Thứ Tư, 11 tháng 7, 2007

Tường thuật buổi đi xem chuyên đề + phim tại trung tâm TPD

Thế hệ đạo diễn thứ sáu của điện ảnh Trung Quốc: Hậu-hiện đại hay là sự cởi trói về tư duy? (tiêu đề là do tôi tự đặt)

Hôm qua rủ T. đến TPD xem phim. Một phần tò mò vì họ sẽ chiếu Still life (Người tốt ở Tam Hiệp) [đoạt giải Golden Lion Venice Film Festival năm 2006] của đạo diễn Giả Chương Kha, nhưng nếu chỉ có thế thì không thể buộc tôi phải lặn lội 20km đường bụi giữa trưa nắng gắt đến đón T. bởi đã có DVD này ở nhà. Quan trọng tôi là muốn xem anh Phan Đăng Di nào đó giới thiệu như thế nào chuyên đề về thế hệ đạo diễn thứ sáu của Trung Quốc, một đề tài rất hấp dẫn. Kể ra tôi mới xem một vài phim gần đây của mấy đạo diễn trẻ mới nổi của Trung Quốc như Crazy Stone (Cuồng thạch – Ninh Hạo) ảnh hưởng rõ rệt chất black comedy (khôi hài chua chát?) và neo-British crime của Guy Richie; Kekexili (Khả khả tây lý – Lưu Chuẩn) đậm chất hiện thực tàn nhẫn; Beijing Bicycle (Xe đạp Bắc Kinh – Vương Tiểu Soái) với cách kể chuyện phi tuyến tính hấp dẫn và cảm động... Những bộ phim tạo cho tôi ấn tượng rất tốt và muốn tìm hiểu về các đạo diễn trẻ của Trung Quốc hay còn được một số nhà phê bình gọi là thế hệ đạo diễn thứ sáu của nước này.
Mở đầu, anh Di giới thiệu sơ qua về bản thân, hình như tốt nghiệp ĐHSKĐA (chắc thế) và cũng có làm giảng viên j đó (do not fucking care). Chuyên đề được tiếp tục với việc anh Di trình bày “sơ sơ” [khoảng ½ thời gian presentation] về thế hệ đạo diễn thứ năm với 3 đạo diễn tiêu biểu, trong đó có 2 người rất quen thuộc là Trần Khải CaTrương Nghệ Mưu. Một vài đoạn trích ngắn các tác phẩm như “Cao lương đỏ”, “Kinh Kha sát Tần vương” mang tính đại diện của hai bác này cũng được giới thiệu. Nhân vật tiêu biểu thứ ba trong thế hệ thứ năm mà bác Di đề cập là đạo diễn Điền Tráng Tráng (Tian Zhuangzhuang) - một cái tên khá quen nhưng hình như tôi chưa bao giờ xem phim của bác ý [vừa check trên google, anh Di đã sai khi nói rằng bác Điền sau khi có một phim bị cấm chiếu ở Trung Quốc thì không làm phim nữa, thông tin mới nhất thì Điền đạo diễn vừa có tác phẩm đoạt giải Kim tước 2007]. Hơi buồn là bộ phim bị cấm chiếu của Điền Tráng Tráng cũng được trích đoạn thì tôi lại không nhớ tên. Khoảng thời gian này, anh Di liên tục nhắc đi nhắc lại về ưu điểm của Trần và Trương đạo diễn. Đối với Trương Nghệ Mưu, điểm mạnh chính là những khuôn hình mạnh mẽ đặc sắc do ưu thế xuất thân là dân quay phim, còn điểm mạnh của Trần Khải Ca là những đại cảnh được dàn dựng một cách công phu hoành tráng. Anh Di cho rằng đề tài mà thế hệ thứ năm thích khai thác thường là bi kịch thân phận con người trong và sau Cách mạng văn hoá hoặc dã sử - những đặc sản không chỉ được người nước ngoài quan tâm. Sau khi lan man rất nhiều những câu chuyện ngoài lề gần như là huyền thoại về Trương Nghệ Mưu cũng như sự cạnh tranh đầy toan tính giữa ông này và Trần Khải Ca, anh Di có nhắc tới một ý kiến khá lạ mà tôi cho rằng đây là điểm đáng quan tâm thứ nhất của buổi chuyên đề lần này. Anh trích dẫn một chương trong “Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê” - một tác phẩm tiểu luận phê bình đầy tranh cãi với nội dung lật đổ những tượng đài văn hoá nghệ thuật đương đại của Trung Quốc - của nhà văn nổi tiếng Vương Sóc. Chương đó là nội dung cuộc trao đổi giữa Vương Sóc và nhà văn Lưu Hiệp về thế hệ đạo diễn điện ảnh thứ năm, trong đó Vương chỉ trích những người này là giả dối, vụ lợi, làm người nước ngoài hiểu sai về con người Trung Quốc, tinh thần Trung Quốc. Vương Sóc cho rằng nếu phải so sánh phải thì các bộ phim của đạo diễn Đài Loan Hầu Hiếu Hiền mới thực sự có tinh thần Trung Quốc và phản ánh chân thực về con người Trung Quốc nhất. Hiện tôi mới chỉ được xem hai phim [hay] của Hầu Hiếu Hiền là Three Times, Milenium Mambo. Quả thật, với tôi lời nhận xét của Vương Sóc khá hợp lý dù nghịch nhĩ. Văn hoá hay mở rộng ra là nền văn minh Trung Quốc không chỉ có Cách mạng văn hoá đầy máu và nước mắt hay những âm mưu tranh đoạt vương quyền truyền thuyết...
Điểm đáng chú ý thứ hai cũng là nội dung chính của chuyên đề: Thế hệ đạo diễn thứ sáu của điện ảnh Trung Quốc. Anh Di nói rất nhiều những thủ pháp mà những đạo diễn thứ 6 hay dùng. Đó là lối kể chuyện phi tuyến tính, phi cốt chuyện, diễn viên đa phần nghiệp dư, lối quay phim đậm chất tư liệu, ấn tượng cơ giới hiện đại dày đặc trên các khuôn hình với nhiều xảo thuật được áp dụng, ví dụ như lồng ghép những đoạn flash hoạt hình để tạo hiệu ứng thị giác mới lạ... Đề tài trong phim của các đạo diễn thế hệ thứ 6 cũng ko còn bị bó hẹp trong khuôn khổ-tự-tạo-ra của thế hệ đàn anh nữa mà rộng mở một cách linh hoạt và đậm chất black comedy trên mọi chủ đề, kể cả những điều-vốn-cấm-kỵ [nhạy cảm] ở Trung Quốc. Dường như những con người thế hệ thứ sáu đang giễu nhại và châm biếm mọi thứ. Anh Di sử dụng rất nhiều lần từ “hiện đại” để mô tả về thế hệ này, nhưng tôi cho rằng anh đã nhầm. Những thủ pháp mà anh Di liệt kê (một số do tôi dẫn giải ý của anh Di) thực ra chính là những đặc điểm gần như là tiêu biểu nhất của “Chủ nghĩa hậu-hiện đại” (Po-mo)... Một số đoạn trích ngắn phim của các đạo diễn tiêu biểu thế hệ thứ sáu này cũng đuợc anh Di giới thiệu như Frozen (Đông cứng) và Beijing Bicycle của Vương Tiểu Soái, The World (Thế giới) của Giả Chương Kha ...
Một điểm spoiler khác mà theo tôi là xuất phát từ ý định ban đầu vốn rất tốt của anh Di: dường như sợ khán giả không hiểu được những gì được cho là khác biệt về thủ pháp với thế hệ thứ năm nên anh đã nhảy vào đầu người nghe/xem để kể lại môt cách rõ ràng [đến thô thiển] về nội dung phim Beijing Bicycle vốn không khó hiểu [mà cái hay của phim này là cách kể chuyện phi tuyến tính] cũng như giải thích tất cả những gì có thể được coi là mới lạ và hay ho trong The World [chán thay anh Di lại thòng cái câu rằng kỹ thuật này cũng được Giả Chương Kha sử dụng trong Still life - sẽ được chiếu sau đó].
Cuối cùng, chuyên đề giới thiệu về thế hệ đạo diễn thứ sáu của Trung Quốc cũng đi tới màn kết sau presentation không xuất sắc lắm của anh Phan Đăng Di. Bản DVD Still life xịn với En sub bắt đầu được chiếu, giữa tiếng khoan cắt đập phá của nhà hàng xóm và sự bỏ về lác đác của khán giả [đúng như anh Di cảnh báo trước đó, phim khó xem nhưng thật sự hay và lạ] ...

Không có nhận xét nào: