Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2007
Women-Juan Gelman
nói người đàn bà này là hai người đàn bà chẳng khác gì nói điều vô nghĩa
nàng cần phải có khoảng 12.397 người đàn bà ở trong
thật khó để biết người tôi đang đối phó là ai
trong nữ quốc này
ví dụ như:
chúng ta đang nằm trên một giường đầy tình yêu
nàng là một bình minh đầy tảo phát quang
khi tôi tới ôm nàng
nàng biến thành sinpapore đầy lũ chó tru hú
tôi nhớ
khi nàng xuất hiện quấn đầy hồng agadir
nàng giống như một chòm sao xuống hạ giới
giống như bội tinh phương Nam đã xuống hạ giới
người đàn bà này toả sáng như mặt trăng với giọng trong trẻo
như mặt trời đã mọc trong giọng nàng
tất cả tính danh của người đàn bà này đã được viết trên những bông hồng trừ một cái tên
và khi nàng quay lại
gáy nàng là một đồ án kinh tế
đang tỏ rõ hàng nghìn hình dáng và sự thăng trầm số mệnh của những người đã chết vì chế độ độc tài quân sự
không ai từng biết người đàn bà này đã đi bao xa
tôi có chút bối rối
một đêm tôi gõ nhẹ lên vai nàng để nhìn ngắm người tôi đang ở cùng
và tôi thấy một con lạc đà trong đôi mắt trống rỗng của nàng
thi thoảng
người đàn bà này là ban nhạc thành thị trong thị trấn tôi
nàng chơi nhiều điệu waltz thú vị cho đến khi kèn trombone bắt đầu lạc điệu
và tất cả lạc điệu theo nó
trí nhớ người đàn bà này cũng lạc điệu luôn.
anh có thể yêu nàng tới đỉnh điểm cuồng nhiệt
làm nàng dần lớn lên qua nhiều ngày làm tình rung rẩy
khiến dái tai nàng giống chim non làm bằng giấy
hôm sau nàng sẽ tỉnh giấc bắt đầu nói về malevich
trí nhớ vây quanh nàng như cái đồng hồ cáu giận
lúc 3 giờ chiều nàng nhớ ra con la đó
mà một đêm trong đời đã đá tuổi thơ nàng
người đàn bà này là nhiều thứ và nàng là một ban nhạc thành thị
nàng bị ăn ngấu nghiến bởi tất cả linh hồn mà nàng có thể nuôi với hàng nghìn người đàn bà
và nàng là một một ban nhạc thành thị lạc điệu
đang biến mất qua những cái bóng của quảng trường nhỏ trong thị trấn của tôi
tôi
những người bạn tôi
trong một đêm như đêm nay khi
mặt họ ướt sũng và khi có lẽ chúng tôi đang chết
trèo lên con lạc đò nhỏ đang đợi trong mắt nàng
và tôi rời khỏi những bờ biển âm ấm của người đàn bà này
câm lặng như đứa trẻ dưới lũ kền kền tham lam
muốn ăn tất cả những gì tôi đưa chúng
ngoại trừ trí nhớ
khi nàng cùng đến như một lời chúc mừng
lịch thiệp mà nàng ném đi một buổi chiều
(trích tập thơ ‘The Poems of Julio Grecco’, Southwards,
Chuyển ngữ từ tiếng Tây Ban Nha bởi Jago Tennant)
† Với hình ảnh ẩn dụ rộng mở trong “Đàn bà”, bài thơ giúp chúng ta biết được Gelman đã mất các thành viên trong gia đình, “mất tích” trong cái được gọi là Cuộc chiến tranh bẩn thỉu (The Dirty War-Guerra Sucia) ở Argentina thập kỷ 1970. Gelman đã sống lưu vong kể từ đó và phát động chiến dịch kêu gọi sự công nhận chính thức về những tội ác này do chính quyền độc tài thực hiện.
In the street-Mang Ke
Hôm nay tôi không dám chắc về tuổi mình nữa:
Có lẽ tôi mới lên mười.
Nhưng tôi biết tâm trí tôi, tâm trí tôi
đang nghĩ ngợi toàn thứ bẩn thỉu thô tục.
Hôm nay, trên con phố này,
Tôi đang dẫm mạnh lên bóng một cô gái.
Một nhóc con lảo đảo trong rãnh nước,
và ngủ gục, hông nó khum hình chén
bởi ai đó tôi chẳng biết.
Một ông già, không cách xa tôi,
đang chộp vài thứ bẩn thỉu trên đất.
Tôi không biết. Không ai quan tâm.
Lũ nhóc đang đái trên phố,
Bụng chúng mở ra mặt trời.
Đột nhiên, một con chó từ đâu đó
Đang phóng vụt qua. Tôi cũng đang chạy. Không ai biết
Ai đã nôn bữa tối trên phố.
Tôi quay đi. Đột nhiên,
Một mụ đàn bà, một cặp mắt giường chiếu
đang tóm lấy tôi, đang phình ra như gã béo
Ai cũng đang nhìn tôi chòng chọc. Tôi hầu như không biết
Tại sao họ mồi chài tôi như thế.
Gã béo đó đang suy nghĩ gì nhỉ?
Và ai đó đang đánh một con mèo—
Ai biết được vì điều gì? Nó đang chạy trốn
Rên rỉ như một gã thiểu năng trí tuệ,
Cái điên van vỉ cái điên.
Tôi nghĩ: Tại sao không nhảy lên và cào rách
Mặt ai đó, hả mèo? Những cái ngáp đần độn.
OK, chạy đi. Mèo, tao mong mày
Không có kết cục tốt đẹp. Và cao cao
Trên một khu nhà, khuôn mặt xấu xí của cô gái nào đó
Đang thò ra từ cửa sổ mở.
Tôi nói, Ở đây này!, chọc nàng
Đến phát hoảng. Một cô nàng mới đứng đắn làm sao!
Rồi một mụ đàn bà, bộ mặt như còi báo động,
Đang vội vã băng qua. Rất gần phía sau
Gã đàn ông đáng nguyền rủa của mụ,
Tất cả vì khoái cảm dâm dục của đám đông.
Một gã đang khạc nhổ, trúng bức ảnh
Của một cô nàng trên tường phía sau gã.
Và gã du thủ du thực nào đó, thật mù quáng gã chà xát
Con phố bằng đôi chân,
Đang tình cờ bắt gặp tôi. Vì muốn ăn
Đám đông kia đang tản ra, bọn giàu nhất
Thì đến các nhà hàng. Một gã đầu tóc bóng mượt nào đó
Đang hướng về phía nhà xí,
Vừa chạy vừa cởi khoá quần trên đường.
Thậm chí mặt trời cũng đang đào thoát vội vã
Như thể nó có một ngôi nhà.
Và trời đang tối đi. Tôi đang lang thang.
Trên con phố này, sự tĩnh lặng của tôi. Cơn đói của tôi.
(Chuyển ngữ từ tiếng Trung bởi Stephen Haven và Vương Thủ Nhất)
Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007
One night stand - Mang Ke
Em nhẹ nhàng mở cửa
Để bóng đêm, kẻ vừa ngủ với em, đi ra
Em nhìn lưng hắn biến mất
Và nghe thấy sừng rạng đông chuyển động
Mở cửa sổ
Em hắt ra một phòng đầy những giấc mơ
Quét sạch tất cả lông vũ
Của niềm hạnh phúc thầm kín của em
Trong gương hai mắt em bồng bềnh
Như thể tách biệt khỏi hốc mắt
Như thể hai con cá sau khi đụng nhau
(Chuyển ngữ từ tiếng Trung bởi Stephen Haven và Vương Thủ Nhất)
Close your eyes - Mang Ke
Nhắm mắt đi em, tự chôn vùi đi em
Và em sẽ thấy, chẳng bao giờ nữa
Bông hoa đỏ nhường nào
Bị ngắt trong mặt trời
Bị vứt trên mặt đất
Bị giẫm đạp trong đêm
Nhắm mắt đi em, tự chôn vùi đi em
và, riêng mình em,
khổ đau này chẳng bao giờ nữa
Ôi, loài người, quyết đi tận cùng
đến từ bóng tối
đã biến mất trong đêm
(Chuyển ngữ từ tiếng Trung bởi Stephen Haven và Vương Thủ Nhất)
Mang Ke - (Stepen Haven)
Mang Khắc (Mang Ke) - Stephen Haven
Lần đầu tiên tôi nghe nói đến nhà thơ Mang Khắc là khi đến thăm Đại học Hắc Long Giang (Heilongjiang), tỉnh Cáp Nhĩ Tân (Harbin), Trung Quốc, vào tháng 12/1990 theo lời mời của Vương Thủ Nhất (Wang Shouyi), nhà thơ, nhà phê bình và là chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ trường đại học này. Trong năm đó, tôi là giảng viên mời của chương trình Fulbright về văn học Mỹ tại Đại học Nhân dân Bắc kinh, và bắt đầu một loạt công việc cộng tác với Kim Chung (?) (Jin Zhong) chuyển ngữ các tác phẩm thi ca của Moi Fei, Vương Gia Tân (?) (Wang Jia-xin), và Đa Đa (Duo Duo). Jin Zhong, sau này sống ở Bắc Kinh, khi đó tình cờ có mặt tại Hắc Long Giang, vốn là cựu học trò của Vương Thủ Nhất.
Trong tuần đầu tiên ở Hắc Long Giang, tôi không chỉ biết và bắt đầu cộng tác dịch thuật với Vương Thủ Nhất, mà ông còn giới thiệu tôi đến với các bài thơ của Mang Khắc, dù không trực tiếp qua nhà thơ. Điều không có gì ngạc nhiên. Khi đó là cuối năm 1990 và vụ thảm sát Thiên An Môn (Tiananmen) vừa diễn ra cách đấy 18 tháng. Trong bối cảnh chính trị bất ổn tại Trung Quốc lúc ấy, nhiều trí thức và nghệ sĩ nước này gần như tránh tiếp xúc với người phương Tây. Do vậy, khi quay lại Bắc Kinh, tôi phát hiện Mang Khắc đang sống tương đối biệt lập, theo lời Jin Zhong, ông đã quyết định ẩn dật. Trong thời điểm đó tôi không biết, và đến tận bây giờ vẫn không rõ, liệu sự ẩn dật của ông là tự nguyện hay bị ép buộc. Tuy nhiên, trong lúc nhiều nhà thơ nổi tiếng khác thuộc thế hệ ông như Bắc Đảo (Bei Dao), Cố Thành (Gu Cheng) và Đa Đa đã lưu vong, Mang Khắc vẫn ở lại.
Dù không thể gặp trực tiếp Mang Khắc, song khoảng 5 năm rưỡi sau đó, cuối cùng tôi đã thật sự bắt đầu công việc dịch thơ ông, một lần nữa nhờ chương trình Fulbright. Từ năm 1990 đến 1996, Vương Thủ Nhất và tôi thường xuyên liên lạc qua điện thoại và thư tín. Sau đó, đến năm 1996, tôi đã có thể mời Thủ Nhất tới Đại học Ashland theo chương trình Fulbright (Fulbright Scholar in Residence). Một phần dự án của chúng tôi trong chương trình Fulbright kéo dài một năm của Thủ Nhất là xuất bản thành sách tập bản thảo chuyển ngữ thơ Mang Khắc và Cố Thành. Trước khi rời Trung Quốc đến Mỹ, Thủ Nhất đã tới Bắc Kinh gặp Mang Khắc và mang về một bản sao tuyển tập thơ của ông. Sau đó, trong suốt niên khoá 1996-1997, nhờ việc Thủ Nhất sống rất gần Ashland, bang Ohio, nên ông và tôi bắt đầu công việc chậm rãi, và duyệt lại nhiều lần, khoảng 40 trang chuyển ngữ các bài thơ của Mang Khắc và Cố Thành.
Đối với sự công nhận rộng rãi của xã hội, việc Mang Khắc không nổi tiếng trong nền thi ca đương đại Trung Quốc (điều này, theo cách nhìn phương Tây) có liên quan tới sự ẩn dật của ông thời kỳ hậu Thiên An Môn. Mặc dù nhiều bài thơ chuyển ngữ của Mang Khắc đã xuất hiện trong các hợp tuyển thi ca Trung Quốc của Mỹ, song các dịch giả và nhiều biên tập viên phương Tây vẫn chưa nhìn nhận các tác phẩm của Mang Khắc tương xứng với vị thế của ông ở Trung Quốc. Ở đó, ông rất nổi tiếng, Khi còn là chủ bút, Mang Khắc và Bắc Đảo đã đồng sáng lập tạp chí văn học tiếng Hoa Kim Thiên (Jintian-Today), tập trung phần lớn sự quan tâm tới Phong trào Bức tường Dân chủ (Democratic Wall Movement) tại Trung Quốc những năm cuối 1970. Tuy nhiên, đối với phương Tây, Bắc Đảo nổi tiếng hơn Mang Khắc một phần do Bắc Đảo học nói tiếng Anh và sống ở nước ngoài, và phần khác do ông tiếp tục làm thơ. Năm 1997, khi tôi quay lại Bắc Kinh lần thứ hai theo chương trình Fulbright, Mang Khắc đã bắt đầu viết trở lại với hầu hết các tác phẩm là văn xuôi, bởi thị trưởng văn học Trung Quốc khi đó đang quan tâm tới các tiểu thuyết gia và ông muốn làm ra tiền để nuôi gia đình mình.
Cuối cùng, một vài lời về bài thơ “Cây liễu” (Willow) được tôi viết như là để kỷ niệm một phần nào việc thi ca đang hấp dẫn trở lại trên văn đàn Trung Quốc. Thi ca là vua trong các loại hình nghệ thuật tại Trung Quốc, một phần bởi nó hoà trộn rất nhiều khía cạnh cảm giác của người nghệ sĩ (tai, mắt, các giác quan khác và tinh thần). Thi ca cũng hoà trộn nhiều yếu tố của các ngành khác (âm nhạc, tôn giáo, lịch sử, lịch sử mĩ thuật, triết học) trong một quan điểm mĩ học. Theo truyền thống, các nhà thơ được cho không chỉ có học vấn cao mà còn giỏi thư pháp và là nhạc sĩ. Một quan điểm còn nhận định thi ca cận đại Trung Quốc chính là hình thức nghệ thuật hàm chứa tất cả các loại hình nghệ thuật khác.
Tại nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc hiện đại, tinh thần thi ca đang trở nên phổ biến tại khu vực đô thị. Điều này là do Đỗ Phủ (Du Fu) và Lí Bạch (Li Bai), hai nhà thơ nổi tiếng nhất Trung Quốc, từng sinh sống tại khu vực Tây Nam, nơi có rất nhiều tre và liễu, người Trung Quốc coi tinh thần thi ca sẽ hiện diện tại bất cứ nơi nào hai loại cây này mọc gần nhau. Theo mạch đó, bài thơ của tôi coi liễu là loài cây biểu tượng quốc gia của Trung Quốc. Và, có thể tốt hoặc xấu hơn, với xu hướng định giới tính cho mọi vật kiểu Mỹ, cây liễu trong thơ tôi tiêu biểu cho tính nữ, cây tre là tính nam. Sự kết hợp tình ái giữa chúng đang tạo ra thi ca, sản sinh ra trời và đất --Ashland, Ohio, December 14, 2002
Liễu (Stephen Haven)
Toàn Trung Hoa một hàng liễu vàng-xanh
Khi anh băng qua-
thướt tha, váy rủ, cành mềm
và vàng, xào xạc vẻ yêu kiều
trong gió-ve vuốt
toàn bộ con nguời anh.
Người Hán vô cùng kín đáo
khi yêu tán lá này: cây cô độc
chiếc lọng của hàng
nghìn năm thi ca.
Bản chất là
một phong tục, một cử tri
nhẹ nhàng trong biển bê tông -
công viên này, hàng liễu này,
những cây tre mọc gần đấy,
như thể mãi mãi buông mành
dưới hàng cây này
Lí Bạch vẫn nổ bùng
cảm xúc thuần khiết sau một ngụm rượu.
Và nếu anh lắng nghe
anh có thể gần như lắng nghe được ông:
cây tre, cây tre, những chồi non xanh
của đất, trời khi ve vuốt
những vạt váy vàng kia!
Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007
INTERVIEWING DUO DUO, THE POET OF THE CLOUDS
(Viết như là một lời húa - Duo Duo)
Fabio Grasselli (FG): Genzi (?) khẳng định rằng mỗi thanh niên là một nhà thơ, ông có tin rằng mọi nhà thơ có thể giữ được thanh xuân mãi mãi?
Đa Đa (ĐĐ): Dĩ nhiên, điều đó có thể... hoặc thậm chí là tốt hơn, một nhà thơ sẽ mãi là đứa trẻ, thuần khiết, tràn đầy niềm tin và ngơ ngác trước thực tế cuộc sống; một thanh niên trên thực tế quá xốc nổi, anh ta muốn trở nên độc đoán, anh ta khắc nghiệt...
FG: Trong thơ ông, sự tĩnh lặng thường là đề tài trọng tâm, ông đã hình thành ý tưởng này thế nào, ông quan niệm điều đó ra sao?
ĐĐ: Ồ, sự tĩnh lặng... Tôi nghĩ rằng sự tĩnh lặng giờ đây đang trở nên quan trọng hơn: tôi đang già. Sự tĩnh lặng đồng nghĩa với sự hài hoà bên trong, anh tin tưởng điều gì đó, anh có niềm tin và anh có sinh lực và sức khoẻ. Tuy nhiên, sự tĩnh lặng rất khó để đạt được, để... Tôi nghĩ rằng thi ca không chỉ là công việc viết lách, có gì đó sau nó, đối với tôi đó là tôn giáo và tôi nghĩ tôi là một tín đồ.
FG: Ông có nghĩ rằng thi ca có thể bao hàm chức năng phân tâm học tự động (auto-psychoanalitic)?
ĐĐ: Tinh thần (The Inner), theo quan điểm của tôi, không chỉ là tâm lý học, theo lý thuyết của Freud. Tôi thích biện giải của Jung hơn; với tôi Tinh thần bao hàm tất cả, thân thể, trí tuệ và tâm hồn. Khi có thể kết nối chúng lại, bạn sẽ có được sinh lực, và bạn có thể bắt đầu viết.
FG: Ông có bao giờ cảm thấy khao khát viết theo những bài thơ theo phong cách cổ điển không?
ĐĐ: Anh biết đấy: thứ nhất, thi ca Trung Hoa cổ điển đã đạt đến đỉnh cao, không ai có thể trèo lên cùng một đỉnh núi, với một phương thức tương tự; thứ hai, có sự khác biệt sâu sắc giữa tiếng Hán cổ và hiện đại do vậy chúng tôi không thể sử dụng thể "văn ngôn" (wenyan), những nhà thơ đương đại chỉ có thể sử dụng thể "bạch thoại" (baihua).
FG: Đạo giáo (Taoism), và đặc biệt là Đạo đức kinh (Dao De Jing) ảnh hưởng bao nhiêu đến sự hình thành con người ông?
ĐĐ: Thực sự không nhiều lắm. Tôi chưa từng đọc Đạo đức kinh; tôi nghĩ lý do là thế hệ chúng tôi chưa bao giờ nhận được một nền giáo dục đầy đủ, cả ở trong trường đại học lẫn trung học. Trong thời kỳ cách mạng văn hoá, chúng tôi về nông thôn. Theo quan điểm của tôi, đó thật sự là điều đáng tiếc: văn học, triết học và thi ca Trung Hoa rất rộng lớn... tôi đọc một số, nhưng không nhiều, giống như đa phần người dân Trung Quốc, và giờ đây tôi nghĩ rằng hiện tại chính là thời điểm để đọc Đạo đức kinh...
FG: Thiền phái (Zen) có ảnh hưởng đến các bài thơ của ông không?
ĐĐ: Không nhiều lắm, nhưng chắc chắn là hơn Đạo giáo; tôi đánh giá cao Thiền phái; tôi nghĩ rằng nó thật sự quan trọng để đọc, nhưng tôi nghĩ điều còn quan trọng hơn đó là tự tập luyện thứ gì đó. Ví dụ như tôi đang tập thiền kiểu Trung Quốc, hoàn toàn tương tự (như Thiền phái); Tôi cũng đang theo đuổi cách khác để đạt Thiền. Thật sự tôi không biết “Thiền” là gì nhưng tôi có thể khẳng định là tôi biết gì đó...
FG: Thời kỳ nào trong cuộc đời ông cảm thấy tràn trề năng lực sáng tạo nhất?
ĐĐ: Rất nhiều giai đoạn... nhưng nếu tôi phải chọn một, tôi chọn những năm đầu thập kỷ 1990. Trong thời kỳ đó, tôi cảm thấy có sức mạnh nội tại mãnh liệt và tôi không thể kiểm soát nó; trong khi giờ đây tôi có thể. Ngày nay, thực tế, tôi cảm thấy bình ổn, tĩnh lặng, tôi không giận dữ với thế giới, tôi không buồn. Và tôi nghĩ rằng nỗi buồn chứa đựng nguồn năng lượng khổng lồ, và khi bạn hít thở nguồn năng lượng khổng lồ này, bạn tìm thấy hàng nghìn ngôn từ mà bạn muốn truyền đạt tới mọi người, và khi không ai có thể nói chuyện với bạn, bạn cần phải viết. Tôi nghĩ rằng những quãng thời gian buồn chán sẽ thanh tẩy tâm hồn (hearth?), và khi đó bạn thường phát hiện ra mình cần phải tin vào Chúa trời. Như tôi đã nói, có nhiều thời điểm cảm hứng sâu đậm, ví dụ như trong những năm đầu tiên: tôi đã rất thích thú, đó là điều kì diệu. và khi tôi đọc những bài thơ của mình, tôi tự hỏi ai đã viết chúng. Tôi chưa từng mơ mộng, tôi chưa từng nghĩ, tôi chưa từng cố để trở thành một nhà thơ. Sau đó, khi mọi người gọi tôi là “nhà thơ”, tôi cảm thấy buộc phải viết, tôi phải viết những bài thơ mới, và tôi nghĩ: “ôi không, ta 40 tuổi, ta 50 tuổi, ta đang ở giai đoạn cuối của sự nghiệp!”, đây là điều tồi tệ nhất, mất cảm hứng sáng tạo. Và sau đó tôi tự nhủ: “mi chẳng là gì hết, mi là đàn ông, mi chỉ là một người đàn ông, một người đàn ông đang già, nhưng điều đó không thành vấn đề” và điều gì đó quay trở lại với tôi. Trong những năm gần đây, tôi đang sống trong thời kỳ sáng tạo mới, tôi đang già; trong quá khứ tôi từng là nạn nhân của áp lực, giờ thì ok. Năm nay là một năm tốt; từ châu Âu tôi trở về Trung Quốc, tôi nói ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, và mọi thứ trở nên suôn sẻ hơn, nhanh chóng hơn, tôi nhận được nhiều thông tin hơn. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng đó là khoảng thời gian buồn bã, anh đang đạt tới đỉnh điểm, anh đang chạm tới những độ sâu xa cách (remote deepneses?)
FG: Mùa nào trong năm ông cảm thấy nhiều cảm hứng hơn?
ĐĐ: Trước đây thường là mùa thu, tuy nhiên hiện tại là mùa xuân, anh biết tại sao không? Đó là bởi tôi đang già. Thời tiết Bắc Âu thật sự lạnh cóng, tôi từng thử làm việc trong cả mùa đông song không đạt kết quả tốt, và khi mùa xuân về, tôi cảm thấy nguồn năng lượng mới đang đến và tôi lại bắt đầu viết. Giờ đây ở đảo Hải Nam (Hainan), ngày nào cũng là mùa xuân; đó là điều khác biệt, rất khác biệt.
FG: Ông có tin rằng “nàng thơ” có thể đến từ thứ gì đó bên ngoài con người của nhà thơ?
ĐĐ: Tôi không tin tôi có niềm tin vào “nàng thơ”, tôi cảm thấy mình liên hệ trực tiếp với Chúa trời, không qua các trung gian. Tôi chưa từng nghĩ về “nàng thơ”, và nếu chỉ có cách khác để gọi điều tương tự, cũng không thay đổi được điều gì: theo tôi, viết là một cách để nâng cao phẩm giá, thi ca thực sự là xiển dương tâm hồn mỗi ngày. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy mình giống như một thầy tu, đó như là công việc của tôi, tôi cần nhiều thời gian và cô đơn hơn, nếu cảm xúc không tới, tôi không ép buộc nó, tôi ngừng lại và chờ đợi. Khi tôi còn trẻ tôi đã cố cưõng ép, tôi uống rượu và cứ thế... đó là không phải là cách đúng đắn để có cảm hứng, nhưng tôi thực sự đã làm thế. Tôi nghĩ thi ca là tự nhiên, hài hoà, đúng mực và tươi sáng; đó không phải là ngôn ngữ, nâng cao phẩm giá tâm hồn là điều quan trọng nhất. Tôi tin tôi đã làm điều đó trong 30 năm, thi thoảng tôi thất bại, thi thoảng tôi thành công, song điều đó không thành vấn đề. Khi tôi còn trẻ, tôi luôn nghĩ mình có thể đối mặt trực tiếp với Chúa trời, nhưng đây không phải là cảm xúc đúng đắn: nếu bạn đối mặt với Chúa trời, bạn không thể viết; khi bạn viết, Tự thân Chúa trời đang ở trong bạn, bạn là Chúa trời. Tuy nhiên bạn phải chờ đợi, bạn phải kiên nhẫn, thư giãn, bình thản và tĩnh lặng, bạn phải để suy nghĩ của mình thăng hoa (in the Sublime?) và tan chảy cùng nó. Ai đó có thể nói tôi chẳng làm gì trong nhiều ngày, nhưng thực tế là tôi đang làm, tôi làm rất nhiều...
FG: Với ông Chúa trời là gì?
ĐĐ: Tôi cảm nhận được Chúa trời ngay từ khi còn trẻ; tôi không biết đích xác khi nào tôi bắt đầu có tin tưởng, có thể là khi tôi bắt đầu viết, đó thời điểm tôi gặp Người. Có thể bởi bản thân công việc viết lách là một cách để gặp Người. Vậy cụm từ “cảm hứng” có nghĩa là gì? Trong thời điểm đó, tôi rất trong sáng hay ai khác cũng rất trong sáng, tuy nhiên ai khác chính là tôi. Tôi là nhiều người. Nhưng điều đấy là nó ư? Không hoàn toàn. Tôi cảm thấy điều gì đó khác, và đấy mới là sự khởi đầu. Nhiều năm trôi qua, và niềm tin ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Không có niềm tin tôi sẽ bị tiêu diệt, bởi chủ nghĩa vật chất, hay thứ gì khác. Do vậy tôi tin rằng Tinh thần, Tinh thần sâu thẳm nhất, là quan trọng; làm thơ với tôi luôn là một hành trình; khi bạn bắt đầu viết, bạn đối mặt với ai đó, nói chuyện với ai đó. Tôi chưa từng nói là tôi làm thơ cho một độc giả mơ hồ nào đó (hypothetical reader), hay ai khác đặc biệt, không bao giờ; tôi viết cho mình? Tôi không tin thế. Vậy tôi viết cho ai, cho ai? T.S. Eliot khẳng định rằng có ba kênh giao tiếp: nói với ai đó, độc thoại và nói với Chúa trời. Tôi nghĩ không phải nghi ngờ điều này. Nhưng Chúa trời là ai? Chúa trời nào? Chúa trời của người Công giáo hay Chúa trời nào khác, không thành vấn đề: Đó là thứ gì khác cao hơn, chỉ có vậy. Tôi tin nhưng tôi không đến nhà thờ, tôi thích nhà thờ nhưng tôi không muốn phụ thuộc vào nó.
FG: Phụ nữ...
ĐĐ: Phụ nữ luôn luôn quan trọng. Về cơ bản, mọi vấn đề đều có căn nguyên thực sự xuất phát từ phụ nữ, luôn luôn thế. Chắc chắn họ liên quan nhiều đến cuộc sống của tôi cho dù các bài thơ không trực tiếp dành cho phụ nữ, các bài thơ tình chỉ chiếm số ít. Tuy nhiên lí do bạn viết thật sự quan trọng hơn bản thân việc viết lách. Nếu bạn có những lí do mạnh mẽ, bạn có thể viết. Tôi có hầu hết những lí do này từ những vấn đề với phụ nữ, cho dù tôi viết về phong cảnh về thiên nhiên hay những vấn đề to lớn trên thế giới. Tôi nghĩ rằng khi bạn già bạn không còn quá xứng đáng để làm thơ tình. Tôi tin những vấn đề giữa đàn ông và đàn bà là một trong hằng hà sa số bộ mặt của sự va chạm giữa Âm (Yin) và Dương (Yang), đang điều khiển vũ trụ này; thi ca cứu rỗi bạn. Tôi đã yêu, tôi đã khao khát, tôi đã quý mến phụ nữ nhưng tôi cũng cảm thấy giận giữ, thù oán họ, giống như bất kỳ ai.
FG: Âm nhạc...
ĐĐ: Tôi nghĩ âm nhạc thực sự là một dạng thức của thơ tôi, về mặt cấu trúc. Tôi chọn âm nhạc để tổ chức ngôn ngữ. Tuy nhiên âm nhạc có nhiều hình thái, nhiều thể loại nhạc, nhiều giai điệu. Tôi không thể làm thơ theo phong cách cổ điển, nhưng điều đó không có nghĩa tôi quên những chủ đề của nó... Mỗi bài thơ có nhịp sinh học riêng, mọi bài thơ đều khác biệt. Mỗi người có một nhịp điệu riêng, và bạn phải tự để mình trôi theo nó. Mỗi cách viết có một nhạc tính riêng. Dù sao, tôi khẳng định rằng nhạc tính của tôi là của một ca sĩ, tôi không phải là tay chơi dương cầm, tôi đã thử, nhưng về cơ bản tôi là ca sĩ, một ca sĩ cổ điển, tôi ghét micro, tôi yêu những giọng nam cao.
FG: Những bài thơ thời kỳ đầu của ông thường về đêm tối, phải chăng ban đêm là giai đoạn cảm hứng nhất của ông?
ĐĐ: Câu hỏi hay; tôi từng làm việc vào nửa đêm, tôi hoàn toàn cô đơn, thời gian dường như chậm lại, chỉ có tĩnh mịch, yên bình, lặng im và việc viết lách trở nên sâu sắc hơn. Tuy nhiên hiện tại tôi làm việc vào buổi sáng, tôi đang thay đổi, mọi thứ đang thay đổi. Sau tuổi 45, nếu tôi làm về đêm tôi sẽ mất sinh lực, tôi cảm thấy mỏi mệt mỗi khi thức dậy. Tuy nhiên, viết vào buổi sáng thật khác biệt, ban ngày ít có cảm hứng hơn đêm. Ban ngày tôi thu nhặt ý tưởng, nhưng chiều tối vẫn là thời khắc của sáng tạo.
FG: Sự giao thoa giữa mặt đất và bầu trời là một nguồn cảm hứng của ông, ông cảm thấy điều đó như thế nào?
ĐĐ: Tôi chưa từng nghĩ về một sự giao thoa thực sự giữa bầu trời và mặt đất. Tôi nghĩ rằng bầu trời đầy mây tạo cảm hứng cho tôi nhiều nhất, khi cơn gió mang những đám mây đi. Mây đồng nghĩa với tự do, những cuộc hành trình. Tôi có thể cảm nhận nhiều thứ từ các đám mây đó, khi còn bé tôi đã bắt đầu ngắm nhìn rất lâu những đám mây thay đổi hình dạng. Về mặt đất, anh biết đấy tôi là người Trung Quốc, người Trung Quốc, giống như người Đức, yêu đất đai, họ nhiều đời là nông dân, chúng tôi đương nhiên yêu đất đai tha thiết .
FG: Ông nhìn nhận tương lai thi ca Trung Quốc ra sao?
ĐĐ: Tương lai thế giới không có những bảo đảm, không ai biết được điều gì. Tôi lo lắng về chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tư bản, văn hoá bình dân (pop culture), chúng đang giết chết thi ca. Tôi không cho rằng văn hoá bình dân là hoàn toàn xấu, cũng có thứ tốt, những thứ bạn có thể đánh giá cao, tuy nhiên tôi đang cố bảo tồn lịch sử thi ca, đó là lí do vì sao tôi dạy học, tôi đang truyền đạt trải nghiệm của tôi đến các sinh viên, đến những thế hệ mới, tôi đang cố hết sức mình.
FG: Ông sẽ so sánh những bài thơ của ông với yếu tố thiên nhiên nào?
ĐĐ: Những đám mây. Không phải lửa, không phải nước, không phải gỗ, không phải kim loại, không phải không khí. Đó là một đám mây.
16-bit Intel 8088 chip - Charles Bukowski
với một Apple Macintosh
ngươi không thể chạy được chương trình Radio Shack
trong ổ đọc đĩa.
và một ổ đĩa Commodore 64
cũng không thể đọc một file
mà ngươi tạo ra trên một
máy tính cá nhân IBM.
các máy tính của cả hai hãng Kaypro và Osborne đều sử dụng
hệ điều hành CP/M
nhưng không thể đọc tự dạng
của nhau
khi chúng format (ghi
đè) ổ theo nhiều cách
khác nhau.
Tandy 2000 chạy được MS-DOS nhưng
không thể sử dụng hầu hết những chương trình dùng cho
máy tính cá nhân IBM
trừ phi
các bit và byte chắc chắn được
thay đổi
tuy nhiên gió vẫn thổi tràn qua
Thảo nguyên
bởi mùa Xuân
con kền kền khệnh khạng và
hối hả trước lũ mái.
Thứ Ba, 27 tháng 11, 2007
The Robe - Michael McClure
Những kẻ mộng du... Những bóng ma! Những giọng nói
giống như những vật thể xuyên qua những màn sương của giấc ngủ,
chúng ta cùng nhau bồng bềnh --
những chân trần không đụng vào sàn.
Đang nói bằng giọng những tình nhân của chúng ta
ĐANG ĐẶT TÊN NHỮNG ĐỒ VẬT TÌNH YÊU
(Đang nghĩ những cách tra tấn mới,
những máy móc để chở chúng ta.
Những kinh ngạc nở bùng trên mặt chúng ta.
Những đôi mắt như những viên ngọc bích hay ngọc mắt mèo.
Xa cách như những điều kì diệu. Đang lắng nghe
điệu jazz trong không trung. Chúng ta đang trôi --
hình dáng chúng ta như những bông sen cạn).
Lạnh cứng, giữ rịt ở đó
đôi vai anh không giữ được em.
NHỮNG HÀNH ĐỘNG ANH HÙNG
không làm chúng ta tự do. Trả tự do cho chúng ta. Tình yêu.
Chúng ta là những giọng nói. Cái chết đang ở cùng chúng ta.
(Trong tập Tụng ca St.Geryon, 1959)
FOR THE DEATH OF 100 WHALES - Michael McClure
Tháng 4/1954, Tạp chí Time đưa tin 97 lính Mỹ buồn chán đồn trú tại một căn cứ NATO ở Iceland đã lên kế hoạch giết hại một nhóm 100 con cá voi. Vào một buổi sáng, những người lính này, trang bị súng trường, súng máy, và thuyền, chạy vòng vòng và bắn những con cá voi đến chết.
Tôi đọc bài thơ này khi đọc bài báo trên lần đầu tiên năm 1955.
Như thuyền giữa trời
Những con tàu đã luộc sôi những đồng cỏ;
Những con tàu thịt,
Những con tàu hơi nước Bắc cực
Những bộ não kích cỡ bằng chén trà
Những cái mồm kích cỡ bằng cánh cửa
Những con sói béo mượt
Đã xoay và đã xoắn
Goya! Goya!
Somebody - Charles Bukowski
Chúa ơi tôi có nỗi chán chường tục tĩu buồn thảm
người đàn bà này ngồi đó và cô ta
nói
anh thật sự là Charles
Bukowski?
và tôi nói
quên điều đó đi
anh cảm thấy không tốt
anh đang có những nỗi buồn buồn
giờ điều anh muốn làm là
đụ em
và cô ta cười phá
cô ta nghĩ tôi thật là
khôn khéo
và oh tôi mới chỉ ngắm nhìn đôi chân thon dài thiên đường của cô ta
tôi thấy gan và bộ lòng mề rung rẩy của cô ta
tôi thấy Chúa ở trong đó
nhảy một điệu folk-rock
tất cả đường nét đói khát dài lâu trong tôi
trỗi dậy
và tôi bước đến
và túm lấy cô ta trên trường kỉ
xé toạc váy quấn quanh mặt cô ta
và tôi không quan tâm
cưỡng dâm hay tận thế trái đất
một lần nữa
để ở đó
bất cứ đâu
thực sự
vâng
quần lót cô ta nằm trên
sàn
và ku tôi đã đâm vào
ku tôi chúa ơi ku tôi đã đâm vào
tôi là Charles
Người khác.
Thứ Hai, 26 tháng 11, 2007
A Kosmos - Rosanna Warren
Anh đang trong giấc nồng cuối, không ngủ,
đầu nghiêng khó nhọc bên phải gối
tại góc cao hơn khi anh uốn cong những bài thơ,
nhiều năm đã qua, và chúng ta kéo giật những dòng thơ của nhau,
như thể giờ đây anh tư lự những câu hỏi còn trần trụi hơn.
Ống tiêm tĩnh mạch của anh đã được rút ra. Cánh tay anh thâm tím.
Mũ len lưỡi trai xanh ôm lấy đầu hói xanh nhợt nhạt của anh.
Đã quá muộn để đưa anh khăn choàng màu hoa oải hương em từng tưởng tượng
vì em nhiều hơn là vì anh.
Miệng anh chợt mềm mại, như miệng cô gái.
Anh đã từng đi rất xa, để tới đây.
Không ai từng nhìn trực diện mọi thứ,
mà giờ anh đã thấy bên trong. Ai biết được những gì anh thấy.
Và khi, nhiều tuần sau, chúng ta gặp
lại nhau trong ngôi nhà này để nói những lời tạm biệt hình thức đó,
em tìm kiếm bài nghiên cứu của anh về tập “Lá cỏ”
và thấy, thay vì, chiếc bàn ngăn nắp của anh, không được sử dụng,
những bản thảo viết tay xếp gọn ghẽ từng chồng, những bức ảnh
về các cô gái của anh được lồng khung, và, như một thông điệp riêng tư
từ Whitman, người thấu thị tất cả, thân thể
nhỏ bé bị sấy khô của con chuột. Một bông cúc vạn thọ tây, ông ấy nữa. Ông ấy, nữa, may mắn hơn.
(The New Yorker 5/10)
“It’s Sweet to Be Remembered”-Charles Wright
"Thật ngọt ngào để được nhớ" - Charles Wright
Chẳng ai được nhớ lâu hơn một tảng đá
là được nhớ nằm cạnh bên đường
Nếu cậu ta may mắn hoặc
Vài thanh điệu hoặc lời lỗ mãng
thốt ra khi niên thiếu hoặc trở lại ngày hôm nay.
Vẫn ngọt ngào làm sao khi tưởng tượng bé con một ngày nào đó
nhặt tảng đá lên và nắm chặt trong tay
một lúc trước khi liệng
sâu vào rừng nơi đốm mặt trời trên nhành cỏ cao.
(The New Yorker 28/10 issue)
Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2007
The Japanese Garden - Jean Valentine
Khu vườn kiểu Nhật Bản
đang được trồng lặng lẽ dốc đứng-
những hòn đá xanh ẩm mười một,
cây tre, và cây dương xỉ-
Nó dường như được tưới nước,
loài chim trở thành cá, ngả màu. Và em,
độc giả mang mặt nạ: tia sáng loáng qua
từ ngọn đèn dưới nước của em,
cái ôm gì dòng nước đen của em-
không để mua hay bán.
(The New Yorker 12/11 issue)
Visiting the Library in a Strange City-Franz Wright
Những ngôn từ tái hiện, chậm chạp
nổi lên
từ một điều chưa biết mênh mang
ngoài số trang sách rõ ràng
khi tôi ghé một toà nhà lớn
trống rỗng khách thăm
ngoại trừ tôi, đang đọc
những ý nghĩ của cái chết-
dịch chuyển với sự âu lo
cường điệu và chậm rãi giả tạo,
khi được giao nhiệm vụ dẫn
cậu bé mù vào lớp học
bốn mươi năm trước,
những hàng ghế phía dưới
giữa những tập sách bụi bặm, một tia sáng
tuyết bắt đầu rơi.
(The New Yorker 19/11 issue)
Cloudberries-Michael Longley
Hổ phách bùn lầy, món ngon xứ tuyết vĩnh hằng, ngon tuyệt
Những bông mâm xôi ngọt dần bởi cái lạnh,
Và xứng đáng với các cuộc chiến mâm xôi
(Chiến tranh ngoại giao, em yêu).
Hãy tưởng tượng chúng ta
Ở giữa những người thợ gặt, giữ khoảng cách
trong những cánh đồng rêu nước vào ngày dài nhất
Khi rạng đông và hoàng hôn như những tình nhân não lòng
Có thể hôn, như cổ tích, một lần mỗi năm. Ah,
Những nụ hôn ở tuổi chúng ta, những nụ hôn mâm xôi.
Ordinary Life-Adam Zagajewski
Cuộc sống thật bình thường,
tôi đọc trong tờ giấy nhàu nát
vứt lại trên ghế dài.
Cuộc sống thật bình thường,
các triết gia đã nói với tôi như thế.
Đời thường, những ngày thường và những âu lo,
buổi hoà nhạc, buổi đàm luận,
đi dạo ngoại vi thị trấn,
tin tốt, xấu –
nhưng những đồ vật và những ý tưởng
không biết kết thúc ra sao,
những bản nháp thô kệch.
Những ngôi nhà và những cái cây
đã khát khao điều gì nữa
và trong mùa hè những bải cỏ xanh rì
phủ đầy hành tinh núi lửa
như áo măng tô bập bềnh trên biển.
Những rạp phim đen ngòm thèm khát ánh sáng.
Những khu rừng thở hít cuống cuồng,
những đám mây ca hát nhè nhẹ,
chim hoàng anh cầu nguyện trời mưa.
Đời thường khao khát.
(Chuyển ngữ từ tiếng Ba Lan bởi Clare Cavanagh)
(The New Yorker 26/11 issue)
First Snow-Louise Glück
Như đứa trẻ, Trái đất sẽ ngủ say,
hoặc bởi câu chuyện này tiếp tục.
Nhưng con không mệt, đứa trẻ nói.
Và người mẹ trả lời, Con có thể không nhưng mẹ thì mệt rồi -
Chúng ta có thể nhận thấy điều đó trên gương mặt bà, ai cũng có thể.
Và tuyết đang rơi, cơn ngủ đang đến.
Bởi người mẹ chán ngấy cuộc sống của mình
và cần tĩnh lặng.
(The New Yorker 26/11 issue)
Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007
America by Allen Ginsberg
America ta cho mi tất cả và giờ ta chẳng là gì.
America 2 đôla 27 xen ngày 17/1/1956.
Ta hết chịu nổi ý nghĩ của mình.
America khi nào chúng ta sẽ ngừng cuộc chiến huỷ diệt loài người?
Mang bom nguyên tử cút mẹ mi đi.
Ta không thấy thoải mái đừng có làm phiền ta.
Ta không làm thơ cho đến khi tâm trí ta bình ổn.
America khi nào mi thánh thiện?
Khi nào mi sẽ lột bỏ hết quần áo?
Khi nào mi sẽ tự nhìn ngắm mình qua ngôi mộ?
Khi nào mi sẽ đáng giá với hàng triệu người Trotkyst của mi?
America tại sao các thư viện của mi đầm đìa nước mắt?
America khi nào mi sẽ gửi trứng tới Ấn Độ?
Ta chán ngấy những đòi hỏi mất trí của mi.
Khi nào ta có thể vào siêu thị và mua những thứ ta cần bằng vẻ bảnh trai của mình?
America cuối cùng mi và ta là hoàn hảo chứ không phải cõi âm.
Máy móc của mi quá thừa mứa với ta.
Mi làm ta muốn trở thành thánh.
Phải có cách khác để giải quyết tranh cãi này.
Burroughs đang ở Tangiers ta không nghĩ anh ấy sẽ trở về thât tai hại.
Mi tai hại thật hay đó là trò chơi khăm?
Ta đang cố nói toạc ra đây.
Ta cự tuyệt từ bỏ ám ảnh của mình.
America đừng đẩy nữa ta biết ta đang làm gì.
America những bông hoa mận đang rơi.
Ta không đọc báo trong nhiều tháng, mỗi ngày lại có ai đó hầu toà vì tội giết người.
America ta thấy thương cảm với những chàng Wobblies[1]
America ta từng là cộng sản khi bé và ta không hề hối tiếc.
Ta hút cần sa mỗi khi có dịp.
Ta ngồi trong nhà nhiều ngày đằng đẵng và nhìn chòng chọc đám hoa hồng trong kho.
Khi ta tới khu Chinatown ta say nhưng chẳng bao giờ phịch.
Khi ta đã quyết định là sẽ có rắc rối.
Mi nên thấy ta đang đọc Marx.
Bác sĩ tâm lý nghĩ ta hoàn toàn đúng.
Ta sẽ không cầu nguyện.
