Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2007

A Village Life-Louise Glück

Cuộc sống nông thôn - Louise Glück

Cái chết và sự bất định đang chờ đợi tôi
như nó đang chờ đợi tất cả loài người, những bóng tối đang ước định tôi
bởi nó cần thời gian để huỷ diệt một con người,
yếu tố trì hoãn đó
cần được giữ gìn -

Trong mỗi ngày Chủ Nhật, tôi dạo chơi cùng con chó nhà hàng xóm
để cô có thể đến nhà thờ cầu nguyện cho người mẹ đang ốm đau

Con chó đợi tôi trong khung cửa. Mùa hè và mùa đông
chúng tôi đi cùng trên con đường đó, vào sáng sớm, nơi chân đê dốc đứng.
Thỉnh thoảng con chó lại chạy biến đi - một hoặc hai lần ngắn ngủi,
thỉnh thoảng nó mới làm thế, và rồi ngừng ngay
như là một thú vui với tôi -

Sau đó, tôi trở về nhà để kiếm củi.

Tôi giữ trong tâm trí những hình ảnh về từng chuyến đi:
hoa monarda mọc bên vệ đưòng;
vào đầu xuân, con chó đuổi theo từng đàn chuột xám nhỏ

trong một thoáng nó dường như có thể
không nghĩ tới ảnh hưởng của thể xác đang dần yếu ớt đó, tỷ lệ
thể xác tới sự luân chuyển trống rỗng,

và những lời cầu nguyện trở thành những lời cầu nguyện cho cái chết.

Giữa trưa, tiếng chuông Nhà thờ ngừng bặt. Ánh sáng tràn trề:
lặng thinh, cánh đồng đầy cỏ, do đó bạn không thể thấy
ngọn núi xa xa, bao phủ bởi tuyết và băng.

Khi ngọn núi xuất hiện trở lại, người hàng xóm của tôi nghĩ rằng
lời cầu nguyện đã được đáp ứng. Quá nhiều ánh sáng cô không thể kiềm chế sự hạnh phúc -
nó bật ra thành tiếng, Hello, cô gào lên, cứ như thể
đó là sự chuyển ngữ tuyệt vời nhất.

Cô tin vào Đức Mẹ Đồng Trinh theo cách tôi tin vào ngọn núi,
dù cho ngọn cỏ không bao giờ nâng lên,
nhưng mỗi người tích trữ niềm hi vọng trong một nơi chốn khác.

Tôi làm món súp, tôi rót một cốc vang.
Tôi hồi hộp, như đứa trẻ tới thời dậy thì.
Sớm thôi nó sẽ quyết định bạn chắc chắn là gì,
một điều, một cậu nhóc hay cô bé. Không thể nào được cả hai.
Và đứa trẻ nghĩ: Tôi muốn nói một câu về điều đang xảy ra.
Nhưng nó không nói gì.

Khi tôi còn bé, tôi không biết trước điều này.

Lát sau, mặt trời lên, bóng tối tụ lại,
những bụi rậm xào xạc như những con thú vừa tỉnh giấc bởi màn đêm.
Bên trong, chỉ có duy nhất ánh lửa. Nó chầm chậm lụi tàn;
và giờ chỉ còn thùng gỗ nặng nhất là vẫn
đang đu đưa trên những giá để nhạc cụ.
Thỉnh thoảng tôi nghe được bản nhạc phát ra từ chúng
thậm chí khi đã khoá chặt các hòm.

Khi tôi là một chú chim, tôi tin mình sẽ trở thành người.
Đó là tiếng sáo. Và tiếng tù và đáp lại,
Khi tôi là người, tôi khóc như thể một chú chim.
Rồi âm nhạc biến mất. Và điều bí mật đang giãi bày với tôi
cũng biến mất.

Trong khung cửa sổ này, Mặt trăng đang treo qua Trái đất,
dù vô nghĩa nhưng đầy tràn thông điệp.

Nó đang chết, nó luôn luôn chết,
nhưng lại giả vờ là một thứ gì đó khác;
bừng cháy như một ngôi sao, và lôi cuốn, nên thỉnh thoảng bạn cảm thấy
nó có thể thật sự làm thứ gì đó lớn lên trên Trái đất.

Nếu có một hình ảnh về tâm hồn, tôi nghĩ rằng đó chính là nó.

Tôi đi xuyên bóng tối như thể là điều tự nhiên với tôi,
mặc dù tôi đã sẵn sàng là một phần trong nó.
Bình yên và lặng lẽ, bình minh lên.
Trong ngày chợ phiên, tôi đi với những cành rau diếp của mình.

(The New Yorker 13/8 issue)
© Time bản tiếng Việt

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2007

Ngày hôm qua/bến lạ anh/còn zậy mùi/ô mai em

[âm ỉ anh/cứ đi đi/những cái vali cứ về/bến lạ/Đặng Đình Hưng]

Anh lao vào em
như một cơn thể ngiệm bất chợt
như anh
con fố zài đẻn đỏ
những jọt cuối cùng đã cạn
vali đã sẵn sàng
bàn tay anh
con fố zài đèn đỏ
tìm anh
tìm xanh
ước mơ bước chân trên hành trình tìm bến lạ
ô mai em
anh cứu chuộc cuộc đời em
khỏi sự ghê tởm con người
hay
em cứu chuộc cuộc đời anh
khỏi sự ghẻ lạnh cuộc đời
ô mai em
tìm anh
tìm xanh
những bến lạ cứ trầy trật
tự khoe mình
con fố dài đèn đỏ
các đốm sáng không ngừng trò cút bắt con trẻ
con fố dài zậy mùi
ô mai em
ô mai em
em bị thu hút bởi vẻ ghét đời của anh
hay sự ghét đời của anh bị cảm cúm bởi
nhiều cơn thể ngiệm
đột ngột
hình như
bị say trước hình záng lưng em
mái tóc em
khuôn mặt em
bờ vai em
khuôn ngực em
bờ mông em
những ẩn ức zục tính không ngừng em
tâm tình em
cơn thể ngiệm em
đói em
jọt jọt em
cơn thể ngiệm cuối cùng
cú đụng cuối cùng
bao jờ bến lạ thành bến quen
anh không còn tìm trốn ở nơi đó
anh không còn khát nhịp nhịp mắt em
ôi luênh loang
luênh loang
những cơn thể ngiệm
đột ngột
cú đụng cuối cùng
bến lạ cuối cùng
siêu hình
ô mai
ô mai em...

chợt quên

Why - Philip Schultz

Tại sao - Philip Schultz

người đàn ông này ngồi đây khóc
trong nhà hàng sang trọng
vào ngày sinh nhật lần thứ 61 của mình, bởi
nỗi sợ hãi của ông đang tăng dần theo năm tháng,
bởi ông ta vẫn là thằng nhóc đang cố chạy
tới góc ghi điểm thứ nhất, tin rằng
tới đó có nghĩa là tất cả,
bởi những con nhện đang leo lên
cây ngô đồng ngoài nhà ông
vào sáng nay, sự thanh nhã của
một ảo giác tự do khai phá văn minh,
bởi những khuôn mặt trẻ thơ
của năm người lính chết trận trên TV,
sự tò mò còn đọng trong mắt họ,
đức tin của họ về sự hi sinh
chính đáng, bởi ngây thơ
là phần tối tăm nhất của vũ trụ,
bởi người Iraq đang bò lê
bò càng tìm kiếm một cúc áo đẫm máu,
một móng tay bị cắn nát, chứng cớ rằng
ý nghĩa của họ bị đánh cắp, bởi
vì kiến trúc cổ xưa đó
trong những giấc mơ của ông, tính cố chấp tàn nhẫn đó
trong sự ngu dốt của ông, bởi ông tin vào
sự giải thoát, sự thuần khiết của khổ đau,
tính thiêng liêng của sự thật, bởi
những vẻ mặt thuần con người của vợ
và hai thằng con đang mỉm cười với ông từ bên kia
chiếc bàn lấp lánh này, bởi
cảm xúc mãnh liệt của họ trong lễ hoài niệm Thánh,
điều họ chắc rằng sự tốt đẹp sẽ còn tồn tại,
bởi những con nhện đang bám chặt
sự thanh nhã trong từng thời khắc, bởi
tới đó vẫn có nghĩa là tất cả?

(The New Yorker 27/8 issue)

© Time bản tiếng Việt

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2007

The Fever-Kimiko Hahn

Cơn sốt - Kimiko Hahn

Những dải san hô đang đổi màu,
màu đen và đỏ sậm bị chuội đi
đại dương đang lên cơn sốt,

trong mỗi giọt đổ ra biển,
huỷ hoại dần màng tảo cộng sinh
và những dải san hô đang đổi màu.

Chính xác, nó ít hấp dẫn hơn những hành động khủng bố
Chính xác, chúng ta có thể hoang phí thuốc chống nắng, rồi tắm,
mặc dù đại dương đang lên cơn sốt.

Cuối cùng, hành tinh này sẽ không còn hâm nóng;
tảo sẽ không còn là vùng đỏ tấy.
Chỉ những dải san hô, đang đổi màu.

Tôi tự hỏi rằng liệu, lại vẫn, tầng ozone
có bị huỷ hoạt bởi việc dùng keo xịt tóc không ngớt của dì tôi –
đại dương có đang lên cơn sốt?

Tôi đã có phần chia châu báu chói loà
từ làng quê thơ ấu của Mẹ ở Maui.
Thầm lặng, cuộc sống đang mất dần màu sắc
nơi đại dương tôi sốt không ngừng.

(The New Yorker 27/8 issue)

© Time bản tiếng Việt

Driving Home-Charles Simic

Về nhà - Charles Simic

Tay mục sư về sự tàn diệt sắp tới, đang giảng đạo
Trên chiếc radio ô tô, về sự đúng đắn nhường nào của
Địa ngục trong anh và sự nguyền rủa vang lên trong tôi
Khi tôi đi trên những con đưòng ảm đạm, nhỏ bé này
Nghĩ về con trai người đưa thư
Quân đội gửi về trong chiếc quan tài bịt kín.

Ngôi nhà anh ta ở gần lần rẽ tới
Một con chó lai cô độc ngồi trong sân
Đợi chờ ai đó trở về nhà
Tôi có thể xem TV đặt trong phòng khách,
Đóng hộp tiếng cười trong ngôi nhà trống rỗng này
Giống như thanh âm của những vại bia cột vào một đám tang.

(The New Yorker issue 20/8)

© Time bản tiếng Việt

24 24 24 hai mươi tư

24 24 24 hai mươi tư
nửa thế kỷ [-1] tôi chống cằm nhìn vào lịch sử
không thấy bóng dáng thời đại của mình


24 năm

bất đắc chí
24 năm chỉ toàn đói ăn
24 năm chỉ toàn mơ về biển
24 năm giật lùi
24 năm tôi mơ tìm thấy được mình

ẩn ức
khói mờ biển Bắc
không thấy ngón chân tôi
24 năm lang thang ko quá 10km2

24 năm giam hãm nơi nhà tù không vách
24 năm thời gian
24 năm mải miết
tôi bỗng nhớ đến ngày còn bé

muốn trở thành một người lính
với khẩu súng nhựa bắn đạn bằng
giấy vo viên từ trang vở kẻ ô li
nhắm vào nơi tôi không thể với tới
và địa ngục và lửa và nốt Mi thứ của riêng mình

Ôi những Em 24
24 năm đằng đẵng
24 năm những nói cười vô vị nhạt nhẽo với mọi người
24 năm tôi thấy mình trở lại
ngày lên 6
6x4=24

bảng cửu chương học hoài không thuộc
lần đầu tiên viết bài tập làm văn bằng giọng nói của mình
kỷ niệm trốn học với niềm hân hoan với điểm 6 làm văn thực chất
ngó nghiêng đôi mắt liếc ngây thơ tím biếc
cô nàng kia những điểm 8 cơ mà
thật là vui
những ngày hạnh phúc xa rồi?

24 năm tôi - không thấy mình đang sống
thế giới 6,4 tỷ người chết biết đi
biết thở biết viết thơ và biết
làm tình
tự nhốt mình trong địa ngục hình cầu
với góc nghiêng 23,5 độ
ước mơ xoay xoay với quỹ đạo gần như không nhận thức
vươn hoài tới vũ trụ đen, hài kịch đen

thì sao?

tôi - người chết biết đi - là
một trong số 6,4 tỷ người bệnh hoạn
muốn giam hãm mình
trong địa ngục thời gian
24 năm tôi không thấy là đủ
để có trải nghiệm về thực tế làm người

làm người sống - với đầy đủ ý nghĩa của từ sống
vứt hết những đạo đức kia đi
đầu độc chúng ta ngần ấy năm còn chưa đủ
24 năm tôi khao khát
đích thực trở thành chính tôi

chính tôi, dĩ nhiên, chính tôi,
không phải là một con người chết
mang bộ mặt da người
là tôi
24 năm tôi soi gương vài chục nghìn lần
vẫn không nhận ra người đứng trước gương muốn nói gì

24 năm tóc đen dần chen chân với tóc bạc
tóc bạc rồi
và “chúng ta,
tất cả đều sẽ chết”
câu đó, một người chết đã từng nói,
không kể màu da, giới tính, danh vị
24 24 24 hai mươi tư

tôi - một người chết, đã chết đang chết và rồi sẽ chết
vẫn không nói được
một câu
thật thà.
(1.51 am 25/8/2007
sửa lần 1 2.54 pm 26/8/2007)

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2007

Love Box-Gerald Stern

Hộp tình yêu - Gerald Stern

Chỉ vì bản nhạc của Paganini mà tôi đã tiết lộ
giây phút tôi trở về từ Prague và hôn lên
hai trái tim khảm dát lố bịch
được gắn rất cẩn thận và mài nhẵn đến nỗi như thể
chúng được vẽ lên, và tôi sẽ nói rằng
một trái tim là tôi và một trái tim là em và em đang
đứng cạnh cái que đỡ nắp hộp
và em nói, “Đừng quên, em đã từng cứu sống anh một lần”.
và tôi trả lời, “Anh sẽ không bao giờ quên”, và có những bức tường
bọc đồng với những con chó bằng vàng và bạc,
trừ khi phần cơ bị hỏng, hoặc nó bị làm sao đó,
bản nhạc ngừng lại, hoặc chỉ khi em nghĩ nó ngừng
có một tiếng ping khác, và tôi bật dậy
mặc chiếc áo sơmi trắng mà tôi mặc để mua
cà rốt và tôi lên dây cót chiếc hộp
dù lúc đó đang là tháng Sáu và có máu ở những ngón tay tôi
từ những quả dâu tây và tôi kiểm tra những
cái chốt bé xíu ở gần phía đỉnh hộp và khối gỗ
để nhìn ngắm nơi bản nhạc cất lên và để nhận
thấy rõ xúc cảm đang đổi thay như thế nào,
dù chúng tôi đã ngồi trên một chiếc thuyền ở cảng Naples -
Tôi thích như thế hơn - và chúng tôi đã bập bềnh và có
nhiều hơn một inch nước và
những trái tim khảm đang nhảy nhót cùng những cái chốt quay cuồng loạn.

(The New Yorker 20/8 issue)
© Time bản tiếng Việt

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2007

By the Book: A Haruki Murakami Reader (Time magazine 20/8)

Trong sự nghiệp kéo dài 30 năm, các tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết của Murakami đã giành được sự yêu mến của độc giả từ Jakarta tới Jerusalem. Những tác phẩm cần phải đọc của ông gồm:
A Wild Sheep Chase, 1982 (tạm dịch: Một chuyến săn cừu hoang)
Một tay thám tử nghiệp dư trong chuyến săn lùng giống cừu đặc biệt bắt gặp một phụ nữ với đôi tai kỳ lạ và Người Cừu. Là một phần trong bộ ba tiểu thuyết, Sleep Chase hiện đã được dịch sang 17 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Hard boiled Wonderland and End of the World, 1985 (tạm dịch: Xứ sở kỳ diệu lạnh lùng và nơi tận cùng thế giới)
Một câu chuyện khoa học-viễn tưởng về thành phố Tokyo trong tương lai giữa một cuộc chiến tranh công nghệ. Trong các chương truyện liên tiếp, nhân vật chính vô danh, người sống sót duy nhất sau một cuộc thử nghiệm cấy chip giải mã người, chiến đấu để hợp nhất nhận thức và cái bóng của mình. Cuốn tiểu thuyết đã giành được giải thưởng Junichiro Tanizaki, giải Pulitzer của Nhật Bản.
Norwegian Wood, 1987 (tạm dịch: Gỗ Na Uy)
Một thành công lớn với hàng triệu bản được bán trên toàn cầu, cuốn sách đặc biệt nổi tiếng tại châu Á. Hai triệu bản đã được bán tại Nhật Bản và một triệu bản ở Trung Quốc; cuốn sách 16 năm liên tục nằm trong danh sách best-seller tại các nhà sách hàng đầu ở Hàn Quốc. Không có nhiều nhà văn đạt được thành công lớn như thế tại châu Á.
The Elephant Vanishes, 2001 (tạm dịch: Chú voi biến mất)
Tuyển tập truyện ngắn này, với nhiều truyện thể hiện sự lập dị trong các tiểu thuyết của Murakami nhưng chỉ có độ dài dưới 20 trang, được viết trong thời gian hơn 6 năm. Trong số đó, nhiều truyện ngắn đã được đăng lần đầu tiên trên các tạp chí như The New Yorker và Playboy. Tiêu đề tuyển tập được lấy cảm hứng từ một vở kịch từng lưu diễn tại New York và London.
Wind-up Bird Chronicle, 1994 (Biên niên ký chim vặn dây cót)
Giới phê bình đánh giá cuốn sách dày 600 trang này, được viết trong thời gian hơn 4 năm khi Murakami sống tại Mỹ, là tiểu thuyết hay nhất của ông. Tác phẩm làm nổi bật hình tượng một tay nghe nhạc jazz cô đơn của Murakami, song hoà trộn với lối kể chuyện khiếp hãi của một người lính tham dự trận chiến Mãn Châu trong Thế chiến thứ hai - sự dấn thân thực sự đầu tiên của tác giả vào phía tối tăm trong lịch sử Nhật Bản.
Underground, 1997 (tạm dịch: Thế giới ngầm)
Trận động đất năm 1995 ở Kobe và vụ tấn công bằng khí độc sarin vào hệ thống tàu điện ngầm tại Tokyo của giáo phái Aum Shinrikyo đã chuyến hướng những nghĩ suy của Murakami về việc trở lại Nhật Bản sau gần 7 năm sống ở nước ngoài. Cuốn tiểu thuyết hiện thực này dựa trên những cuộc phỏng vấn với các cựu thành viên giáo phái trên cũng như những người còn sống sau vụ tấn công bằng khí độc.
South of the Border, West of the Sun, 1992 (Phía Nam biên giới, phía Tây Mặt Trời)
Giống như Bergman và Oe, Murakami không bao giờ mệt mỏi với hình tượng nguyên mẫu của mình – trong tác phẩm này là một người đàn ông cô độc ở độ tuổi trung niên và thất tình. Trong cuốn chuyện mất đi sự ngây thơ này, chủ một jazz-club gặp lại người tình thủa thanh mai trúc mã lạ lùng khi đang kề cận tuổi 40.
Kafka on the Shore, 2002 (Kafka bên bờ biển)
Một trong những tiểu thuyết phức tạp nhất của Murakami, Kafka hoà trộn giữa thần thoại phương Tây, pháp thuật Nhật Bản cũng như những quan tâm về tôn giáo - hiếm khi được đề cập tới trong các tác phẩm thời kỳ đầu.
After Dark, 2004 (tạm dịch: Sau bóng tối)
Trong cuốn tiểu thuyết ngắn này, tác phẩm mới nhất của Murakami, tác giả đã bỏ qua hình thức nhân vật kể chuyện lãnh đạm ở ngôi thứ nhất hay sử dụng trong thời kỳ đầu sáng tác để rộng mở tầm nhìn về một đêm cô đơn tại khu vực quận Shinjuku luôn sáng đèn ở Tokyo.

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2007

Burmese literature off the map

Nền văn học Burma “biến mất” trên bản đồ thế giới
(Kyi May Kaung, Asia Times Online, 26/7)

Burma (Myanmar) đã và đang trở thành một lựa chọn thú vị đối với những tiểu thuyết gia người nước ngoài muốn tìm kiếm một nơi có ít nhiều sự hiểm nguy. Tiểu thuyết “The Piano Tuner” (tạm dịch: Người lên dây dương cầm) của Daniel Mason đề cập tới thời kỳ thuộc địa của Burma. Trong khi đó, một linh hồn chu du khắp Burma, thuật lại câu chuyện “Saving Fish from Drowning” (tạm dịch: Cứu lấy loài cá khỏi bị chết đuối) của Amy Tan.
Tiểu thuyết “The Lizard Cage” (tạm dịch: Lồng nhốt thằn lằn) của Karen Connelly là câu chuyện hư cấu về một nhà hoạt động chính trị. Còn “The Glass Palace” (tạm dịch: Cung điện thuỷ tinh) của Amitav Ghosh mô tả về cung điện của vị vua cuối cùng. Những cuốn sách trên đã đưa tác giả của nó - trong đó nhiều người như Amy Tan đã sống ở đó (Burma) trong thời gian dài - vào danh sách những best-seller.
Tất cả những người bạn của tôi mà không phải là người Burma đều yêu thích các tác phẩm này, thậm chí rất thích. Tuy nhiên, tôi lại thấy chúng khá nhạt và không đủ sức thuyết phuc, có lẽ bởi tôi là người Burma chính gốc. Với mảng tiểu thuyết của các tác giả ngoại quốc, tôi thích thế hệ trước đó hơn - như tác phẩm “She was a queen” (tạm dịch: Cô ấy là Nữ hoàng) và “Siamese White” (tạm dịch: Người Thái trắng) của Maurice Collis và “The Lacquer Lady” (tạm dịch: Quý cô sơn mài) của F.Tennyson Jesse.
Tuy nhiên, (theo tôi) những báu vật thật sự của nền văn học Burma còn đang được chuyển ngữ và xuất bản tại Mỹ.
Những papillons [1] của Burma
Trong thập kỷ 1970, Chính phủ Burma đã bắt giữ các chính trị gia chống đối và ban đầu giam cầm họ tại Nhà tù Insein ở thủ đô Rangoon (Yangon), rồi lưu đầy họ tới quần đảo Coco ở vịnh Bengal. Trong số những người bị bắt có hai nhà văn nổi tiếng. Một người là cố nhà văn vĩ đại Mya Than Tint, người đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng sang tiếng Burma như War and Peace (Chiến tranh và Hoà bình), Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió) và The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh).
Khi ông qua đời năm 1998, một phát thanh viên người Burma đã tuyên bố “lẽ ra Mya Than Tint có thể đã trở thành nhà văn tầm cỡ thế giới nếu như ông không bị giới chính trị Burma đàn áp bằng cách hạn chế dề tài và buộc phải ông làm công việc dịch thuật”.
Thế nhưng, Mya Than Tint đã làm như thế, khi viết cuốn tiểu thuyết trứ danh “Over Mountains of Knives, I’ll cross the Ocean of Flames” (tạm dịch: Vượt núi dao, tôi sẽ băng qua biển lửa). Đối với hầu hết độc giả Burma thì tiểu thuyết này được biết đến dưới cái tên thân mật hơn, Dah Taung (Núi dao). Trong Dah Taung, một anh hùng theo chủ nghĩa xã hội có tên Than Chaung (Roi sắt) bị mắc kẹt trong vụ đắm tàu và trôi dạt vào một hòn đảo với bè bạn.
Mya Than Tint viết trong lời đề tựa cuốn sách thứ bảy này rằng trong tất cả những tác phẩm ông từng viết, Dah Taung là thành công nhất và được viết thoải mái nhất. Ông sáng tác trong hai tuần và luôn cảm thấy hạnh phúc khi viết Dah Taung. Ông cũng viết rằng Than Chaung, người hùng, dựa trên nguyên mẫu có thật về cuộc sống của một đồng chí của ông trên quần đảo Coco, Mahn Nyein Maung, người dân tộc thiểu số Karen, sau đó gia nhập phong trào du kích vũ trang và nay là một lãnh đạo cao cấp của Liên minh quốc gia Karen (KNU).
Khi còn trẻ, Mahn Nyein Maung có hình thể lực sỹ và rất khoẻ mạnh. Trong tác phẩm Dah Taung, nhân vật chính này biết bơi nên đã sống sót sau vụ đắm tàu, cũng như có thể trèo cây dừa dễ dàng ... Tuy nhiên Dah Taung cũng là cuốn tiểu thuyết có nhiều nhược điểm, dường như không có cốt truyện và nhân vật anh hùng thì quá tốt và được ca ngợi theo khuôn mẫu.
Cũng có thể do tôi đang trở thành một độc giả quá “Tây”. Từ sự miêu tả hình dáng và cơ bắp cuồn cuộn của Than Chaung, tôi có cảm tưởng như nhân vật người kể chuyện có tình cảm luyến ái đồng tính với nhân vật anh hùng này. Điều đó cũng có thể có hoặc có thể không quá cường điệu trong bối cảnh Burma hiện tại. Chúng ta chưa từng biết đến một tác phẩm của người Burma nào đề cập tới đề tài đồng tính, mặc dù có nhiều người đang hoạt động trong phong trào dân chủ ở hải ngoại đã công khai mình là đồng tính nam hoặc nữ.
Nhà lãnh đạo du kích Mahn Nyein Maung sau đó cũng sử dụng chất liệu tương tự trong cuốn hồi ký cá nhân “Against the Storm, Across the Waves” (tạm dịch: Vượt qua gió bão). Ông được gọi là “the Papillon of Burma”. Đó là một sự biểu đạt thích hợp. Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng vụ bắt bớ nhân vật Mahn Nyein Maung tại một tiệm trà và áp giải tới Insein, nơi có tên chỉ huy tình báo quân đội khét tiếng Shwe Myet Hman với biệt danh Gọng kính vàng, thường đích thân lĩnh trách nhiệm tra tấn tù nhân.
Tù nhân nơi đây bị đánh đập bằng roi nhựa dẻo màu xanh nhập khẩu từ Singapore, loại roi khét tiếng về sự đau đớn mà nó gây ra. Rồi những tù nhân này, với vết toác da nhằng nhịt ở lưng, bị bắt nằm úp mặt xuống bàn, và Gọng kính vàng nhỏ nhẹ nói, “Nào hãy xoa thuốc lên lưng anh ta”. Ngay lập tức, một viên phụ tá lỗ mãng hất cả xô nước muối lên lưng người tù nhân nọ.
Từ sự khởi đầu hấp dẫn này, tiểu thuyết-tự truyện liên tục dẫn dắt độc giả hết cảnh này đến cảnh khác bằng cách “chộp gáy” họ. Có nhiều cảnh sinh hoạt điền viên trên quần đảo Coco, nơi tù nhân chặt cây cọ, tìm trứng rùa, học cách làm bè từ một bài báo viết về cuốn sách Kon-Tiki[2] trong một tạp chí ở thư viện nhà tù, và họ đã bơi đến chỗ con tàu Aristotle Onassis bị đắm để tìm kim loại mài thành dao. Đây đó trong nội dung câu chuyện đầy kịch tính được so sánh như là ngồi trên chiếc roller-coaster với đoạn kết đầy bất ngờ, bạn cũng có thể tìm thấy vài điểm thú vị như công thức làm món bánh nướng kỳ diệu với 100 quả trứng rùa biển.
Năm 2001, tôi đã chuyển ngữ phần một cuốn “Against the Storm” với sự cho phép của Mahn Nyein Maung. Đối vởi bản tiếng Burma, được bán rất chạy ở Thái Lan với khổ chữ nhỏ, ông chỉ nhận được nhuận bút 2.000 USD, số tiền mà ông nói với tôi qua điện thoại là không đủ trả những khoản vay mà ông nợ trong quá trình viết và chuẩn bị bản thảo.
Bìa sau của cuốn sách thể hiện hình ảnh ông ngồi trên một cái bàn tre cạnh dòng suối gần biên giới Burma-Thái Lan, với khẩu súng trường dựng cạnh cột chống túp lều lợp rạ. Hiện ông vẫn sống tại khu vực, nơi được gọi là đã giải phóng, cạnh đường biên giới Burma-Thái Lan.
KNU được coi là phong trào phản kháng lâu đời nhất thế giới, dù năm 2004 họ đã ký một thoả ước hoà bình với Hội đồng phát triển và hoà bình liên bang Burma (SPDC). Một thời gian ngắn sau đó, chính quyền quân sự đã vi phạm hiệp ước trên. Kết quả là những vụ lạm dụng nhân quyền đối với người Karen và các nhóm dân tộc thiểu số khác tại Burma không ngừng tăng lên với chiều hướng dữ dội hơn. Các nhà lãnh đạo KNU, có lẽ bao gồm cả Mahn Nyein Maung, được cho rằng đang rơi vào cuộc tranh giành quyền lực sau cái chết mới đây của nhà lãnh đạo KNU huyền thoại, Tướng Saw Bo Mya.
Giai đoạn 2000-2001, tôi đã cố thuyết phục Mahn Nyein Maung rằng cuốn sách của ông ta có tiềm năng trở thành một best-seller tầm cỡ quốc tế và xứng đáng có cuộc sống văn học đích thực và được xuất bản một cách chính thống. Tuy nhiên thật khó để liên lạc bởi trình độ tiếng Anh của ông rất hạn chế và không sử dụng email. do phần lớn thời gian tôi gọi ông đều đang ở trong rừng (có lần tôi nghe thấy tiếng gà gáy sáng xa xa), và tôi không có khả năng tìm được một người thích hợp để làm trung gian.
Tôi hứa với ông sẽ không sử dụng những phần mà tôi đã chuyển ngữ, ngoại trừ những đoạn trích rất nhỏ cho mục điểm sách hoặc diễn thuyết tại nhà trường. Tôi cũng nói với ông rằng không thể đưa cho ông hay ai khác bản quyền phần chuyển ngữ của tôi để làm quà. Tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó, khi điều kiện chín muồi sẽ cho phép tôi hoàn tất việc dịch cuốn sách này sang tiếng Anh và xuất bản nó.
Một hình thức khác của sự tàn bạo
Nay Lin, hiện đang định cư tại Australia, là người đã sống sót sau vụ đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ năm 1988. Tác phẩm “Cemetery of the Living Dead” (tạm dịch: Nghĩa trang của người chết đang sống) của ông đã tạo ấn tượng khủng khiếp đối với độc giả Burma khi được xuất bản trong những năm cuối thập kỷ 1990. Chất lượng của nó cũng như cú shock và nỗi sợ hãi mà cuốn sách thể hiện đã ám ảnh người đọc. Tác phẩm này có nét tương đồng với vở kịch “Deathwatch” (tạm dịch: Sự canh chừng tử tù) của cựu tù nhân Pháp Jean Genet, với hình ảnh một tù nhân quay lưng lại với khán giả để bóp cổ đến chết một tù nhân khác trên sân khấu.
Đề cập tới cuộc sống tù đầy bạo ngược, trải nghiệm của Nay Lin thời kỳ hậu-1988 là khác biệt rất lớn và thậm chí dữ dội hơn nhiều so với Myat Than Tint, Mahn Nyein Maung, cũng như những người đồng chí khác giai đoạn giữa thập kỷ 1970. Trong thời gian này, tàn dư hệ thống hình phạt thời cựu thuộc địa Anh vẫn còn được áp dụng.
Trên quần đảo Coco, Mahn Nyein Maung và những người bạn tù vẫn có một trạm xá (của người Ấn Độ) để chăm sóc sức khoẻ, một thư viện để đọc sách, và có quyền tự nấu lấy thức ăn, dù chỉ được cung cấp gạo. Tình thế mà Nay Lin miêu tả trong tác phẩm viết rất đẹp này của ông còn tàn bạo hơn nhiều so nhà tù tại quần đảo Coco thập kỷ 1970 và, được thực chứng bởi lời khai của nhiều tù nhân khác, ngày càng trở nên tiêu biểu hơn trong dưới sự cầm quyền của SPDC giai đoạn hiện nay.
Hồi ký của Nay Lin đã ghi lại theo từng phần, giống như một chuỗi những bài tản văn hay tiểu luận rực lửa. Nhà văn/người quan sát ở ngay đó bên phải phòng giam, gần cửa, cạnh ganhpalar. Sau khi rời Burma năm 1982 với học bổng Fulbright và không bao giờ hồi hương, ban đầu tôi không biết ganhpalar là gì. Tuy nhiên, một nhà dân chủ từng có thời gian bị tù đày đã giải thích rằng đấy là một bát gốm lòng thấp với nước men nâu đậm được tù nhân dùng làm chậu đựng nước tiểu. Trong “Living Dead”, một tù nhân đổi vị trí nằm trên sàn bê tông với một tù nhân khác lúc nửa đêm, và nhờ đó anh ta đã thoát khỏi cái chết với cú đập vỡ sọ bằng một trong những viên gạch dùng để kê ganhpalar.
Nay Lin miêu tả người kể chuyện - có thể nhớ được nội dung của tất cả các bộ phim kung fu - thuật lại rất kỹ từng cú đòn mà họ nhận được từ những tù nhân khác mỗi tối trên một dàn giáo - nóc một cái bể nước hôi thối. Nay Lin miêu tả, một cách rõ ràng nhưng đầy cảm xúc, về “thú giao hợp khác giới trở thành thứ xa xỉ như thế nào” - đó là. sự đồng tính luyến ái. Buổi tối, tên quản tù sẽ tiếp cận nạn nhân trong một gian phòng đầy người ngủ như cá mòi trên nền nhà.
Tên quản tù sẽ đe doạ người đàn ông với một câu roi sắt nhọn rồi cưỡng hiếp anh ta. Mọi người đều biết chính xác khi nào vụ hãm hiếp đó xảy ra. Song để tăng thêm nỗi nhục nhã đối với nạn nhân, nhiều người - thay vì thấu cảm, hoặc thậm chí cảm thấy xấu hổ và để tránh trở thành mục tiêu - đã trêu chọc nạn nhân về vụ cưỡng hiếp ngay buổi sáng ngày hôm đó. Trong tất cả những đoạn trần thuật được đánh giá cao của tác phẩm, phần tàn bạo nhất chính là chương miêu tả sự kết thúc thích đáng dành cho tên quản tù ở cuối vụ hãm hiếp.
Nhiều tù nhân đã dùng muỗng ăn đánh ngã tên quản tù, và dìm chết hắn. Tất cả diễn ra ngay trước mắt chúng ta giống như một bộ phim quay chậm, với tất cả những chi tiết gây ấn tượng thị giác, mà nếu so sánh trực tiếp trong văn học thì có lẽ chỉ có tác phẩm “Red Sorghum” (tạm dịch: Lúa miến đỏ) của nhà văn Mo Yan với đoạn miêu tả cảnh một ông già bị lột da sống bởi quân xâm lược Nhật Bản, là đạt hiệu ứng tương tự.
Năm 2003, tôi đã may mắn khi đuợc gặp Nay Lin trong một cuộc hội thảo tại Sydney. Tôi bắt đầu hỏi ông về quãng thời gian ông sống tại Burma, song người kể chuyện xuất chúng này, nắm lấy tay tôi và kể cho tôi nghe về việc ông đã gặp một nhà sư, người mà Aung San Suu Kyi[3] (nhà lãnh đạo dân chủ Burma) cũng tôn thờ thế nào, và ông bị bắt khi quay trở về nhà thế nào. Đó là lý do vì sao ông trở thành một thành viên trong thế hệ các nhà hoạt động năm 1988 nổi tiếng, và bây giờ ở độ tuổi 40, họ - những người rời bỏ đất nước sau vụ đàn áp - vẫn tiếp tục thái độ chống đối đến nay.
Tôi hỏi Naylin về người chuyển ngữ các tác phẩm của ông, ông cho biết đã có một người làm việc đó, tuy nhiên, ông khao khát “mở rộng tác phẩm với những trải nghiệm của những người phụ nữ ở trong tù”. Để hoàn tất tác phẩm đó, ông cho biết đang liên hệ với các cựu tù nhân nữ. Tôi cố gây ấn tượng với ông rằng “Living Dead” không phải là bản báo cáo nhân quyền, rằng nó đã hoàn hảo và nếu như đưa thêm nhiều chi tiết nữa sẽ huỷ hoại giá trị văn học cũng như kết cấu và tính trọn vẹn của tác phẩm. Tuy nhiên tôi không chắc rằng Nay Lin có nghe tôi hay không. Có thể ông giống như Victor Hugo, tiếp tục viết “Les Miserables” (Những người khốn khổ) trong 10 năm sau khi xuất bản ấn phẩm đầu tiên, đưa rải rác những đoạn tiểu luận mà ngày nay rất khó đọc, trong suốt tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật này.
Tại sao Burma như ngày nay?
Trong thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước, những cuốn tiểu thuyết xuất bản kiểu samizdat[4] của Soviet (theo sự kiểm soát của Chính phủ - đàn áp văn học và các phương tiện truyền thông khác trong khối các nước Soviet) và Đông Âu đã thu hút được nhiều sự quan tâm của giới trí thức phương Tây. Nền văn học Burma không giành được danh tiếng tương tự.
Một lý do là những người theo chủ nghĩa châu Âu là trung tâm vẫn quan tâm hơn đến một nền văn học Anh ngữ. Trong khi đó, Burma là một tiểu quốc cũng như không có những mỏ dầu thô trữ lượng khổng lồ như các nước Trung Đông. Trong khi đó, Mỹ lại không bị lôi kéo vào một cuộc chiến thất bại và cay đắng tại đây (như ở Iraq hay Afganistan) hoặc lâm cuộc xung động đang tiếp diễn (như với Iran). Hiện tại cũng chỉ có một chút quan tâm tương đối nhỏ đối với văn học Đông Nam Á, và thường là trải nghiệm đắng cay của Mỹ tại Vietnam.
Do đó, Burma “mất dấu trên bản đồ” vì nhiều lý dó. Cuộc nội chiến tại Burma, mặc dù kéo dài suốt 60 năm qua, song hiếm khi xuất hiện trên màn hình radar của giới truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, một số tác giả người Nga và Đông Âu, có nhiều người ủng hộ ở phương Tây, luôn quan tâm tới cuộc đấu tranh dân chủ tại Burma. Trong giữa thập kỷ 1990, nhà thơ Yevgeny Yevtushenko, khi đang ở Philadelphia để quảng bá cho hợp tuyển những bài thơ mà ông biên tập thời Soviet, đã hỏi tôi Aung San Suu Kyi là người như thế nào. Nhà văn người Czech Vaclav Havel cũng viết rất nhiều về các vụ lạm dụng nhân quyền.
Những người sống sót như Nay Lin và Mahn Nyein Maung có thể có những trải nghiệm đớn đau và viết về chúng. Tuy nhiên, sẽ tốn nhiều thời gian để đưa một ý tưởng trở thành hiện thực, tức là khi cuốn tiểu thuyết được hoàn tất và xuất bản, chứ chưa đề cập tới những khó khăn trong việc quan tâm và bồi dưỡng cho tác giả. Theo xu hướng này, 19 năm kể từ năm 1988 không phải khoảng thời gian dài dành cho những tháng năm thai nghén tác phẩm.
Tôi biết hiện nhiều tác phẩm văn học Burma vẫn đang được sáng tác, hoặc sáng tác để tự xuất bản, mặc dù tác giả không biết nhiều về ngành xuất bản quốc tế để có thể tìm một đại diện. Xen lẫn những “cuốn hồi ký KNU” là khá nhiều truyện ngắn rất thú vị - song chỉ những người quen biết cá nhân tác giả mới có thể nhận được một bản copy tác phẩm. Những tác giả tự xuất bản tác phẩm của mình không thể cạnh tranh với hệ thống phát hành chính thống, với những khối liên kết xuất bản lớn và các hiệu sách liên hoàn.
Những nhà văn nước ngoài, như Daniel Mason, Amitav Ghosh, Karen Connelly và Amy Tan, chắc chắn đã thực hiện việc sáng tác và tìm hiểu đề tài - thông thường bằng cách đến thăm khu vực biên giới Burma-Thái Lan hoặc phỏng vấn những người còn sót lại từ thời kỳ 1988. Nhiều người trong số đó quan tâm đến việc viết về những vấn đề đáng lo ngại như cảnh ngộ khốn khó của người dân Burma. Ngoài ra, phẩm chất anh hùng quốc tế của nhà lãnh đạo từng nhận giải Nobel Hoà bình Aung San Suu Kyi cũng thu hút được nhiều sự quan tâm đối với Burma.
Tuy nhiên, nền văn học Burma - của những nhà văn Burma - lại không tiếp cận được độc giả quốc tế. Có lẽ sự nổi tiếng của Amy Tan và Karen Connelly sẽ hấp dẫn được giới xuất bản và độc giả đến với những trải nghiệm về cuộc sống và tình cảm bao trùm trong các tiểu thuyết của các nhà văn Burma và chờ đợi sự chuyển ngữ cũng như sự thừa nhận quốc tế mà họ xứng đáng được hưởng./.

Cộng tác viên EPIF Kyi May Kaung là một công dân, nghệ sỹ, nhà thơ và nhà phân tích chính trị người Burma lưu vong. Bà hiện có học hàm tiến sỹ chuyên ngành kinh tế chính trị tại Đại học Pennsylvania.
©Time

[1] Papillon - người tù khổ sai, tác giả ám chỉ đến tác phẩm-hồi ký “Papillon - Người tù khổ sai” của nhà văn Braxin Henri Chariere. ND
[2] Kon Tiki, tên con tàu và cũng là một tác phẩm hồi ký thuật lại chuyến phiêu lưu của nhà thám hiểm người Na Uy Thor Heyerdahl. Tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Việt với tên gọi Hành trình Công Ti-ki (rất tiếc là tôi đã đánh mất nên không thể cung cấp nhiều thông tin hơn về bản dịch tiếng Việt này). ND
[3] Aung San Suu Kyi- sinh ngày 19/6/1945 tại Rangoon, nữ phật tử, nhà hoạt động dân chủ bất bạo động nổi tiếng và là lãnh đạo Liên đoàn dân chủ quốc gia Myanmar. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990, bà đắc cử chức Thủ tướng Myanmar, song chính quyền quân sự (junta) bác bỏ kết quả bầu cử và từ chối chuyển giao quyền lực. Năm 1991, bà được trao giải Nobel Hoà bình. Hiện bà đang bị giam giữ tại gia và được coi là “tù nhân lương tâm”. ND
[4] samizdat: hình thức xuất bản lậu những tác phẩm bị nhà nước cấm phát hành. ND

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2007

Thứ Hai mệt mỏi trong nắng muộn

Một sớm âm u
con đường quạnh
đến trưa
nắng vỡ oà.

