Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

Mang Ke - (Stepen Haven)

Mang Khắc (Mang Ke) - Stephen Haven

Lần đầu tiên tôi nghe nói đến nhà thơ Mang Khắc là khi đến thăm Đại học Hắc Long Giang (Heilongjiang), tỉnh Cáp Nhĩ Tân (Harbin), Trung Quốc, vào tháng 12/1990 theo lời mời của Vương Thủ Nhất (Wang Shouyi), nhà thơ, nhà phê bình và là chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ trường đại học này. Trong năm đó, tôi là giảng viên mời của chương trình Fulbright về văn học Mỹ tại Đại học Nhân dân Bắc kinh, và bắt đầu một loạt công việc cộng tác với Kim Chung (?) (Jin Zhong) chuyển ngữ các tác phẩm thi ca của Moi Fei, Vương Gia Tân (?) (Wang Jia-xin), và Đa Đa (Duo Duo). Jin Zhong, sau này sống ở Bắc Kinh, khi đó tình cờ có mặt tại Hắc Long Giang, vốn là cựu học trò của Vương Thủ Nhất.

Trong tuần đầu tiên ở Hắc Long Giang, tôi không chỉ biết và bắt đầu cộng tác dịch thuật với Vương Thủ Nhất, mà ông còn giới thiệu tôi đến với các bài thơ của Mang Khắc, dù không trực tiếp qua nhà thơ. Điều không có gì ngạc nhiên. Khi đó là cuối năm 1990 và vụ thảm sát Thiên An Môn (Tiananmen) vừa diễn ra cách đấy 18 tháng. Trong bối cảnh chính trị bất ổn tại Trung Quốc lúc ấy, nhiều trí thức và nghệ sĩ nước này gần như tránh tiếp xúc với người phương Tây. Do vậy, khi quay lại Bắc Kinh, tôi phát hiện Mang Khắc đang sống tương đối biệt lập, theo lời Jin Zhong, ông đã quyết định ẩn dật. Trong thời điểm đó tôi không biết, và đến tận bây giờ vẫn không rõ, liệu sự ẩn dật của ông là tự nguyện hay bị ép buộc. Tuy nhiên, trong lúc nhiều nhà thơ nổi tiếng khác thuộc thế hệ ông như Bắc Đảo (Bei Dao), Cố Thành (Gu Cheng) và Đa Đa đã lưu vong, Mang Khắc vẫn ở lại.

Dù không thể gặp trực tiếp Mang Khắc, song khoảng 5 năm rưỡi sau đó, cuối cùng tôi đã thật sự bắt đầu công việc dịch thơ ông, một lần nữa nhờ chương trình Fulbright. Từ năm 1990 đến 1996, Vương Thủ Nhất và tôi thường xuyên liên lạc qua điện thoại và thư tín. Sau đó, đến năm 1996, tôi đã có thể mời Thủ Nhất tới Đại học Ashland theo chương trình Fulbright (Fulbright Scholar in Residence). Một phần dự án của chúng tôi trong chương trình Fulbright kéo dài một năm của Thủ Nhất là xuất bản thành sách tập bản thảo chuyển ngữ thơ Mang Khắc và Cố Thành. Trước khi rời Trung Quốc đến Mỹ, Thủ Nhất đã tới Bắc Kinh gặp Mang Khắc và mang về một bản sao tuyển tập thơ của ông. Sau đó, trong suốt niên khoá 1996-1997, nhờ việc Thủ Nhất sống rất gần Ashland, bang Ohio, nên ông và tôi bắt đầu công việc chậm rãi, và duyệt lại nhiều lần, khoảng 40 trang chuyển ngữ các bài thơ của Mang Khắc và Cố Thành.