Ta có những ảo ảnh thần bí và rung động vũ trụ.
America ta vẫn không nói điều mi đã làm với Bác Max khi ông ta tới từ Nga.
Ta đang tuyên bố với mi.
Mi sẽ để cuộc sống tình cảm của mi do Tạp chí Time điều khiển?
Ta bị ám ảnh bởi Tạp chí Time.
Ta đọc nó mỗi tuần.
Cái bìa của nó chòng chọc nhìn ta mỗi khi ta lượn qua tiệm kẹo góc phố.
Ta đọc nó trong hầm Thư viện công cộng Berkeley.
Nó luôn nhắc ta về trách nhiệm. Lũ doanh nhân quan trọng. Lũ sản xuất phim quan trọng. Ai cũng quan trọng trừ ta.
Ta chợt nảy ý nghĩ ta là America.
Ta đang độc thoại lần nữa.
Châu Á đang trỗi dậy chống ta.
Ta không có cơ hội mong manh nhất.
Ta tốt hơn nên xem lại các nguồn lực quốc gia của mình.
Các nguồn lực quốc gia của ta gồm hai điếu cần sa hàng triệu cơ quan sinh dục một dòng văn chương cá nhân không thể xuất bản đang phóng 1.400 dặm/giờ và hainhămnghìn trại tâm thần.
Ta không nói về những ngục tù của ta và hàng triệu người thiếu đặc quyền đang sống trong chậu cảnh của ta dưới ánh sáng của năm trăm mặt trời.
Ta thủ tiêu các nhà thổ ở Pháp, Tangiers sẽ là điểm kế tiếp.
Tham vọng của ta là trở thành Tổng thống dù thực tế ta là tín đồ Công giáo.
America làm sao ta có thể viết kinh cầu nguyện trong tâm trạng xuẩn ngốc của mi?
Ta sẽ tiếp tục như Henry Ford các khổ thơ của ta sẽ đặc biệt như những chiếc ô tô của hắn hơn nữa chúng hoàn toàn khác giới
America ta sẽ bán cho mi những khổ thơ 2.500 USD/khổ rẻ 500 USD cho khổ thơ cũ kĩ của mi
America hãy trả tự do cho Tom Mooney
America hãy cứu lấy những kẻ Bảo hoàng Tây Ban Nha
America Sacco & Vanzetti không thể chết
America ta là lũ nhóc trong vụ Scottsboro.
America khi ta lên bảy mẹ mang ta tới các cuộc họp chi bộ Cộng sản họ bán cho chúng ta hạt đậu xanh một nhúm một vé một vé giá một cắc còn diễn văn thì miễn phí mọi người đều thánh thiện và thương cảm với công nhân tất cả đều thành thật mi không biết đảng tốt ở điểm nào năm 1935 Scott Nearing là một ông già vĩ đại một người tốt thực sự Mother Blood đã làm ta khóc ta từng nhìn thấy Israel Amter rõ ràng. Tất cả đều là gián điệp.
America mi không thực sự muốn chiến tranh.
America đó là bọn chúng những gã Nga tồi tệ.
Bọn chúng lũ Nga bọn chúng lũ Nga và bọn chúng lũ Khựa. Và bọn chúng lũ Nga.
Nước Nga muốn xơi tái chúng ta. Chính quyền Nga rồ dại. Ả muốn lấy xe của chúng ta ra khỏi gara.
Ả muốn chiếm Chicago. Ả muốn một Tạp san độc giả văn học Đỏ, ả muốn các nhà máy ô tô của chúng ta ở Siberia. Bộ máy quan liêu khổng lồ của gã muốn điều hành những trạm bơm xăng của chúng ta.
Điều đó không tốt. Ugh. Gã muốn bọn Anh-điêng biết đọc. Gã muốn lũ mọi đen to lớn. Hah. Ả muốn tất cả chúng ta làm việc mười sáu giờ một ngày. Cứu với.
America điều này hoàn toàn nghiêm túc.
America điều này là ấn tượng ta nhận thấy khi xem tivi.
America điều này đúng chứ?
Ta tốt hơn bắt tay vào việc ngay lập tức.
Thật lòng ta không muốn gia nhập Lục quân hay làm tiện trong các nhà máy cơ khí chính xác, ta cận thị và tâm thần nữa.
America ta đang ghé vai gầy vào guồng máy này đây.
Berkeley, 17/1/1956
[1] Wobblies – thành viên liên đoàn Công nhân thế giới (IWW)
Thứ Ba, 20 tháng 11, 2007
Haiku (Never Published) by Allen Ginsberg
Tôi uống trà
không đường-
không khác biệt
Cứt chim sẻ
lộn ngược
-à! óc tôi và trứng
Đầu lâu người Maya trên một
thân củi trôi dạt ở Thái Bình Dương
-Ngày nào đó tôi sẽ sống tại New York.
Lướt qua vai tôi
lưng tôi phủ đầy
hoa anh đào
Bài cú mùa Đông
tôi không biết tên
của những bông hoa này-giờ đây
khu vườn tôi không còn nữa.
Tôi đập con muỗi
và trượt.
Điều gì khiến tôi làm thế?
Đọc bài cú
tôi không vui,
thèm khát sự Vô danh.
Một con ếch bập bềnh
trong chai dược phẩm:
mưa mùa hè trên mặt đường lát xám.
(phỏng Shiki)
Trên hành lang
trong quần đùi;
ánh đèn ô tô trong mưa.
Một năm
đang qua-thế giới
không thay đổi.
Thứ đầu tiên tôi tìm kiếm
trong khu vườn cũ là
Cây Anh Đào.
Cái bàn cũ:
thứ đầu tiên tôi tìm kiếm
trong nhà mình.
Tạp chí cũ:
thứ đầu tiên tiên tôi thấy
trên cái bàn cũ.
Linh hồn mẹ:
thứ đầu tiên tôi thấy
trong phòng khách.
Tôi ngừng cạo râu
nhưng ánh mắt liếc nhìn tôi
vẫn đọng trên gương.
Gã điên
hiện ra từ những cuốn phim:
đường phố giờ ăn trưa.
Thành phố những gã trẻ
là trong huyệt mộ của họ
và trong thị trấn này...
Nằm với tôi
nơi trống rỗng:
hơi thở trong mũi tôi.
Trên tầng mười lăm
con chó đang gặm xương-
tiếng rít xe taxi.
Một gã nứng tình ở New York,
một nhóc con
ở San Francisco.
Mặt trăng trên mái,
sâu bọ trong vườn.
tôi thuê nhà này.
(nguồn: www.poemhunter.org)
Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007
Ruben Dario
Khi mùa thu
Tôi biết có những người sẽ hỏi: Tại sao anh không còn
hát với những âm vực hoang dại như trước đây?
Nhưng họ không hề thấy những nỗ lực trong một giờ
công trình trong một phút, những điều kỳ diệu trong một năm.
Tôi đã là cây cổ thụ, khi tôi đang lớn.
Rì rào âm thanh ngọt ngào, mơ hồ khi làn gió mơn man tôi.
Và thời khắc tuổi trẻ mỉm cười giờ đang trôi qua:
hiện tại, hãy để cơn bão cuốn trái tim tôi đi để hát!
Gửi Roosevelt
Giọng nói này sẽ đến với ông, Thợ săn, phải nói
bằng giọng Thánh kinh, hoặc theo lối thi ca của Walt Whitman.
Ông xưa cũ và hiện đại, giản đơn và phức tạp;
ông là một phần George Washington và một phần Nimrod.
Ông là nước Mỹ,
kẻ xâm lược tương lai của châu Mỹ thuần khiết chúng tôi
với dòng máu Anh-điêng, một châu Mỹ
vẫn thờ phụng Chúa và vẫn nói tiếng Tây Ban Nha.
Ông mạnh mẽ, tự hào với chủng tộc của mình;
ông học thức và năng lực, ông chống lại Tolstoy.
Ông là một Alexander-Nebuchadnezzar,
nuôi ngựa và giết hổ.
(Ông là một Giáo sư khoa Năng lượng,
như những kẻ rồ dại cho biết).
Ông nghĩ rằng cuộc sống là ngọn lửa,
rằng phát triển là sự xâm lăng,
rằng tương lai là bất cứ đâu
viên đạn anh bắn ra.
Không.
Nước Mỹ lớn lao và hùng mạnh.
Bất cứ khi nào nó rùng mình, sự rung chuyển thẳm sâu
lan toả đến tận xương sống dãy Andes hùng vĩ.
Khi nó cất tiếng, thanh âm như tiếng sư tử gầm gào.
Và Hugo đã nói với Grant: “Những ngôi sao này là của ông”,
(Mặt trời rạng đông của người Argentine lờ mờ sáng;
vì sao Chile đang mọc). Một đất nước giàu sang,
sùng bái Tiền tài và Sức mạnh;
trong khi Nàng Tự do, chiếu sáng con đường
để dễ dàng chinh phục, đỡ ngọn đuốc sáng bừng ở New York.
Nhưng người châu Mỹ chúng tôi, đã và đang có những thi sĩ
kể từ thời Nezahualcóyolt xa xưa;
nơi lưu giữ vết chân của thần Bacchus khổng lồ,
và từng học mẫu tự Panic,
và chiêm nghiệm những vì sao; cũng như biết tới Atlantic
(với cái tên vang vọng tới chúng tôi từ Plato)
và đang sống, từ thời khắc đầu tiên trong cuộc đời,
trong ánh sáng, trong lửa, trong hương thơm, và trong tình yêu –
châu Mỹ của Moctezuma và Atahualpa,
châu Mỹ thơm phức của Columbus,
châu Mỹ Công giáo, châu Mỹ Tây Ban Nha,
châu Mỹ nơi Cuauthémoc cao quý từng thốt:
“Ta không ở trong luống hoa hồng” – châu Mỹ chúng tôi
rung chuyển trong bão, rung chuyển trong Tình yêu:
Hỡi những kẻ với đôi mắt Saxon và linh hồn man rợ,
châu Mỹ chúng tôi đang sống. Và mơ mộng. Và yêu đương.
Và là con gái thần Mặt trời. Hãy cẩn trọng.
Châu Mỹ Tây Ban Nha muôn năm!
Một nghìn đứa con của sư tử Tây Ban Nha đang gầm thét.
Roosevelt, ông phải trở thành, theo ý nguyện của Chúa,
tay súng chết chóc và tên thợ săn xấu xa
trước khi ông có thể quắp chúng tôi trong những móng vuốt sắt.
Và dù ông có tất cả mọi thứ, ông vẫn thiếu một một điều:
Chúa!
from Selected Poems by Rubén Darío, translated by Lysander Kemp, University of Texas, Austin, 1988
Thứ Tư, 7 tháng 11, 2007
Tặng sụ im lặng của tôi bằng niềm hân hoan cuối cùng đột ngột từ bỏ kiếm tìm một mùa đông
nàng đáp
bằng không nói
rạc rải
đầu đông
lạnh không mùa
...
Thứ Ba, 6 tháng 11, 2007
Insult - Michael Ryan
Trước khi em đi anh đã yêu cầu
không do dự rằng em hãy cài
chiếc khuy kế tiếp trên áo
để thấy bộ ngực trần của em
từ góc vuông bên phải khi em quay
và cúi mình, một góc vuông hiếm hoi
tái sinh trong không gian thế giới thực
và rồi thứ cần thêm vào
là người đàn ông hấp dẫn hoang đưòng
với dục vọng bùng cháy không ngừng
(như anh) và đẩy em ngây ngất
tới bờ đam mê nhục dục em thường
với anh. Rõ ràng anh không biết
em có thể làm gì
với gã trai nào khác ngoài anh,
nhưng anh yêu em và em thân yêu ơi
ý nghĩ đó tràn trề trong anh
dù em tỏ tình yêu với anh
khiến ý nghĩ này lố bịch
ngay lúc bắt đầu. Anh xin lỗi
đã quá nặng lời. Sự ghen tuông của anh
là ghen tuông đôi lứa.
Nó muốn anh cô đơn.
(The New Yorker 5/11 issue)
©Time bản tiếng Việt
Nhịp Beat
nhịp beat nhịp beat nhịp beat
để xả cơn giận dữ
vì thèm khát một nhịp beat đen
đến điên người
ta cần một nhịp beat của ngày hôm qua
xa lắc xa lắc xa lắc
để vùi dập nỗi sợ
sợ vỡ sọ đụ vỡ sọ nỗi sợ
đến điên người
ta cần một nhịp beat du dương khi
người Neanderthans cầm rìu đá
bổ vỡ sọ một con khỉ đực
máu văng vào mặt
xương rắc vụn vặt
ta cần một nhịp beat để thấy ngày hôm qua
ngu ngốc hơn ngày hôm nay
đần độn hơn ngày mai
phi lý mềm mại
rồ dại thanh xuân
ai cũng thèm một nhịp beat
giải phóng một bài thơ
ghi vội cảm xúc khi làm
tình tối qua trong giấc mơ
bẩn thỉu. Một nhịp beat
lạc loài trong một đàn nhịp
beat beat beat beat beat beat
đều
đặn
ta cần một nhịp beat ta đập tan
sọ mình theo nhịp beat nhịp beat
để thấy máu mắt chầm chậm chảy
ngược vào trong nhãn cầu trợn ngược
ôi cứt ôi cứt cứt đẹp
ta cần một nhịp beat để bộ xương
còm cõi tự vỡ vụn tự vỡ
thành từng mảnh vụn găm trên
vách
và nỗi thèm khát một nhịp beat
được đóng đinh như một kỉ niệm
chương danh giá một thời một khắc
tôi, một nhịp beat không màu, tự động nhão nhét trong sự tái sinh tuần hoàn
của cơn mưa thưa thớt tháng Mười Một.
Và sự thèm khát một nhịp beat đen của những gã trai đàng điếm
bất lực
trong nhịp beat
hình như
vô cảm
...
beat
Man and Derailment-Dan Chiasson
Khi người đàn ông dẫn con mình xuống hẻm núi
để nhìn, phía bờ bên kia,
một con tàu vừa gặp nạn,
máy xúc và cần trục, thứ cậu bé chỉ thấy
qua bức tiểu hoạ, giờ đây to lớn, kéo theo
những toa tàu cỡ thật ra khỏi hẻm sâu,
bên trong cái đầu cỡ thật của bé con trầm lặng
tự hỏi sẽ ghi nhớ cảnh tượng này thế nào
và, cậu biết cha hiểu nhiều điều hơn, sau này,
và sau này, khi tự nhận biết nhiều hơn, cậu hiểu điều đó nghĩa là gì.
(The New Yorker 28/10 issue)
©Time bản tiếng Việt
Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2007
Wanting Sumptuous Heavens-Robert Bly
Không có tiếng càu nhàu giữa bầy hàu,
Và đàn tôm chơi guitar xương suốt mùa hè.
Chỉ chúng tôi, với ngón tay cái chống đối, muốn
Thiên đường là đây, và Chúa tới, lần nữa.
Sự càu nhàu vô tận, chúng tôi muốn
Mặt đất phong lưu và Thiên đường lộng lẫy.
Nhưng con diệc đứng một chân trong bãi lầy
uống thứ rum đen kịt mỗi ngày, và thoả mãn.
(The New Yorker 5/11 issue)
©Time bản tiếng Việt