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2007

The Raven-Edgar Allan Poe

Con quạ - Edgar Allan Poe

Vào một đêm buồn thảm xưa, khi tôi đang suy tư, rã rời và mỏi mệt,
với cuốn sách về truyền thuyết bị lãng quên nhưng kỳ quặc,
khi tôi đang gà gật, gần như mơ màng, bỗng nhiên có tiếng động,
như thể ai đó đang nhẹ nhàng gõ cửa, gõ cửa phòng tôi.
“Một vị khách nào đó,” tôi lẩm bẩm, “gõ cửa phòng tôi -
chỉ có thế, và chẳng có gì hơn nữa”.

Ah, tôi nhớ rõ đó là một đêm tháng Chạp ảm đạm,
và từng cục than hồng đang dần nguội tàn tro chầm chậm chuyển hồn nó lên sàn.
Tôi tha thiết mong ước ban mai đến; - phí hoài công tôi mượn
những cuốn sách nhằm xoa dịu nỗi sầu khổ - nỗi sầu khổ từ nàng Lenore đã khuất -
từ người thiếu nữ sáng bừng hiếm có được các thiên thần gọi tên Lenore -
kể từ đây mãi mãi chẳng còn ai nhắc đến.

Và tiếng sột soạt mơ hồ của từng tấm rèm lụa tía buồn
làm tôi rùng mình - lấp đầy tôi nỗi khiếp sợ dị thường chưa từng cảm thấy;
và do vậy, để bình tâm, tôi tự nhủ,
“Có người khách nào đứng ở cửa phòng tôi khẩn khoản xin vào -
Một người khách muộn nào đứng ở cửa phòng tôi khẩn khoản xin vào, -
chỉ có thế, và chẳng có gì hơn nữa”.

Chẳng mấy chốc hồn tôi mạnh mẽ hơn, thoáng do dự không còn,
“Quý ông,” tôi nói, “hoặc Quý bà, cho tôi khẩn khoản lòng khoan thứ,
nhưng thực lòng tôi đang chợp mắt, và quý vị gõ quá nhẹ nhàng,
quá nhẹ nhàng khi quý vị gõ cửa, gõ cửa phòng tôi,
nên không chắc là tôi nghe thấy” - đây tôi mở rộng cửa, -
ngoài đó đêm đen, và chẳng có gì hơn nữa.

Nhìn sâu thẳm vào đêm đen, tôi đứng đó thật lâu ngạc nhiên, sợ hãi,
do dự, mơ những giấc mơ mà chẳng người nào dám mơ,
nhưng vẫn im lặng hoài, và im lặng không biểu lộ điều gì,
và lúc đó tôi thì thầm từ duy nhất, “Lenore?”
tôi thì thầm, và tiếng thầm thì vọng lại, “Lenore!” -
Giản đơn vậy thôi, và chẳng có gì hơn nữa.

Quay lại cửa, tất cả linh hồn trong tôi rực cháy,
không lâu sau tôi lại nghe tiếng gõ cửa dường như lớn hơn.
“Chắc chắn,” tôi nói, “chắc chắn có gì đó ngoài rèm cửa:
Để xem, có gì ngoài đó, và điều bí ẩn sẽ được khám phá -
hãy bình tâm một lúc và điều bí ẩn sẽ được khám phá, -
Ngoài gió ra, chẳng có gì hơn nữa”.

Tôi mở tung cánh cửa, khi ấy, với một cú vỗ cánh và kích động,
ở đó một con quạ oai nghiêm của những ngày thần thánh xa xưa;
không chút cung kính nào; không ngừng vỗ hay đứng yên một phút nào;
nhưng, với dáng vẻ quý tộc, đậu trên cửa phòng tôi -
đậu trên bức tượng bán thân Pallas trên cửa phòng tôi -
Đậu, và đậu, và chẳng có gì hơn nữa.

Lòng tôi đang sầu muộn bỗng thấy buồn cười khi nhìn con chim đen như mun đấy,
với dáng vẻ nghiêm nghị của nó.
“Này ngươi, dù đầu ngươi có bị cạo sạch”, tôi nói, “chắc cũng không thấy hèn nhát,
loài quạ đen cổ xưa và tàn nhẫn khủng khiếp lang thang khỏi bờ Đêm -
hãy nói với ta quý danh của ngươi tại bờ Địa ngục Đêm!”
Quạ đen đáp lại, “Không bao giờ nữa”.

Tôi kinh ngạc xiết bao khi nghe con chim vụng về đấy nói rõ ràng như thế,
dù câu trả lời vô nghĩa - ngu ngơ;
vì chúng ta không thể đồng tình rằng có ai đó
được ban phước để nhìn thấy chim đậu trên cánh cửa phòng hắn -
chim hay thú đậu trên bức tượng bán thân trên cánh cửa phòng hắn,
với cái tên như thế: “Không bao giờ nữa”.

Thế nhưng con quạ đậu cô độc trên bức tượng câm nín ấy,
chỉ kêu một tiếng thôi, mà như thể trút cả linh hồn vào đó.
Không kêu gì thêm - không vỗ cánh -
cho đến khi tôi khẽ thầm thì, “những người bạn khác đã bay đi trước đó -
ngày mai nó cũng sẽ bỏ tôi, như những hi vọng của tôi đã bay đi trước đó”.
Và quạ đen đáp lại, “Không bao giờ nữa”.

Giật mình khi sự im lặng bị phá vỡ bởi lời nói thích đáng như thế,
“Không nghi ngờ gì nữa”, tôi kêu lên, “những gì nó nói chỉ là thứ hàng hoá,
được lấy đi từ ông chủ bất hạnh nào đó mà Tai ương tàn nhẫn
bám đuổi riết ráo cho đến khi những bài ca trĩu nặng của hắn cất lên -
cho đến khi điếu ca Hi vọng sầu muộn trĩu nặng của hắn cất lên
Không bao giờ - không bao giờ nữa”.

Thế nhưng Quạ đen vẫn làm tôi đang sầu muộn bỗng thấy buồn cười.
Tôi đẩy thẳng chiếc ghế đệm đến trước mặt nó, và bức tượng và cánh cửa;
rồi chìm trên đệm nhung, tự tôi miên man tưởng tượng,
ngẫm nghĩ về loài chim xưa cũ quái gở -
loài chim xưa cũ quái gở, thê lương, khủng khiếp, vụng về và ác nghiệt
muốn nói gì khi kêu “Không bao giờ nữa”.

Tôi đành ngồi đồn đoán, nhưng chẳng thốt một lời
với con chim có cặp mắt rực lửa đang thiêu đốt tâm can tôi;
tôi đành ngồi đoán thêm, đầu dựa nhẹ
trên đệm nhung ánh đèn hau háu trùm lên,
nhưng đệm nhung tím lét ánh đèn hau háu trùm lên,
cô ấy sẽ siết chặt, ah, không bao giờ nữa!

Rồi tôi cảm thấy không khí đặc hơn, với mùi thơm từ lư hương tưởng tượng
nhún nhảy theo Thiên thần có những bước chân khẽ vọng trên thảm cỏ.
“Khốn nạn,” tôi khóc, “Chúa đã ban cho ngươi - qua những thiên thần này mang đến ngươi
sự khuây khoả - sự khuây khoả và thuốc giải sầu, từ nỗi nhớ của ngươi về Lenore:
Uống cạn đi, oh uống cạn đi thuốc giải sầu và hãy quên nàng Lenore đã khuất!”
Quạ đen kêu, “Không bao giờ nữa”.

“Nhà tiên tri!”, tôi gào, “thứ quỷ dữ! - ngươi lặng thinh, dù là chim hay quỷ! -
liệu Ma vương cử ngươi, hay cơn bão đã làm ngươi trôi dạt vào đây,
làm nguội lạnh tất cả lòng dũng cảm, nơi hoang vu nguyền rủa -
nơi ngôi nhà bị ám ảnh rùng rợn - hãy nói thật với ta, ta khẩn cầu ngươi -
liệu có - liệu có nhựa thơm ở Gilead? - hãy nói với ta - nói với ta, ta khẩn cầu ngươi!”
Quạ đen kêu, “Không bao giờ nữa”.

“Nhà tiên tri!”, tôi gào, “thứ quỷ dữ - ngươi lặng thinh, dù là chim hay quỷ!
dù Thiên đường đó có nhìn xuống chúng ta - dù vị Chúa đó cả hai ta đều sùng bái -
hãy nói với linh hồn có nỗi đau nặng trĩu này rằng, trong cõi Aidenn xa xăm ấy,
nó có ghì siết được người thiếu nữ thánh thiện mà các thiên thần gọi tên Lenore -
ghì siết được người thiếu nữ rực sáng hiếm hoi mà các thiên thần gọi tên Lenore”.
Quạ đen kêu, “Không bao giờ nữa”.

“Lời nói đó là dấu hiệu chia lìa chúng ta. loài chim hay quỷ sứ kia,” tôi bật dậy, gào thét -
“Hãy trở về với cơn bão và bờ Địa ngục Đêm!
Hãy đừng để lại sợi lông đen nào như là dấu hiệu của lời nói dối mà linh hồn ngưoi vừa thốt!
Hãy để sự cô đơn của ta được yên! - biến khỏi bức tượng trên cánh cửa phòng ta!
Hãy rút mỏ ngươi khỏi trái tim ta, cùng hình hài ngươi biến khỏi cánh cửa phòng ta!”
Quạ đen kêu, “Không bao giờ nữa”.

Và Quạ đen, chẳng bay đi, mà vẫn đậu im lìm, vẫn đậu im lìm
trên bức tượng Pallas xanh xao trên cửa phòng tôi;
và cặp mắt nó dường như giống một con quỷ đang mơ màng,
và ánh đèn bao trùm nó đang đổ bóng nó xuống sàn;
và linh hồn tôi cố vùng thoát chiếc bóng đang bập bềnh trên sàn đó
sẽ được bay lên - không bao giờ nữa!

©Time

Thứ Bảy và mưa và tuần hoàn của nỗi buồn nôn

Ngày hôm nay
tôi muốn viết những bản trường
ca phẫn nộ về một cái gì đó
mà tôi không rõ. Cái gì đó mà tôi không rõ luôn thúc bách
tôi xô đẩy tôi hụt chân vào một lỗ
đen ngòm. Dường như là không có
đáy.

Ngày hôm nay cũng giống như những ngày gần
đây tôi cảm thấy sự thúc ép căng thẳng
khi buộc mình phải đeo mặt nạ
con chó vàng xấu xí nhà hàng xóm luôn sủa như ma mỗi khi tôi
đi chơi hay rượu đêm về muộn
con mèo đen xấu điên mang điềm gở như con quạ mà Poe từng nguyền rủa
ôi có lẽ, không bao giờ nữa


cũng có khi lại là một Bùi Chát tháng Tám gẫy súng * hay một
Lý Đợi
nhà báo [nói láo quạ quạ] nhà thơ [trơ trẽn hì hì] **
cũng
nên
mà cũng có đôi khi tôi cảm thấy mình buồn nôn như buồn khóc nắng ve chai tôi
muốn hú gào tên tôi cho đỡ mớ ***
lớ lớ lớ
hớ hớ

Ngày hôm nay là thứ Bảy
cũng có thể nói như bạn tôi, trong máu chúng ta
đang thiếu chất cồn ****
thứ cồn có thiêu cạn chất lỏng máu trắng
[tôi nhấn mạnh] màu trắng không phải màu
lờ lờ. Tôi đi qua một cửa hàng
trong đó khao khát libido xanh lét
tôi thảm quá... tôi đành gào em út quàng khăn
rằn ri
cho đỡ thèm. *****

Ngày hôm nay ngày hôm nay ngày hôm nay ngày hôm nay
tôi mơ tôi mơ tôi mơ tôi mơ tôi thơ tôi thở tôi thơ tôi tắc thở
Hà Nội đêm mưa rồi
hai đêm Hà Nội mưa rồi
mắt như mù không nhìn thấy hạt đậu đen
lác đác như sao băng toé lửa vào cửa sắt
tôi muốn trèo lên Thánh đường Hàm Long
ôm Đức mẹ Trinh nữ chon von trên đỉnh nóc
mà hát:
“Không cơn mưa nào không tạnh!” ******
[It can’t rain all time!] *******

---------------------------------
* pastiche tên một tác phẩm NXB Giấy Vụn của Bùi Chét
** phỏng đoán (mò) qua những bài phỏng vấn và tuyên ngôn trên talawas
*** pastiche theo ý thơ bài Phục sinh của Thanh Tâm Tuyền
**** status một đêm cuối tháng Bảy trên YM c ủa Hisashi
***** pastiche theo ý thơ bài Phục sinh của Thanh Tâm Tuyền
****** tựa đề bài review phim The Crow (1994) của youtamoutachi trên yxine
******* tên một bài hát trong phim The Crow (1994)

Nuốt

Tôi muốn chính thức là
một con đường. Tôi có
thể nuốt vẹm một đường
cong. Tôi ao ước bay

lên sao Hoả bằng một
tàu con thoi của NASA
với cái tên Endeavour thật
Mỹ để đu đưa nhai

tái một bảng pin Mặt
Trời thế hệ mới. Thế
hệ @ hiện đại. Vừa
hút lại vừa đẩy vừa

đẩy lại vừa hút. Chúng
hút nhau rồi lại đẩy
nhau. Những tinh thể buồn
như ngày chó cắn. Lơ

lửng những con đường tôi
có thể nuốt vẹm nhiều
đường bay. Những tinh thể
buồn như ngày chó lên

cơn dại. Bập bềnh nào
những cơn dại. Mặt Trăng
to xần như ảo não
những vết trũng được khoả

lấp những câu thơ một
màu. Hỏi: Màu gì? Đáp:
Màu tiền sử... tôi muốn
bước tiếp trên đường bay

lịch sử. Những mê lộ
mê man đầy những vết
thánh tích không thuộc riêng
ai cả. Tôi đã ân

hận vì không thể nuốt
hết những đường cong những
đường cong tôi đã ân
hận vì không thể nuốt

hết. Một chữ buồn to tướng...