Đối với sự công nhận rộng rãi của xã hội, việc Mang Khắc không nổi tiếng trong nền thi ca đương đại Trung Quốc (điều này, theo cách nhìn phương Tây) có liên quan tới sự ẩn dật của ông thời kỳ hậu Thiên An Môn. Mặc dù nhiều bài thơ chuyển ngữ của Mang Khắc đã xuất hiện trong các hợp tuyển thi ca Trung Quốc của Mỹ, song các dịch giả và nhiều biên tập viên phương Tây vẫn chưa nhìn nhận các tác phẩm của Mang Khắc tương xứng với vị thế của ông ở Trung Quốc. Ở đó, ông rất nổi tiếng, Khi còn là chủ bút, Mang Khắc và Bắc Đảo đã đồng sáng lập tạp chí văn học tiếng Hoa Kim Thiên (Jintian-Today), tập trung phần lớn sự quan tâm tới Phong trào Bức tường Dân chủ (Democratic Wall Movement) tại Trung Quốc những năm cuối 1970. Tuy nhiên, đối với phương Tây, Bắc Đảo nổi tiếng hơn Mang Khắc một phần do Bắc Đảo học nói tiếng Anh và sống ở nước ngoài, và phần khác do ông tiếp tục làm thơ. Năm 1997, khi tôi quay lại Bắc Kinh lần thứ hai theo chương trình Fulbright, Mang Khắc đã bắt đầu viết trở lại với hầu hết các tác phẩm là văn xuôi, bởi thị trưởng văn học Trung Quốc khi đó đang quan tâm tới các tiểu thuyết gia và ông muốn làm ra tiền để nuôi gia đình mình.

Cuối cùng, một vài lời về bài thơ “Cây liễu” (Willow) được tôi viết như là để kỷ niệm một phần nào việc thi ca đang hấp dẫn trở lại trên văn đàn Trung Quốc. Thi ca là vua trong các loại hình nghệ thuật tại Trung Quốc, một phần bởi nó hoà trộn rất nhiều khía cạnh cảm giác của người nghệ sĩ (tai, mắt, các giác quan khác và tinh thần). Thi ca cũng hoà trộn nhiều yếu tố của các ngành khác (âm nhạc, tôn giáo, lịch sử, lịch sử mĩ thuật, triết học) trong một quan điểm mĩ học. Theo truyền thống, các nhà thơ được cho không chỉ có học vấn cao mà còn giỏi thư pháp và là nhạc sĩ. Một quan điểm còn nhận định thi ca cận đại Trung Quốc chính là hình thức nghệ thuật hàm chứa tất cả các loại hình nghệ thuật khác.

Tại nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc hiện đại, tinh thần thi ca đang trở nên phổ biến tại khu vực đô thị. Điều này là do Đỗ Phủ (Du Fu) và Lí Bạch (Li Bai), hai nhà thơ nổi tiếng nhất Trung Quốc, từng sinh sống tại khu vực Tây Nam, nơi có rất nhiều tre và liễu, người Trung Quốc coi tinh thần thi ca sẽ hiện diện tại bất cứ nơi nào hai loại cây này mọc gần nhau. Theo mạch đó, bài thơ của tôi coi liễu là loài cây biểu tượng quốc gia của Trung Quốc. Và, có thể tốt hoặc xấu hơn, với xu hướng định giới tính cho mọi vật kiểu Mỹ, cây liễu trong thơ tôi tiêu biểu cho tính nữ, cây tre là tính nam. Sự kết hợp tình ái giữa chúng đang tạo ra thi ca, sản sinh ra trời và đất --Ashland, Ohio, December 14, 2002

Liễu (Stephen Haven)

Toàn Trung Hoa một hàng liễu vàng-xanh
Khi anh băng qua-
thướt tha, váy rủ, cành mềm

và vàng, xào xạc vẻ yêu kiều
trong gió-ve vuốt
toàn bộ con nguời anh.

Người Hán vô cùng kín đáo
khi yêu tán lá này: cây cô độc
chiếc lọng của hàng

nghìn năm thi ca.
Bản chất là
một phong tục, một cử tri

nhẹ nhàng trong biển bê tông -
công viên này, hàng liễu này,
những cây tre mọc gần đấy,

như thể mãi mãi buông mành
dưới hàng cây này
Lí Bạch vẫn nổ bùng

cảm xúc thuần khiết sau một ngụm rượu.
Và nếu anh lắng nghe
anh có thể gần như lắng nghe được ông:

cây tre, cây tre, những chồi non xanh
của đất, trời khi ve vuốt
những vạt váy vàng kia!

Không có nhận xét nào: