao ốc trong phố

tụi tao đả đảo những chiếc xe chạy vô chạy ra con hẻm làm phiền tụi tao phải xách ghế đứng tránh

tụi tao đả đảo cơn mưa dầm buổi sáng & những chùm xoài treo lơ lửng trên đầu
những trái xoài đến kỳ
sẽ rụng
theo những trái trứng trong buồng trứng sắp bị triệt sản

tụi tao đả đảo bọn thi sĩ & các nhà dân chủ dởm ở châu mỹ

a di đà phật
tụi tao đả đảo phật & bọn tham nhũng ở miến điện

nhân danh cha & con & thánh thần
tụi tao đả đảo chúa & các chính thể độc tài ở châu phi

~!#@%@!#!@%%^&*&(()...!
tụi tao đả đảo allah
& chủ nghĩa khủng bố ở trung đông

tụi tao đả đảo thượng đế & bọn bá quyền phương bắc

tụi tao đả đảo bóng tối
tụi tao đả đảo luôn ánh sáng

đả đảo viagra
tụi tao sẽ sắm a-ka đi săn bím cọp & tay gấu về ngâm rượu cường dương

***

buổi sáng nát bấy
cộng đồng thi sĩ ngồi dưới một tán lá cây xoài
sài gòn ê chề băng-rôn khẩu hiệu
những dòng xe là từng đàn rận bò trên thân thể
râm ran một cái ngứa bất tận

***

nếu cần một chỗ riêng tư
hãy khoét một cái lỗ vừa đủ rộng trên ngăn đá tủ lạnh
rồi nhét đầu vào đó

nếu cần đức tin và hi vọng
hãy nuôi
một con số đề

***

sáng nay
một đoàn người nhếch nhác dắt nhau đi qua đường phố
ngang con hẻm trước mặt tòa soạn báo nhân dân
họ làm gì vậy cà?
tụi tao đâu thể bỏ qua
nhân danh con người văn minh thảnh thơi ngồi uống cà phê dưới ánh mặt trời
tụi tao đả đảo

đả đảo! đả đảo!
đả đảo nhân dân đói nghèo lạc hậu
những kẻ thấp cổ bé miệng
làm mất mỹ quan & hỏng môi sinh của thành phố
đả đảo!

nhân danh tri thức vỉa hè & các học viện trên khắp thế giới văn minh
tụi tao đả đảo
những con người không thể tự lo liệu lấy thân
không sống được mà cũng không chết được
khiến tụi tao phải tự ti vì sự hèn mọn của mình
đả đảo!

nhân danh lương tri cần được biện hộ cần được tiệt trùng
tụi tao đả đảo
những kẻ quê mùa thất thế
sơn nguệch ngoạc khẩu hiệu trên lưng áo & nón lá đi diễu ngoài đường
làm tụi tao phải hổ thẹn vì sự bất lực của mình
đả đảo!

đả đảo nhân dân!
tụi tao ngủ cùng phe nước mắt... (?)[1]

***

tao vừa phát hiện một âm mưu
của các thế lực thù địch từ hành tinh komodo[2]
một trái xoài sẽ lặng lẽ chín
sẽ âm thầm rụng
xuống
trúng đầu tao

đả đảo xoài!


_________________________
[1]Hình như câu thơ này của một thi sĩ ở thủ đô.
[2]Hình như hành tinh này cách địa cầu ba mươi hai tỉ năm ánh sáng.

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2007

Cronus-Robert Mazzocco

Cronus - Robert Mazzocco

1.
Chúng ta sẽ nói, vào đêm khuya, hoặc tờ mờ sáng:
Nếu chỉ có Chúa biết chúng ta sẽ cảm thấy khủng khiếp nhường nào,
chắc chắn, rồi Chúa sẽ không khiến chúng ta phải chịu đựng sự ghê tởm này.

Dù, có thể, sau đó, Chúa không biết toàn bộ câu chuyện của chúng ta.
Hoặc, có thể, sau đó, Chúa cũng bất lực,
hoặc, có thể, Chúa chỉ đơn giản là vị Chúa ẩn sâu trong chúng ta...

Phải, quá sâu trong chúng ta, và Chúa là
những gì chúng ta sẽ phải chịu đựng.

2.
Brecht đã viết, lúc về già, một bài thơ nhỏ
về hạnh phúc, thứ, ông thú nhận,
đã lảng tránh ông cả cuộc đời.

Và do đó ông tuyên bố đầy hài hước, dù đáng thương:
nó phải nhanh chóng tốt hơn, cuối cùng,
nếu hạnh phúc, bạn biết đấy, luôn là của tôi,

bởi, như bạn thấy, quá ít thời gian, dĩ nhiên, để mất.

(The New Yorker 25/6/2007)

©Time bản tiếng Việt

Hands - Jean Sprackland

Đôi tay - Jean Sprackland

Bà tách những lát cá tuyết trên thớt,
nhúng chúng vào bột, thả từng miếng
từng miếng vào cơn bão nóng bỏng béo mầm.
Tôi thấy bà rửa tay,
thật là duyên dáng,

và nghĩ tới đôi tay bà đỡ
vuốt tóc ướt khỏi mặt khi tôi khóc lóc và nguyền rủa,
gọi tôi bé yêu và thổi vào nhiều khí,
cuối cùng kéo mạnh con cá trơn tuột của một thằng con trai.
Nhóc con hoàn toàn câm nín và xanh xao yếu ớt. Bà lấy nhóc ra
và mang cho nó hơi thở,
quấn trong tấm vải trắng. Rồi từ đó
tôi yêu bà như mẹ ruột của mình.

Tôi đứng đây vô ngôn trong hơi nước và giễu cợt,
khi bà làm những góc bệnh viện bằng gói giấy mới của tôi.

(The New Yorker 9/7/2007)

©Time bản tiếng Việt

The Cold Hill Side-Rachel Hadas

Sườn đồi lạnh lẽo - Rachel Hadas

Tháng năm trôi đi,
em nhớ anh nhiều hơn.
Quên nơi em thường để chìa khoá,
em thỉnh thoảng nhìn thấy một cánh cửa

và nhiều lần khác cảm thấy choáng váng và mất mát,
dù sống trong cơ thể
và cuộc sống của riêng em, có lẽ,
hoang mang và cô đơn

như chàng hiệp sỹ, bắt cóc và giải thoát
tới một thế giới mờ, ai đó nói
và em thức dậy thấy mình nơi đây
trên sườn đồi lạnh lẽo này.

(The New Yorker 23/7/2007)

©Time bản tiếng Việt

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2007

There is no time, she writes- D. Nurkse

Không còn thời gian nữa, nàng viết - D. Nurkse


Chúng ta phải oanh tạc những thành phố nổi loạn
từ một đỉnh cao nhất, tìm nơi ẩn nấp
của những kẻ tị nạn, mang một nhóc mèo ốm
núp dưới bóng một cây đu tàn lụi,
để yêu, đi bên đê chắn sóng,
học những lời chia tay,
cưới hỏi, gặp một luật sư, trở nên già cỗi,

và cơn gió luôn sục sôi
trong đám lá như lưỡi dao,
con kiến luôn bị đè bởi gánh nặng,
sự kiêu hãnh và bất khuất, nàng viết,
tiếng nhạc luôn mờ, cú chạm
từ tay người khác, và không có cách
để trở về, hoặc thậm chí là quay ngang,
không còn cách để chúng tự đối mặt;

viết điều này, tôi đã rất nhấn mạnh điều
nàng nói, những từ được ghi
trên mặt gỗ của chiếc bàn này
và dù trời tối nhưng tôi cảm thấy em
đang nghe, cố phát âm một câu trả lời
ở đó nơi bóng tối chui tọt vào trong
và một chiếc chuông nhỏ rung rung
trong cái nóng kinh ngạc.

(The New Yorker 6/8/2007)

©Time bản tiếng Việt

Four Poems - Vera Pavlova

Bốn bài thơ - Vera Pavlova


Em nghĩ trời sẽ trở đông khi chàng tới.
Từ sắc trắng nhợt không chịu nổi của con đường
một chấm nhỏ sẽ hiện ra, đến nỗi đôi mắt sẽ mờ,
và sẽ lại gần đây trong một lúc lâu, rất lâu,
để sự thiếu vắng chàng tương xứng như khi chàng tới,
và trong một lúc lâu, rất lâu, nó vẫn là một chấm nhỏ.
Một hạt bụi nhỏ nhoi? Một đốm lửa trong mắt? và tuyết,
không có gì nữa ngoài tuyết,
và trong một lúc lâu, rất lâu chẳng có gì,
và chàng sẽ rũ tuyết ở rèm,
chàng sẽ thu được độ lớn và ba chiều kích cỡ,
chàng sẽ tiếp tục lại gần, lại gần hơn nữa...
Đây là giới hạn, chàng không thể gần hơn. Nhưng chàng vẫn tiếp tục đi tới,
giờ quá mênh mông để ước định nữa rồi...

——

Nếu có điều gì đó để khao khát,
sẽ có điều gì đó để tiếc thương.
Nếu có điều gì để tiếc thương,
sẽ có điều gì đó để gợi nhớ.
Nếu có điều gì đó để gợi nhớ,
sẽ có điều gì đó để tiếc thương.
Nếu có điều gì đó để tiếc thương,
sẽ chẳng có gì để khao khát.

——

Nào chúng ta hãy chạm vào nhau
khi vẫn còn bàn tay,
lòng bàn tay, cánh tay, khuỷu tay...
Nào chúng ta hãy yêu nhau thay vì nghèo khó,
hành hạ nhau, dằn vặt,
méo mó, tổn thương,
để nhớ tốt hơn,
để xa lìa bớt đớn đau hơn.

——

Chúng ta giàu có: chúng ta chẳng có gì để mất.
Chúng ta già cả: chúng ta chẳng cần phải vội.
Chúng ta sẽ rũ nhẹ chiếc gối của dĩ vãng,
cời tro than hồng của ngày đang tới,
nói về thứ có ý nghĩa nhất,
như là tia nắng lười biếng nhạt dần.
Chúng ta sẽ nằm xuống để yên nghỉ cái chết vĩnh hằng:
Em sẽ chôn vùi chàng, chàng sẽ chôn vùi em.

(Chuyển ngữ từ tiếng Nga bởi Steven Seymour)

(The New Yorker 30/7 issue)

©Time bản tiếng Việt

Element it has-Glyn Maxwell

Nguyên tố nó có - Glyn Maxwell


Nó có thể không còn vẹn nguyên, thứ mà chúng ta tới
để thúc nhanh hoặc chậm hay làm phai nhạt, dù
chúng ta chòng chọc nhìn màu trắng của nó đang đều đều phình ra;

nguyên tố thông thường duy nhất nó có
là sự mất mát, và nó có thể khác biệt trong định dạng
mà nó đang có. Và nó trở nên đặc hơn vào ban ngày,

mỏng đi vào ban đêm như thể nó dường như hơn cả
một mẫu vật carbon, đau đớn, ngả nghiêng về cái gì?
Về chúng ta, như thể những hi vọng lẩn khuất hoặc những tổn thất

có thể đến với nó, như thể nó đi trên phố
trong tình yêu, bối rối, hành hạ, như thể nó cũng thế,
nở phồng ra để kinh ngạc về vị trí đặc biệt của nó,
thu gọn lại để tuyệt vọng trong buổi sáng
buồn tênh, sự căng phồng vô vọng tái sinh.

(The New Yorker 30/7/2007)

©Time bản tiếng Việt

Ghost Elephants - Jean Valentine

Những con voi ma - Jean Valentine

Trong cánh đồng voi
những con voi ma cao xanh lục
với thùng hàng chở đầy lá mùa hè của bạn

vào đêm tôi nghe thấy tiếng bạn thở bên cửa sổ

Bạn chưa từng nghĩ rằng tôi đang khóc
khi bạn rời xa tôi
chưa từng nghĩ rằng tôi đã tự do

Ban đầu lời tạm biệt có sự du dương với nó -
hoặc giả chỉ trong vài tháng -
vậy mà nó là sự bêu đầu

con voi ma,
người mẹ đã khuất của tôi,
vươn tới,
vượt qua tôi -

(The New Yorker 3/9/2007)

©Time bản tiếng Việt

End of Summer - James Richardson

Cái kết của mùa Hè - James Richardson

Chỉ là cái im ắng bất thường của giao thông
nên bạn nghe thấy một gã nào đó trong chiếc tạp dề, tay áo xắn lên,
với sự lướt qua sống sượng sự lướt qua sống sượng của hắn trên vỉa hè,
và tiếng sập cửa của một chiếc xe tải cho thuê quá mỏng,
tôi nói với anh ta không có cơn giận nào chộp lấy từ cuộc tranh cãi
và mang tới anh, ầm ĩ.
Nó sẽ trở nên quá khác biệt
Nếu bất cứ điều gì trong những thứ này mất hút thì đó là cảm giác
anh luôn luôn trong ngày đầu tiên của mùa thu,
không, ngày đầu tiên anh nghĩ là mùa thu, khi không rõ làm sao

mặt trời cô độc treo cao trên những cửa sổ,
một gã hầu bàn đang xếp một biển vải trắng
với những chiếc ly thuỷ tinh và bạc, và những con chim sẻ
đảo lộn nơi nào đó là mùa Hè
phất phơ rằng đây là nơi nó trở về
và sẽ không còn đi với anh,

