Thứ Tư, 18 tháng 7, 2007

Warrior for peace - David Talbot (Time 2/7)

Trong phần lớn thời gian đương nhiệm Tổng thống, đặc biệt sau thất bại của chiến dịch xâm lược Vịnh Con lợn, John Frizgerald Kennedy bị hoài nghi có cùng quan điểm với những vị Tướng lĩnh cứng rắn thời bấy giờ ở Washington, như Tư lệnh không quân Curtis LeMay (phải).







Các cựu cố vấn của Tổng thống John F.Kennedy là Kenneth O’Donnell và Dave Powers đã đặt tên cuốn hồi ký về J.F.K năm 1972 là “Chúng ta hầu như không biết gì về ông”, mặc dù trên thực tế họ đã làm việc với Kennedy từ những ngày ông còn là một ứng viên nghị sỹ Quốc hội tại Boston. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi sau gần nửa thế kỷ, người Mỹ vẫn đang cố tìm hiểu xem cố Tổng thống của họ thực sự là ai. Liệu ông ta có phải là một “con diều hâu” trong Chiến tranh lạnh, giống như một phần lịch sử thiết lập, tầng lớp học giả uyên thâm tại Washington và là sự kỳ vọng của cả hai đảng về một vị Tổng thống - háo hức tuyên bố về sự lãnh đạo thực chất đầy cơ bắp của ông - vốn đã tồn tại trong nhiều năm qua?). Hoặc giả ông ta là một người đi trước thời đại của mình, có viễn thị hoà bình, cố gắng tháo gỡ nút thắt vấn đề hạt nhân đang níu chặt Mỹ và Liên Sô, với phần còn lại của của thế giới?
Khi mà người Mỹ một lần nữa muốn tự tìm cho mình một cuộc chiến tranh bất tận - lần này là chống khủng bố hoặc có lẽ để chế ngự nỗi tự sợ hãi - thì câu hỏi về di sản thực sự mà Kennedy để lại dường như đặc biệt được quan tâm. Cách tốt nhất để biến nước Mỹ trở thành hoa tiêu trên thế giới nơi kẻ thù của nó dường như vừa có mặt ở mọi nơi vừa chẳng ở đâu trong cùng một thời điểm? Chúng ta có thể học được những gì từ việc Kennedy cố gắng định nghĩa lại vai trò của nước Mỹ trên thế giới và mời gọi dân chúng Mỹ trở thành một phần của sự thay đổi đó? Ai thực sự là John Fitzgerald Kennedy?
Câu hỏi rắc rối này được bắt đầu từ chính Kennedy, một chính trị gia phức tạp với những bài diễn thuyết lúc như những mũi tên được giương lên song đôi khi lại mềm mại như cành ô liu. Thông điệp dường như tương phản đó được thể hiện đầy hoa mỹ trong Diễn văn nhậm chức nổi tiếng của chính JFK. Trong khi Kennedy cam kết nước Mỹ “sẽ trả bất cứ giá nào, chấp nhận bất cứ khó khăn nào, đối mặt với bất cứ khó khăn, ủng hộ bất cử bạn bè nào, chốmg lại bất cứ kẻ thù nào để bảo vệ sự tồn tại và thành công của Tự do” - một lối hùng biện đầy hung hãn hoàn toàn tương hợp với đương kim Tổng thống George W.Bush - thì nhà lãnh đạo trẻ lại bỏ qua những sự khiêu khích thường lệ của Liên Sô lúc đó để mời mọc kẻ thù cùng “tìm kiếm hoà bình, trước khi sức mạnh huỷ diệt đen tối của khoa học nhận chìm tất cả loài người”. Thật khó có thể tưởng tượng những ông chủ Nhà Trắng hiện tại có thể đưa ra đề nghị tương tự với những kẻ thánh chiến Hồi giáo hay các nhà lãnh đạo Iran.
Ngay từ khi còn trẻ, John Kennedy đã phải trải nghiệm một cách sâu sắc sự ghê rợn của chiến tranh. “Tất cả các cuộc chiến tranh đều là ngu ngốc”, Kennedy đã viết như thế trong bức thư gửi về nhà từ chiếc tàu phóng ngư lôi tuần tiễu khi ông đang phục vụ tại mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai. Cuộc chiến đó đã làm đổ vỡ niềm tin của gia đình Kennedy. Joe, anh trai John, một phi công Hải quân, đã chết trong vụ nổ phà tại Eo biển nước Anh sau khi tình nguyện tham gia một nhiệm vụ nguy hiểm. Người chồng trẻ của chị gái John, cũng hi sinh vì chiến tranh. Trong bức thư John Kennedy gửi Claiborne Pell năm 1947, cuộc chiến đơn giản đã “phá sụp” gia đình ông. “Nó khiến bố tôi, các anh chị em tôi và tôi bị lộn ngược, nó hút tất cả khí ôxy ra khỏi những giả định thoải mái và thiển cận của chúng tôi... Bây giờ, sau tất cả những gì đã trải qua và mất mát trong cuộc chiến đó, chúng tôi cuối cùng cũng hiểu rằng không có cái gì là chắc chắn cả”.
Tuy nhiên, Kennedy và anh em của ông lại được nuôi dưỡng để trở thành những người chiến thắng bởi người bố không bao giờ biết chấp nhận thất bại. Và khi Kennedy bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 1960 chống lại Richard Nixon, một trong những chính trị gia “bẩn thỉu” nhất trong chính trường Mỹ, ông đã chuẩn bị tất cả mọi thứ để giành chiến thắng. Khi Chiến tranh lạnh trong giai đoạn cao trào, thậm chí Kennedy còn trở nên diều hâu hơn cả những người Cộng hoà đối lập. Kennedy hoàn toàn không có ý định trở thành một Adlai Steveson khác - người theo chủ nghĩa tự do cao cả đã dễ dàng bị khuất phục trong cuộc bầu cử với người hùng chiến tranh Dwight Eisenhower. JFK xác định sẽ không không trở thành một con người yếu đuối trong vấn đề quân sự, một bao cát tập đấm trong sự chỉ trích của đảng Cộng hoà. Do đó, ông đã đánh vào mạng sườn Nixon, cảnh báo rằng nước Mỹ đang tụt lại phía sau Nga trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, và biến “khoảng cách tên lửa” trở thành một chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử. Kennedy cũng bảo vệ cho “những chiến binh tự do” Cuba trong chiến dịch lật đổ chế độ mới của Fidel Castro. Những người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ Kennedy, như nhà kinh tế ở Harvard John Kenneth Galbraith, đã lo ngại rằng JFK sau đó sẽ phải trả giá cho những bài hùng biện hiếu chiến trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, thái độ cứng rắn của Kennedy đã giúp ông giành được chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử đó.
Làm việc tới Tổng thống mới đắc cử tại tư gia Palm Beach của nhà Kennedy hồi đầu tháng 1/1961, nhà viết diễn văn Theodore Sorensen đã phải rất cố gắng để hoà trộn hai tư tưởng đối nghịch này của JFK khi hai người cùng soạn thảo Diễn văn nhậm chức Tổng thống. Ngày nay Sorensen sau khi nhìn lại quá khứ đã đưa ra nhận xét rằng, dòng quan trọng nhất trong bài diễn văn đó không phải là câu “Đừng đòi hỏi những gì đất nước có thể làm cho bạn mà hãy hỏi bạn có thể làm những gì cho đất nước” mà là câu “chỉ khi vũ khí của chúng ta thực sự đủ mạnh thì chúng ta mới chắn chắn được rằng sẽ không bao giờ phải sử dụng chúng”. Sorensen cho rằng thông điệp nhấn mạnh hoà bình này chính là “chính sách vắn tắt của Kennedy” .
Tuy nhiên những người có quan điểm cứng rắn tại Lầu Năm Góc và CIA không chỉ vui mừng trước những khuynh hướng “nhiều sức mạnh” trong thông điệp nhậm chức bay bổng của Kennedy về việc xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh mà tân Tổng thống cam kết. Họ muốn triển khai lực lượng nhằm đẩy lùi sự tiến bước của chủ nghĩa Cộng sản trên toàn thế giới. Và không có đồn luỹ kẻ thù nào lại chọc tức những quan chức an ninh quốc gia này hơn Cuba của Fidel Castro, nơi chỉ cách bờ biển nước Mỹ chưa đầy 100 dặm.
Họ đã quyết định không thể sống chung với Castro. Trong những tháng tại vị cuối cùng của Tổng thống Eisenhower, CIA đã bắt đầu lên kế hoạch xâm lược hòn đảo này, tuyển mộ những kẻ Cuba lưu vong không chấp nhận chế độ mới. Theo lời một giám đốc sau này của CIA, các quan chức CIA khi đó tin chắc rằng vị Tổng thống trẻ sẽ chấp nhận kế hoạch này như “một sự đã rồi”. JFK bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, song miễn cưỡng chấp nhận sự vượt quyền của giới quan chức tình báo cao cấp trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ Tổng thống khi thông qua kế hoạch này. Cuộc xâm lược Vịnh Con lợn vào tháng 4/1961 đã trở thành tổn thương lớn đầu tiên trong giai đoạn cầm quyền của Kennedy.
Sau khi kế hoạch xâm lược Vịnh Con lợn được CIA giải mật năm 2005, hiện chúng ta đều biết rằng các quan chức cơ quan này đã nhận ra rằng những kẻ tham gia chiến dịch này không có cơ hội giành chiến thắng trừ phi nhận được sự yểm trợ của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, Allen Dulles và Richard Bissell, hai quan chức hàng đầu của CIA, không bao giờ tiết lộ điều đó cho JFK. Họ nghĩ rằng vị Tổng thống trẻ sẽ nhượng bộ trước sức nóng của chiến trường và buộc phải gửi Hải quân và Không quân đến giải cứu cho những kẻ lưu vong đang bị bao vây bởi quân đội của Fidel. Tuy nhiên, Kennedy, lo ngại rằng sẽ làm trầm trọng thêm hình ảnh của Mỹ tại Mỹ Latinh như là con quỷ Yankee và Liên Sô sẽ nối lại việc tấn công Tây Đức, đã cảnh báo giới chức tình báo rằng ông sẽ không can thiệp vào vụ việc này. Khi cuộc tấn công nhanh chóng bị dập tắt tại địa điểm đổ bộ, JFK đã làm Dulles và Bissell choáng váng bởi sự từ chối hỗ trợ chiến dịch trên.
Kể từ thời điểm đó, nhiệm kỳ Tổng thống của Kennedy đã trở thành một chính phủ với những mâu thuẫn nội bộ sâu sắc.
Dulles cay đắng nghĩ Kennedy đã bị căng thẳng thần kinh và cho rằng ông bị “vây quanh bởi những kẻ đa nghi và khâm phục Castro”. Bộ Tổng tham mưu cũng bắt đầu tỏ thái độ khó chịu đối với vị tân Tổng thống. Tướng Lyman Lemnitzer, Tổng Tham mưu trưởng, cho rằng “việc bỏ rơi chiến dịch trên là hoàn toàn đáng bị khiển trách, đây gần như là một tội ác”. Đô đốc Arleigh Burke, Tư lệnh Hải quân, sau đó tức giận nói: “Kennedy là một Tổng thống rất tồi... ông ta tự cho phép mình quyền huỷ hoại đất nước này”.
Kennedy thực sự đã làm tổn thương các cố vấn an ninh quốc gia của mình. Trong khi ông đứng ra thừa nhận trách nhiệm trước công chúng về sự thất bại của chiến dịch Vịnh con lợn, thì sau lưng ông lại chỉ trích Bộ Tổng tham mưu và đặc biệt là CIA, đe doạ “đập vỡ cơ quan này thành hàng nghìn mảnh và tung tro tàn của nó theo gió”. Mặc dù JFK chưa bao giờ thực hiện lời đe doạ này, song ông đã thật sự sa thải Dulles bất chấp việc ông ta là một bậc thầy huyền thoại về nghệ thuật quản lý gián điệp, tương tự như Bissell.
Theo cuốn hồi ký “Niềm vui của những kè cùng hội cùng thuyền” của Trợ lý Tham mưu trưởng Hải quân Paul Fay, nhiều tuần sau thất bại tại Cuba, JFK dường như vẫn nổi giận. Trong một ván đấu cờ đam tại nhà Kennedy tại cảng Hyannis, bang Massachusetts, JFK nói với Fay rằng “không ai có thể buộc tôi phải làm những điều mà tôi không nghĩ rằng nó mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước”. "Chúng ta sẽ không thực hiện những hành động thiếu trách nhiệm chỉ bởi vì một kẻ cuồng tín nào đó muốn đặt cái gọi là niềm tự hào quốc gia lên trên lẽ phải. Anh có nghĩ rằng tôi sẽ để lương tâm mình cảm thấy phải chịu trách nhiệm về những thương tật và cái chết của các em nhỏ giống như đám trẻ con mà chúng ta nhìn thấy tại đây tối nay? Anh có nghĩ rằng tôi sẽ gây ra cuộc chạy đua hạt nhân - vì cái gì? Buộc tôi phải làm những gì mà tôi không nghĩ rằng nó thích hợp và đúng đắn? Phải, nếu anh hoặc bất kỳ ai nghĩ tôi như vậy, anh ta là kẻ điên rồ".
Điều này sẽ trở thành chủ đề chính trong nhiệm kỳ Tổng thống của Kennedy - các nỗ lực tích cực của JFK nhằm giữ nước Mỹ ổn định cân bằng trước áp lực của những cái đầu nóng ở Washington lúc nào cũng hừng hực chiến tranh. Bị kẹp giữa các nước Cộng sản như Lào, Đông Đức, Việt Nam và Mỹ Latinh với ban cố vấn an ninh quốc gia của ông, Kennedy đã rất nhiều lần tìm cách lảng tránh việc phát động một cuộc chiến tranh. Trong mỗi cuộc khủng hoảng, ông tùy cơ đưa ra một chiến lược - kết hợp lối hùng biện lúc thô bạo lúc mềm dẻo với chiến thuật ngoại giao "cửa sau" hung hãn" - để tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Kennedy không bao giờ còn tin tưởng tướng lĩnh và các trùm tình báo của ông sau thất bại năm 1961 tại Cuba nữa, và ông trở thành một bậc thầy trong việc làm chệch hướng nhóm quân sự. Sử gia Arthur Schlesinger Jr. tưởng nhớ lại “sau sự kiện Vịnh con lợn, Kennedy coi khinh Bộ tham mưu”. “Tôi nhớ khi đến văn phòng của ông vào mùa xuân năm 1961, ở đó ông ta vẫy vẫy bức điện tín của Tướng Lemnitzer, người sau đó đến Lào trong một đợt thanh sát. Và Kennedy nói, “Nếu cái này không phải dành cho Vịnh Con lợn thì tôi đã rất ấn tượng về nó”. Tôi nghĩ rằng uy tín người hùng chiến tranh của JFK cho phép ông ấy coi thường Bộ tổng tham mưu. Ông ấy gạt bỏ họ như một đám người già cỗi. Ông nghĩ Lemnitzer là một tay đần độn”.
Tổng thống Kennedy cũng còn nghĩ nhiều đến CIA, một phần bởi ông và người em trai không thể thiếu được, Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy, trở nên tin chắc rằng cơ quan này không chỉ thiếu khả năng mà còn là một tổ chức “xấu xa”. Sau sự kiện Vịnh Con lợn - và đặc biệt là vụ khủng hoảng tên lửa Cuba - anh em nhà Kennedy dường như trở nên lo ngại hơn với việc xoa dịu và coi vụ Cuba như một vấn đề chính trị trong nước - nơi người ta thiên cánh hữu - hơn là thật sự muốn có một sự thay đổi chế độ tại đây. Những nỗ lực đen tối hơn chống lại Fidel – các kế hoạch phối hợp với mafia để ám sát ông ta - đã được bắt đầu trước khi Kennedy làm Tổng thống và vẫn còn tiếp tục sau khi Chính quyền Kennedy kết thúc. Robert Kennedy - một huyền thoại chống tội phạm có tổ chức - nghĩ rằng đã chấm dứt được tất cả những âm mưu ám sát sau khi 2 quan chức CIA “ngượng ngùng” thông báo về thoả ước giữa cơ quan này với bọn tội phạm hồi tháng 5/1962. Tuy nhiên, nhiều khả năng anh em nhà Kennedy không biết về những kế hoạch trong bóng tối của cơ quan này.
Cố vấn của Robert Kennedy tại Bộ Tư pháp và sau đó là chủ bút tờ Tennessean, John Seigenthaler, nói: “Tôi nghĩ và tôi vẫn cảm thấy rằng CIA ngây thơ trong các hoạt động của họ. Họ làm việc theo cách giống như điệp viên 007... thực tế chúng ta liên quan tới Chiến tranh lạnh, và cơ quan này rõ ràng đóng một vai trò trong đó. Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng anh em nhà Kennedy cho rằng bạn có thể tin tưởng nhiều vào những gì họ (CIA) nói. Chúng tôi cố gắng tìm cách thoát ra khỏi Chiến tranh lạnh, song CIA thì thực sự không muốn”.
Thậm chí Tổng thống Kennedy cũng không tin tưởng vào Lâu Năm Góc. Schlesinger cho rằng “chắc chắn chúng ta không kiểm soát được Bộ Tổng tham mưu”. Đó là một sự quan sát lạnh lùng, cân nhắc tình trạng hạt nhân đang rất căng thẳng vào lúc đó. Cựu cố vấn Nhà Trắng phát hiện rằng JFK ít lo ngại việc nhà lãnh đạo Sô Viết lúc đó là Nikita Khrushchev sẽ đưa ra quyết định tấn công bất ngờ bằng “có điều gì đó trở nên sai lầm giống như trong bộ phim Dr.Strangelove” - bắt nguồn từ một vị Tướng Mỹ bất ổn về chính trị và phát động Thế chiến thứ ba.
Kennedy đặc biệt bị áp lực từ Tư lệnh Không quân hiếu chiến và nghiện thuốc lá nặng, Tướng Curtis LeMay, người luôn tin rằng Mỹ nên phát động trước một cuộc tấn công bằng hạt nhân vào Nga trong khi Mỹ đang có ưu thế sở hữu loại vũ khí này hơn. Trong suốt thời gian cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 13 ngày, Kennedy phải chịu áp lực không ngớt từ phía LeMay và gần như toàn bộ các cố vấn an ninh quốc gia muốn “nướng” Cuba, theo cách dùng từ không thể quên được của ngài Tư lệnh Không quân. Tuy nhiên, JFK - trong bối cảnh không khí các cuộc họp Nội các trở nên căng thẳng chỉ nhận được sự ủng hộ quan trọng nhất từ người em Bobby và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara - tiếp tục muốn tìm kiếm một giải pháp phi quân sự. Khi Kennedy - vẫn tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán ngầm với Kremlin - cuối cùng cũng đạt được thoả ước với Khrushchev, thế giới vừa trải qua “thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người”, theo quan điểm của Schlesinger. Tuy nhiên, không ai biết ở thời điểm đó biết nó nguy hiểm đến nhường nào. Nhiều năm sau, khi tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 40 cuộc khủng hoảng trên tại một hội thảo ở La Habana, Schlesinger, Sorensen và McNamara đều choáng váng khi biết rằng nếu Mỹ tấn công Cuba, các chỉ huy người Nga tại đảo quốc này trước đó đã được lệnh sẽ đáp trả bằng các tên lửa hạt nhân chiến lược và chiến thuật. Sorensen lưu ý rằng Bộ Tổng tham mưu đã đảm bảo với Kennedy trong suốt cuộc khủng hoảng đó là “không hề có đầu đạn hạt nhân tại Cuba vào thời điểm đó”. “Họ đã nhầm”. Nếu Kennedy nhượng bộ trước áp lực của các cố vấn quân sự, một vùng đô thị rộng lớn của nước Mỹ nằm trong tầm bắn của hệ thống tên lửa Sô Viết lắp đặt tại Cuba có thể đã trở thành bãi phóng xạ tan hoang.
Việt Nam cũng là một nguồn gốc căng thẳng khác lớn dần lên trong nhiệm kỳ Tổng thống của Kennedy. Một lần nữa, phái cứng rắn tại Washington muốn đẩy mạnh tốc độ leo thang chiến tranh, muốn có sự đối đầu quân sự thực sự với kẻ thù Cộng sản mà JFK đã từ chối triển khai tại Cuba và nhiều chiến trường Chiến tranh lạnh khác. Tuy nhiên, số quân Mỹ có mặt tại Việt Nam khi đó tối đa chỉ là 16.000 người, trong đó phần lớn là cố vấn. Và, Kennedy đã tiết lộ với những cố vấn tin cậy như McNamara và cố vấn Nhà Trắng O’Donnell, dự định sẽ rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Việt Nam ngay sau khi tái đắc cử vào năm 1964. Ông nói với O’Donnell: “Do đó chúng ta tốt hơn nên đảm bảo chắc chắn rồi tôi sẽ tái đắc cử”.
Lo ngại vấp phải sự phản đối từ các Tướng lĩnh và cánh hữu - dưới sự lãnh đạo hăng hái của Barry Goldwater, người dường như là đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống sắp tới - Kennedy không bao giờ công khai kế hoạch về Việt Nam của ông. Và, theo kiểu cách thật sự của Kennedy, những tuyên bố của ông của cuộc xung đột tại Đông Nam Á thường ở dạng đa nghĩa mập mờ. Bị vây quanh bởi những cố vấn an ninh quốc gia luôn có khuynh hướng leo thang chiến tranh và cố ngăn cản một sự rạn nứt công khai trong giới cầm quyền, Kennedy đã đưa ra “rất nhiều cấp độ lừa dối” về các quyết định của ông đối với Việt Nam, theo cách dùng từ của sử gia Gareth Porter.
Kennedy không bao giờ có thể đưa ra vấn đề này trong cuộc bầu cử năm 1964, và kể từ đó ông để lại cả một đống đổ nát cho người kế nhiệm, Lyndon Johnson, người thể hiện sự can thiệp sâu hơn vào Việt Nam như là sự phát triển có tính logic các chiến lược của JFK. Tuy nhiên McNamara biết sự thật. Người đã giúp Johnson mở rộng chiến tranh trở thành một thảm kịch to lớn biết rằng Kennedy sẽ không làm điều như thế. Và McNamara thừa nhận điều này, dù nó làm nổi bật sự tự kiển trách mình. Cuối cùng, ngày hôm nay McNamara nói, Kennedy sẽ rút quân, thừa nhận “đó là cuộc chiến tranh miền Nam Việt Nam và những người ở đó giành chiến thắng ... chúng ta không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với họ”.
Những con diều hâu ngày hôm nay dường như coi JFK như là một trong những người anh hùng của họ bằng việc trích dẫn hành động tăng cường ngân sách quốc phòng và những bài diễn văn ngang ngạnh của ông, như bài tố cáo chế độ chuyên chế cộng sản phía bên kia bức tường Berlin tháng 6/1963. Họ thật sự tin rằng Kennedy đã mang đến một sức mạnh mới cho cuộc đấu tay đối quy mô toàn cầu với Liên Sô và những chính phủ đồng minh của họ. Tuy nhiên, những việc làm của Kennedy cũng thể hiện rõ ràng rằng ông thích việc đấu tranh về ý thức hệ và kinh tế với hệ thống Cộng sản hơn là đối đầu quân sự. Ông tuyệt đối tự tin rằng những lợi thế của hệ thống tư bản chủ nghĩa sẽ giành chiến thắng cuối cùng, chừng nào còn tránh được một thảm hoạ hạt nhân. Trong những tháng cuối cùng nhiệm kỳ Tổng thống, JFK thậm chí còn mở ra một kênh đối thoại hoà bình bí mật với Fidel, do nhà ngoại giao Liên hợp quốc William Attwood dẫn đầu. Mitt Ebbins, người bạn nối khố với JFK ở Hollywood nói: “Ông ấy sẽ công nhận Cuba. Ông ấy nói với tôi rằng nếu chúng ta công nhận Cuba, họ sẽ mua tủ lạnh và lò nướng bánh của chúng ta, và họ sẽ sớm loại bỏ Fidel”.
Kennedy thường nói ông muốn mộ chí của mình sẽ được tạc dòng chữ “Ông ấy đã giữ lại hoà bình”. Thậm chí cả Khrushchev và Fidel, những người đối đầu mạnh mẽ nhất của Kennedy, cũng đều đánh giá cao nỗ lực của JFK đối với mục tiêu đó. Nhà lãnh đạo Sô Viết, đã quẳng vị Tổng thống trẻ ra khỏi cuộc chơi của ông ta khi họ gặp nhau tại hội nghị thuợng đỉnh Viên năm 1961. Tuy nhiên sau khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, hai nhà lãnh đạo đã trở nên tôn trọng lẫn nhau. Khi Khrushchev nhận được tin từ Dallas vào tháng 11/1963, ông bị suy nhược tinh thần và không thể giải quyết công việc tại điện Kremlin trong nhiều ngày. Bất chấp tuổi trẻ , Kennedy là một “nguyên thủ quốc gia thật sự”, Khrushchev đã viết như thế trong cuốn hồi ký sau này của mình, khi ông đẩy ra ngoài cỗ máy quyền lực tại Liên Sô chưa đầy một năm sau cái chết của JFK. Nếu Kennedy còn sống, ông viết, hai người đã có thể mang lại hoà bình cho thế giới.