lữ khách, người bỏ lại tất cả điều này phía sau,
chỉ mang theo duy nhất thứ được làm cho anh.
Đám đông dường như đen tối hơn và hối hả hơn
và tiếng lóng trở nên quá đỗi kỳ lạ,
và anh đang không hiểu những gì anh yêu,
vẫn ở đây, quanh góc phố với ánh hoàng hôn dịu nhẹ,
lại là thế giới, đôi mắt mở to như đứa trẻ
giơ lên một thứ đồ chơi mà anh có thể sửa.
Bước đi của anh thật nhẹ nhàng làm sao
bước đi trên đại lộ chật hẹp tới những con phố vắt chéo,
Tháng Mười, tháng Mười Một nhỏ nhặt, tháng Chạp rõ ràng rỗng không.

(The New Yorker 3/9 issue)

©Time bản tiếng Việt

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2007

Blake - Adam Zagajewski

Blake - Adam Zagajewski

Tôi quan sát William Blake, người đã phát hiện các thiên thần
mỗi ngày trên ngọn cây
và đã gặp Chúa trên cầu thang gác
trong ngôi nhà nhỏ và thấy ánh sáng nơi những thung lũng bụi phủ đầy –

Blake, người đã chết
hân hoan ca hát
trong một đám đông chật ních ở London
với gái điếm, đô đốc hải quân và những phép màu,

William Blake, thợ chạm, người làm việc
và sống trong đói nghèo nhưng không tuyệt vọng,
người đã nhận được những ẩn ức cháy rực
từ biển cả và bầu trời đầy sao.

người không bao giờ đánh mất hi vọng, kể từ khi niềm hi vọng
luôn được tái sinh như hơi thở,
tôi nhìn thấy những người đó bước đi giống ông trên các con đường xám.
hướng tới cây lan đỏ sẫm của bình minh.

(Chuyển ngữ từ tiếng Ba Lan bởi Clare Cananagh)

(The New Yorker 13/8 issue)

©Time bản tiếng Việt

Sự khởi động một kết luận cuối cùng (mặc khải?)

Ao làng xưa khởi đầu một thời đại
Bãi thuyền vắng khởi đầu một câu thơ
Đêm mưa khởi đầu một ngày nắng
Bão tố khởi đầu một mùa Thu
Đi tu khởi đầu một vòng tuần hoàn mới
Bàn thờ tổ khởi đầu một văn minh
Vật chất mờ khởi đầu một ý thức tối
Ổ rơm khởi đầu một đốm lửa
Giấc mơ khởi đầu một giấc mơ khác
Con tinh trùng khởi đầu một gã đàn ông
Tiếng rên khoái khởi đầu sự hoan lạc mới
Biệt xứ khởi đầu một tình yêu lạ
Gã hành khất khởi đầu một khúc cải lương
Tiếng đàn đứt khởi đầu một sự im lặng
Vũ trụ khởi đầu tất cả sự bắt đầu...


[Đáp trả bài này của nhà thở thờ thơ Trúc-Ty]
[Cuối cùng

Con cá cuối cùng trong ao
Con thuyền cuối cùng trên bãi
Kẻ bộ hành cuối cùng trong đêm mưa
Ngọn đèn cuối cùng trước bão
Niềm tin cuối cùng trước khi rũ bụi đi tu
Chai rượu cuối cùng trên bàn thờ tổ
Mảnh xương cuối cùng trong thế giới vật chất mờ
Tiếng cười cuối cùng trong ổ rơm rạ
Cái tát cuối cùng trong một giấc mơ
Cú rướn cuối cùng của gã đàn ông
Cú rặn đẻ cuối cùng của người phụ nữ
Chuyến hành hương cuối cùng của người biệt xứ
Cái ngửa tay cuối cùng của gã hành khất
Âm thanh cuối cùng của dây đàn đứt
Con thiêu thân cuối cùng trong vũ trụ
]

The biblical world of Luis Bunuel - Spengler (Asia Times 28/8)

Thế giới thánh kinh của Luis Bunuel

(Spengler, Asia Times)
Ngày 22/8, Criterion Collection đã phát hành bản DVD kiệt tác The Milky Way, bộ phim gây xáo trộn nhất thế kỷ 20 về niềm tin do đạo diễn Luis Bunuel thực hiện năm 1969. Đến nay tác phẩm này vẫn không thích hợp với tiêu chuẩn thông thưòng của giới điện ảnh mộ đạo. Những khán giả từng cảm thấy kích động với The Passion of the Christ của Mel Gibson có thể sẽ không chịu nổi quá 10 phút khi xem phim. Tuy nhiên, tác phẩm chế giễu khôi hài bằng cách mô tả những điều quái dị trong lịch sử Giáo hội này của Bunuel có chất lượng đến nỗi việc so sánh với tất cả những bộ phim khác có chủ đề về Cơ đốc giáo dường như trở nên nhạt nhẽo. Độc nhất vô nhị, đạo diễn vĩ đại người Tây Ban Nha đang tái hiện trên màn ảnh rộng sự xa lạ và kinh ngạc của thế giới thánh kinh, đó là, một thế giới trong đó Thần khí luôn luôn hiển hiện.
Phần lớn những người Baptist [1] đã không tới các rạp chiếu bóng khi bộ phim của Bunuel được trình chiếu cách đây gần 4 thập kỷ, và dường như sự phát hành dưới dạng một phương tiện truyền thông điện tử sẽ làm tăng thêm số lượng khán giả vốn dĩ hạn chế của bộ phim này. Điều đó thật đáng tiếc, khi mà bộ phim đưa ra rất nhiều cuộc thử nghiệm về niềm tin, nếu bạn không cười phá lên với những cầu chuyện đùa ở đó, hầu như bạn không tin tưởng một chút nào về đức tin mà bạn đang tuyên xưng.
Đối với đông đảo khán giả, Bunuel (1900-1983) nổi tiếng về lập trường công kích giai cấp tư sản, như trong Bell de jour, bộ phim năm 1967 miêu tả sống động về một cô nội trợ thuộc tầng lớp trên đã trở thành gái điếm, hay như những quý ông thượng lưu đói khát trong The Discreet charm of the Bourgeoise (1972), bộ phim giúp ông giành được giải thưởng Oscar duy nhất trong đời. Thời kỳ đầu sự nghiệp, ông đạo diễn một phim ngắn siêu thực The Andalusian Dog với sự hợp tác của hoạ sỹ nổi tiếng Salvador Dali, một tác phẩm gây shock vào năm 1929 nhưng đã trở nên bình thường trong thời điểm hiện nay. Là một tín đồ siêu thực và có cảm tình với Đảng Cộng sản Tây Ban Nha cũng như đã chối bỏ Giáo hội Thiên chúa ngay từ khi còn trẻ, Bunuel lại dường như được xem là đạo diễn điện ảnh duy nhất thành công với đề tài tôn giáo.
Tuy nhiên, khi The Milky Way ra đời năm 1969, Vatican đã rất thích thú với tác phẩm này (các thầy tu dòng Tên quan trọng hơn các thầy tu dòng Dominic, Bunuel đã quan sát điều đó với con mắt sành sỏi lão luyện) trong khi những người bạn cánh tả của đạo diễn đã rời bỏ ông trong sự ghê tởm đáng khinh. Tiểu thuyết gia người Argentina Julio Cortazar đã phẫn nộ bỏ về khi xem nó trong một buổi chiếu riêng, cáo buộc Bunuel (sai lầm) đã bí mật nhận kinh phí làm phim từ Giáo hội.
Sự hoài nghi chính là bà đỡ của niềm tin, khi không có hoài nghi thì niềm tin cũng chẳng cần thiết nữa. Một sự hoài nghi mãnh liệt có thể không tạo nên thầy tế hay linh mục tốt nhất, song nó thu nhận lấy sự đau đớn tột cùng của việc nghi ngờ để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật trần thuật vĩ đại về đề tài tôn giáo. Đó cũng là lý do tại sao những người ngoại đạo lại thường tạo nên tác phẩm nghệ thuật về tôn giáo sâu sắc nhất - ví dụ như Faust của "kẻ ngoại đạo vĩ đại" Johann Wolfgang von Goethe.
Về hình thức, The Milky Way đậm nét siêu thực. Hai gã giang hồ người Pháp ngửa tay xin ăn và đi nhờ xe trên tuyến đường hành hương thiêng liêng tới nhà thờ Santiago de Compostela ở phía Tây Bắc Tây Ban Nha, nơi được cho là có lăng mộ của Thánh tông đồ James. Trên đường đi, họ gặp gỡ với nhiều người mang thần khí (divine beings), như lần lượt từng hoá thân trong Chúa Ba Ngôi [2] cũng như Thần Chết, và lang thang qua nhiều sự kiện trong lịch sử Giáo hội. Cuộc đời của Jesus Christ được bắt gặp rải rác, trong đó có một đoạn không hề được ghi lại trong Kinh Thánh (Đức mẹ Đồng trinh thuyết phục Jesus không nên cạo râu).
Từ đầu đến cuối bộ phim, Bunuel tập trung nhấn mạnh tới những khó khăn, nếu không muốn nói là ngu ngốc, trong Kinh Thánh và học thuyết. Một nhân vật trùm áo choàng (hoá thân của Người đầu tiên [3] trong Chúa Ba Ngôi) đã gặp các nhân vật chính khi họ đang cố đi nhờ một chuyến xe ở ngoại vi Paris, và trích dẫn huấn thị của nhà tiên tri Hosea [4] để sinh con cái với một ả gái điếm, cũng như gọi hai kẻ giang hồ kia là "You are not my people" [5] (Các người không phải là con dân của ta) và "There is no more mercy" [6] (Không còn sự nhân từ). Ở cuối phim, những kẻ lang bạt cuối cùng cũng tới được Santiago, nơi một ả gái điếm cho họ hay rằng những người hành hương đã ngừng tới đây và thành phố hiện không còn ai, và rồi hai kẻ giang hồ này bỏ đi cùng với cô ta để sinh con cái. Lời nguyền của Hosea về Israel được Chúa chọn (errant Israel?) cho chúng ta biết đến một quan điểm tuyệt vời của Bunuel về chúng ta.
Nhiều nhân vật cố gắng giải thích sự hoá thể [7] và sinh con nhưng vẫn còn trinh [8] (đoạn này không dịch được: God is in the host just as a rabbit is in a rabbit pate, offers an innkeeper), không có thực và là những sự kiện ngu ngốc. Trong khi đó, những con người mang Thần khí liên tục xuất hiện trong câu chuyện. Hai gã giang hồ bắt gặp một chàng thiếu niên mang dấu thánh [9] của Chúa Jesus, và không mấy nhiệt tình giúp anh ta (make a desultory effort to help him). Chàng trai trẻ chìa tay ra và một chiếc xe hòm ngừng lại cho họ đi nhờ; khi hai kẻ lang bạt vô tình thốt ra lời báng bổ, thì người tài xế đuổi thẳng cổ họ xuống xe. Lát sau, một trong hai gã giang hồ biểu lộ ước muốn rằng chiếc ô tô không dừng lại để họ đi nhờ sẽ gặp tai nạn, điều này diễn ra ngay sau đó, và ở hàng ghế sau họ phát hiện Thần Chết, bật radio trên chiếc xe đó lúc đang phát đi một đoạn mô tả địa ngục của Thánh John đạo Cơ đốc.
Hai gã giang hồ cố xin ăn tại một nhà hàng sang trọng, nơi đầu bếp trưởng và phụ bếp đang tranh luận về ý nghĩa của Lễ ban thánh thể [10] ; khi người đầu bếp trưởng không đồng tình với ý kiến những người vô thần là một lũ điên, máy quay camera đưa chúng ta đến hình ảnh một quý ông lịch thiệp đang diễn thuyết tố cáo những điều ngu ngốc của tôn giáo. Mặt đối nghịch của niềm tin được khai sáng này hoá thân thành Marquis de Sade [11], người đã tra tấn một thiếu nữ phản đối sự tồn tại của Chúa. Bunuel cho chúng ta hay có quá nhiều sự phản đối niềm tin hũu lý; thiếu vắng niềm tin là không đúng song sự thù ghét đối với Chúa này xuất phát từ thói bốc đồng thái quá.
Bộ phim cũng thể hiện nhiều quãng thời gian trong lịch sử Giáo hội. Hai dị giáo dân người Tây Ban Nha thế kỷ 16 bác bỏ thuyết Chúa Ba Ngôi, và trốn thoát bằng cách đánh cắp trang phục của những thợ săn ngày nay. Một người tìm thấy một chuỗi tràng hạt [12] trong túi áo jacket ăn cắp, và bắn đứt tung thành từng hạt bằng khẩu súng ngắn; một vài giờ sau, Đức Mẹ Đồng Trinh Mary xuất hiện một cách kỳ diệu để trả chuỗi tràng hạt đó cho một trong hai người dị giáo kia. Họ đã tới một nhà trọ nông thôn Tây Ban Nha thời hiện đại và kể lại câu chuyện trên với một thầy tu địa phương, người nói rằng họ không nên kích động, rằng Đức Mẹ linh thiêng luôn xuất hiện và ban phép lạ như một tất yếu. Người dị giáo đó kết luận: “Niềm tin không đến với chúng ta bằng lý trí, mà thông qua trái tim”.
Cuối phim, Jesus hồi phục thị giác cho hai người đàn ông mù. Khi cố gắng đi theo Người, họ vẫn dùng gậy trúc để dò dẫm tìm đường. Bunuel tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn, được kèm theo trong bản DVD, rằng “Anh ta vẫn có những phản xạ của một người mù và chưa quen với tình huống mới. Bên cạnh đó, anh ta cũng chẳng biết một cái hào hay một cái lỗ trông ra sao”. Hình ảnh nổi bật trên thu tóm toàn bộ bài học về niềm tin của Bunuel; mặc dù tình thương của Chúa dành cho con người (divine love) có thể làm sáng mắt chúng ta, chúng ta thấy nhưng không hiểu. Điều đó không phải là do sự xa cách của Chúa, mà sự mù loà con mắt bên trong đã khiến chúng ta xảy chân.
Trong nhiều trường hợp thì điều này hoàn toàn là sự báng bổ thánh thần khủng khiếp, song không thể hiện rõ ràng như thế. Người viết tiểu sử của đạo diễn Bunuel. John Baxter, trong bài viết năm 1994 cho biết:

Điều khiến Bunuel bối rối đó là việc The Milky Way được Giáo hội đón nhận nồng nhiệt, những nhóm ủng hộ sự lan truyền của chủ nghĩa tự do trong Hội đồng Giáo hội Vatican thứ hai. Rome thậm chí còn đón nhận cả đoạn mô tả một cuộc hành hình giả đối với một nhân vật mà rõ ràng ám chỉ tới Giáo hoàng John Paul II do một nhóm những người vô chính chủ Tây Ban Nha thực hiện, và khi uỷ ban kiểm duyệt Italia cấm chiếu bộ phim trên, họ đã can thiệp để đảo ngược quyết định này. Bất chấp sự phản đối của một số ít những nhà phê bình tôn giáo, Chính phủ Tây Ban Nha cũng từ chối cấm chiếu bộ phim này. Liên hoan điện ảnh về giá trị tôn giáo và con người tổ chức tại Valladolid đã mời bộ phim trên tới tham dự, và Văn phòng điện ảnh Thiên chúa giáo quốc gia Mỹ sau đó cũng đã trao tặng một giải thưởng cho bộ phim Nazarin [sản xuất năm 1959] của ông.

Tôi muốn tranh luận rằng Bunuel thành công với đề tài tôn giáo, chủ đề mà quá nhiều nỗ lực xiển dương khác thất bại, ví dụ như Ingmar Bergman và Federico Fellini. Bunuel đã sống trong nó, và tái tạo cho chúng ta, một thế giới mà ở đó cái siêu phàm (the supernatural) liên tục hiển hiện. Với sự tôn kính này, ông là một trong những nhà làm phim mang tính thánh kinh nhất. Khi nhà thần học ở Harvard, James Kugel, nhận xét trong cuốn The God of Old rằng Kinh Thánh mang đến cho chúng ta một thế giới mà ở đó bạn có thể đang đi trên đường và gặp một người đàn ông, và thực tế đó là một thiên thần, nhưng thiên thần đó lại là hoá thân của Chúa.
Đối với con người, việc Thần khí hiển hiện là điều không thể dự báo song theo nhiều cách có tính hữu hình cao. Không như Franz Kafka, người tái tạo điều gì đó của phong cách kể chuyện mang tính thánh kinh song lại đưa ra một thế giới mà ở đó Thần khí là không thể nhận biết và không tồn tại, Bunuel cho chúng ta thấy Thần khí trong tất cả sự khó khăn và xuẩn ngốc của nó - với việc Thần khí phải xuất hiện một cách vô lý và vô thực trong mắt người trần. Về hình thức, chủ nghĩa siêu thực của Bunuel tương đồng với cái được gọi là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của một vài nhà văn Mỹ Latinh, không phải ở tính huyền ảo của nó, mà ở một cấp độ tinh thần cao hơn mà chúng ta thường gặp.
Không hề có dấu vết của sự duy linh trong thế giới ảm đạm của Ingmar Bergman, đạo diễn người Thuỵ Điển vừa qua đời tháng trước, có lẽ ngoại trừ những tinh thần ngoại đạo bay bổng trong The Virgin Spring. Đạo diễn khổ hạnh người Thuỵ Điển đã đặt những nhân vật của ông (hoặc để rõ ràng hơn, một nhân vật cô độc luôn được thể hiện bởi Max von Sydow) trong sự cáu giận mang tính hiện sinh (existential tantrum) đối với sự xa lạ của Chúa. Bergman là một đạo diễn lớn duy nhất có những bộ phim thực sự ở tầm thấp kém hơn so với những tác phẩm đả kích nó (ví dụ như Monty Python’s The meaning of life). Tuy nhiên, ngược lại, Chúa thì không mấy xa lạ với Bunuel, Chúa là hiện thực khủng khiếp, với tất cả sự bí hiểm, thậm chí ngớ ngẩn của ông ta.
Fellini lại là một trường hợp khác, bộ phim tuyệt đẹp năm 1954, La Strada, lại tìm kiếm ý nghĩa Thấn khí (divine meaning) trong sự phụ xướng (responses) đơn giản nhất và thống thiết nhất của con người, và đạt tới rất gần quan điểm này. Tuy nhiên, Fellini, một người Italia nóng nảy, đòi hỏi quá nhiều ở Chúa; nhân vật bí hiểm của ông, gã Khờ, nói rằng mỗi con người, mỗi ngôi sao, thậm chí mỗi hòn cuội đều có một ý nghĩa, hoặc thứ tầm thường cũng có một ý nghĩa. Điều đó tốt thôi; tuy nhiên ý nghĩa đó có thể là gì, chúng ta không thể biết chính xác, và không thể chỉ ra. Niềm tin của Fellini thật mỏng manh dễ đổ gẫy. Sự cay đắng bao trùm ông, và sự tự thu hút, giống như cảm giác đớn đau khi xem những bộ phim sau này của ông.
Bunuel, nhà quý tộc Tây Ban Nha, không hề hãi sợ đối vỡi những ngờ vực của bản thân, và hoan hỉ tấn công bất cứ cối xay gió và gã khổng lồ nào tự xuất hiện. Ông có niềm tin của một Thánh Job, ngợi ca Chúa bất chấp sự kì quặc ghê gớm trong hành động của mình. Việc phát hành bản DVD của The Milky Way là sự kiện đáng vui mừng, đặc biệt trong ấn bản này bao gồm cả những tài liệu hỗ trợ phê bình./.


[1] Baptist: người theo giáo phái chỉ rửa tội cho người lớn (LACVIET-MTD2000, ND)
[2] Holy Trinity: ba ngôi một thể, Chúa Ba Ngôi (sự hợp nhất làm một của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần trong đạo Cơ đốc) (Theo LACVIET-MTD2002, ND)
[3] First Person: đức Chúa Cha (ND)
[4] Hosea: con trai của Beeri và là nhà tiên tri sống tại Israel thế kỷ 8 trước CN. Ông là một trong 12 nhà tiên tri Do Thái được đề cập trong Kinh Cựu ước. Theo Kinh Hosea, ông lấy Gomer, một cô gái điếm và là con gái của Diblatayim, theo lệnh của Chúa.(Theo www.en.wikipedia.org, ND)
[5] Tên một người con của Hosea theo tiếng Hebrew (Theo www.google.com, ND)
[6] Tên một người con của Hosea theo tiếng Hebrew (Theo www,google.com, ND)
[7] Transubstantiation: Sự hoá thể - giáo lý Cơ đốc cho rằng bánh mỳ và rượu vang trong Lễ ban Thánh thể sau khi cúng tế đã biến thành thân thể và máu của Chúa Jesus, dù bề ngoài không theo đổi (Theo LACVIET-MTD2002, ND)
[8] Virgin birth: Mary mang thai và sinh hạ Jesus khi vẫn là gái trinh (ND)
[9]Stigmata: Dấu chúa, năm dấu thánh - những dấu giống như những vết thương trên cơ thể Jesus Christ khi bị đóng đinh trên thập giá (Theo LACVIET-MTD2002, ND)
[10] Eucharist: Lễ ban Thánh thể - lễ của đạo Cơ đốc ban bánh mỳ và rượu vang có nguồn gốc từ bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus (Theo LACVIET-MTD2002,ND)
[11] Marquis de Sade: (1740-1814), Hầu tước người Pháp và là nhà văn viết nhiều tác phẩm gợi dục nổi tiếng. Ông cũng là triết gia ủng hộ tự do tuyệt đối, không chịu bất cứ sự ràng buộc đạo đức, tôn giáo và luật pháp nào đồng thời coi việc theo đuổi sự thoả mãn cá nhân là mục tiêu cao nhất. (Theo www.en.wikipedia.org, ND)
[12] rosary: chuỗi tràng hạt với thánh giá nhỏ dùng để lần khi đọc kinh (Theo LACVIET-MTD2002, ND)

©Time bản tiếng Việt