Và cả Fidel cũng coi JFK như là một nhân tố thay đổi, bất chấp cuộc cạnh tranh cay đắng và lâu dài giữa họ, tuyên bố rằng Kennedy có khả năng để trở thành “Tổng thống vĩ đại nhất” trong lịch sử nước Mỹ. Đầy ấn tượng, nhà lãnh đạo Cuba chưa bao giờ đổ lỗi cho nhà Kennedy về vô số những âm mưu ám sát ông. Nhiều năm sau, khi quả phụ Ethel của Bobby Kennedy có chuyến thăm La Habana, bà đã quả quýêt với Fidel rằng “Jack và Bobby không liên quan gì tới những kế hoạch ám sát ông”. Nhà lãnh đạo cao lớn - người đã sống rất lâu một phần nhờ vào mạng lưới chỉ điểm tại Mỹ - đã nhìn bà và nói “Tôi biết”. JFK khá chậm trong việc xác định tầm nhìn toàn cầu, tuy nhiên dưới dưới áp lực tấn công của lực lượng cánh hữu đang được tiếp thêm sức mạnh, cuối cùng ông cũng bắt đầu làm như thế vào cuối năm đầu tiên trên cương vị Tổng thống. Phát biểu vào mùa thu năm 1961, ông đã nói với nhân dân Mỹ rằng tại sao những nỗ lực của ông nhằm giải cứu thế giới khỏi kết cục chết chóc của Chiến tranh lạnh trở nên lý trí hơn giải pháp quân sự của cánh hữư. Ngày 16/11, Kennedy có bài diễn văn bước ngoặt tại ký túc xá Đại học Washington ở Seatle. Không có gì “mềm mại” cả, ông tuyên bố ngày hôm đó, về việc ngăn chặn cuộc chiến hạt nhân - nước Mỹ thể hiện sức mạnh thật sự bằng cách tự kiềm kế lực lượng quân sự cho đến khi tất cả các bên đều mệt mỏi. Và sau đó Kennedy đã có sự thừa nhận khác thường về những giới hạn của sức mạnh Mỹ - điều mà dường như ngược lại với cam kết trong Diễn văn nhậm chức Tổng thống “chống lại bất cứ kẻ thù nào” trên thế giới. “Chúng ta phải đối mặt với thực tế rằng nước Mỹ không có quyền lực tuyệt đối hay sự minh triết tuyệt đối, chúng ta chỉ có 6% dân số thế giới, rằng chúng ta không thể áp đặt ý chí của mình lên 94% nhân loại, rằng chúng ta không thể sửa sai hoặc đảo ngược những nghịch cảnh, và do đó không thể có một giải pháp Mỹ cho mọi vấn đề của thế giới”.
Sorensen - một nhà cấp tiến trẻ tuổi theo xu hướng hoà bình, một người theo thuyết chính trị tập trung giúp Kennedy viết bài diễn văn đó - ngày nay đã gọi đây là “một trong những bài diễn văn xuất sắc nhất của Kennedy về chính sách đối ngoại”. Ông cho rằng nếu JFK còn sống, “sẽ không có nghi ngại rằng chúng tôi đã đặt nền móng cho hoà bình. Cuộc chiến tranh lạnh sẽ kết thúc sớm hơn so với thực tế”.
Kennedy đã đạt đến đỉnh cao trong khả năng viễn thị khác vào ngày 10/6/1963, khi - với sự háo hức phá vỡ thế bế tắc ngoại giao với Liên Xô - ông đã chắp cánh cho bài diễn văn đối ngoại nên thơ nhất trong đời mình, một bài diễn văn sẽ đi vào lịch sử như một “Diễn văn hoà bình”. Trong bài diễn văn sôi nổi đó, JFK sẽ làm những việc mà không vị Tổng thống nào trong suốt Chiến tranh lạnh - và không một nhà lãnh đạo ngày nay của Mỹ - dám. Ông cố gắng con người hoá kẻ thù. Ông phát biểu với công chúng Mỹ, không gì “mâu thuẫn sâu sắc hơn” khi chúng ta phải nhận ra ý thức hệ hoặc hệ thống chính phủ của những kẻ đối địch rằng họ - cũng giống như chúng ta - đều là con người. Và sau đó Kennedy đã phát đi một thông điệp hùng biện và thấu cảm có ảnh hưởng sâu rộng như thế tới người dân Nga - kẻ thù mà cả một thế hệ người Mỹ được dạy phải sợ hãi và khinh miệt - rằng hoà bình vẫn có sức mạnh để thôi thúc. “Chúng ta đều là những cư dân trên địa cầu nhỏ bé này. Chúng ta đều thở chung trong một bầu khí quyển. Tất cả chúng ta đều thương yêu tương lai con em chúng ta. Và rồi tất cả chúng ta đều sẽ chết”. Nhiều tháng sau đó, Mỹ và Liên Sô đã đạt được một thoả ước về Hiệp định cấm thử vũ khí giới hạn, sự kiềm chế đáng kể đầu tiên nhằm ngăn cản cuộc cạnh tranh vũ trang chết chóc của các siêu cường.
Dự định Kennedy sẽ đọc bài bài diễn văn này tại Dallas vào ngày 22/11/1963, được cho là sẽ gióng lên một bản hợp âm hoà bình quen thuộc. Bài diễn văn dũng cảm dự định sẽ được đọc tại thành phố Texas, nơi luôn sôi sục tình cảm chống Kennedy. Đại đa số các cử tri ở những thành phố lớn tại Dallas đều bỏ phiếu trong Nixon năm 1960. Nơi đây cũng là căn cứ địa của phái cực hữu như Tướng Edwin Walker - người sau đó đã bị Chính quyền Kennedy buộc phải từ chức - đã phát động một chiến dịch quốc gia chống lại chính sách đối ngoại “chủ bại” và chiến lược đối nội “chủ nghĩa xã hội” của JFK. Vào cái ngày đoàn xe Tổng thống diễu hành tại Dallas, những áp phích đầy giận dữ được dán khắp đường và một tờ yết thị đăng trên tờ Dallas Morning News đã cáo buộc JFK bội tín. Tuy nhiên, Kennedy không hề nao núng. Đây là những gì ông kế hoạch phát biểu với thính giả tại Trung tâm thưong mại Dallas chiều hôm đó: biện pháp hiệu quả nhất để tập trung sức mạnh Mỹ không phải là đe doạ kẻ thù của nó. Đó là cách làm sống lại lý tưởng dân chủ của nước này và “thi hành những thứ mà nó đề cập về quyền bình đẳng và công bằng xã hội”.
Ngay sau cái chết của John Kennedy, ông được bao bọc bởi những huyền thoại về lòng dũng cảm theo kiểu Vua Arthur. Trong những năm gần đây, ông cũng vẫn phải chịu sự phán xét dữ dội của những người theo chủ nghĩa xét lại, được minh hoạ trong nhiều cuốn sách và trên phương tiện truyền thông như là một hoàng tử suy đồi - người đưa đất nước vào vị trí nguy hiểm với thái độ cá nhân liều lĩnh. Nhà báo Christopher Hitchens đã đẩy sự việc đi quá xa khi mô tả ông như là một “tên lưu manh thô tục”. Trong khi cuộc sống cá nhân của Kennedy ngày nay chắc chắn sẽ phải chịu sự soi mói của công luận thì sự minh triết mang tính bệnh lý này sẽ làm hiểu sai thực chất quãng thời gian làm Tổng thống của ông. Có một sự vĩ đại mang tính anh hùng đối với Chính quyền Kennedy khi không làm gì với những nắm đấm của Camelot (lâu đài của vua Arthur). Đó là một nhiệm kỳ Tổng thống xung đột với thời đại của nó và gần như chạm vào sự vĩ đại. Trong giai đoạn cao trào của Chiến tranh lạnh, Kennedy đã tìm ra cách để lùi bước trước vấn đề hạt nhân. Dưới áp lực không ngừng của một cuộc chiến tranh, ông đã nắm giữ được hoà bình. Ông đối thoại với kẻ thù, ông thừa nhận những giới hạn trong sức mạnh Mỹ, ông hiểu rằng kẻ thù thực sự đến từ lý tưởng về dân chủ chứ không phải do khả năng quân sự.
Ông thật sự vẫn là người đi trước thời đại của mình./.

Đây là bài phân tích của nhà báo David Talbot, tác giả cuốn sách “Những người anh em: Lịch sử bí mật về những năm tháng của Kennedy” xuất bản trên Press News 2007.

Không có nhận xét nào: