Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

INTERVIEWING DUO DUO, THE POET OF THE CLOUDS

Phỏng vấn Đa Đa (Duo Duo), nhà thơ của những đám mây
(Viết như là một lời húa - Duo Duo)

Fabio Grasselli (FG): Genzi (?) khẳng định rằng mỗi thanh niên là một nhà thơ, ông có tin rằng mọi nhà thơ có thể giữ được thanh xuân mãi mãi?

Đa Đa (ĐĐ): Dĩ nhiên, điều đó có thể... hoặc thậm chí là tốt hơn, một nhà thơ sẽ mãi là đứa trẻ, thuần khiết, tràn đầy niềm tin và ngơ ngác trước thực tế cuộc sống; một thanh niên trên thực tế quá xốc nổi, anh ta muốn trở nên độc đoán, anh ta khắc nghiệt...

FG: Trong thơ ông, sự tĩnh lặng thường là đề tài trọng tâm, ông đã hình thành ý tưởng này thế nào, ông quan niệm điều đó ra sao?

ĐĐ: Ồ, sự tĩnh lặng... Tôi nghĩ rằng sự tĩnh lặng giờ đây đang trở nên quan trọng hơn: tôi đang già. Sự tĩnh lặng đồng nghĩa với sự hài hoà bên trong, anh tin tưởng điều gì đó, anh có niềm tin và anh có sinh lực và sức khoẻ. Tuy nhiên, sự tĩnh lặng rất khó để đạt được, để... Tôi nghĩ rằng thi ca không chỉ là công việc viết lách, có gì đó sau nó, đối với tôi đó là tôn giáo và tôi nghĩ tôi là một tín đồ.

FG: Ông có nghĩ rằng thi ca có thể bao hàm chức năng phân tâm học tự động (auto-psychoanalitic)?

ĐĐ: Tinh thần (The Inner), theo quan điểm của tôi, không chỉ là tâm lý học, theo lý thuyết của Freud. Tôi thích biện giải của Jung hơn; với tôi Tinh thần bao hàm tất cả, thân thể, trí tuệ và tâm hồn. Khi có thể kết nối chúng lại, bạn sẽ có được sinh lực, và bạn có thể bắt đầu viết.

FG: Ông có bao giờ cảm thấy khao khát viết theo những bài thơ theo phong cách cổ điển không?

ĐĐ: Anh biết đấy: thứ nhất, thi ca Trung Hoa cổ điển đã đạt đến đỉnh cao, không ai có thể trèo lên cùng một đỉnh núi, với một phương thức tương tự; thứ hai, có sự khác biệt sâu sắc giữa tiếng Hán cổ và hiện đại do vậy chúng tôi không thể sử dụng thể "văn ngôn" (wenyan), những nhà thơ đương đại chỉ có thể sử dụng thể "bạch thoại" (baihua).

FG: Đạo giáo (Taoism), và đặc biệt là Đạo đức kinh (Dao De Jing) ảnh hưởng bao nhiêu đến sự hình thành con người ông?

ĐĐ: Thực sự không nhiều lắm. Tôi chưa từng đọc Đạo đức kinh; tôi nghĩ lý do là thế hệ chúng tôi chưa bao giờ nhận được một nền giáo dục đầy đủ, cả ở trong trường đại học lẫn trung học. Trong thời kỳ cách mạng văn hoá, chúng tôi về nông thôn. Theo quan điểm của tôi, đó thật sự là điều đáng tiếc: văn học, triết học và thi ca Trung Hoa rất rộng lớn... tôi đọc một số, nhưng không nhiều, giống như đa phần người dân Trung Quốc, và giờ đây tôi nghĩ rằng hiện tại chính là thời điểm để đọc Đạo đức kinh...

FG: Thiền phái (Zen) có ảnh hưởng đến các bài thơ của ông không?

ĐĐ: Không nhiều lắm, nhưng chắc chắn là hơn Đạo giáo; tôi đánh giá cao Thiền phái; tôi nghĩ rằng nó thật sự quan trọng để đọc, nhưng tôi nghĩ điều còn quan trọng hơn đó là tự tập luyện thứ gì đó. Ví dụ như tôi đang tập thiền kiểu Trung Quốc, hoàn toàn tương tự (như Thiền phái); Tôi cũng đang theo đuổi cách khác để đạt Thiền. Thật sự tôi không biết “Thiền” là gì nhưng tôi có thể khẳng định là tôi biết gì đó...

FG: Thời kỳ nào trong cuộc đời ông cảm thấy tràn trề năng lực sáng tạo nhất?

ĐĐ: Rất nhiều giai đoạn... nhưng nếu tôi phải chọn một, tôi chọn những năm đầu thập kỷ 1990. Trong thời kỳ đó, tôi cảm thấy có sức mạnh nội tại mãnh liệt và tôi không thể kiểm soát nó; trong khi giờ đây tôi có thể. Ngày nay, thực tế, tôi cảm thấy bình ổn, tĩnh lặng, tôi không giận dữ với thế giới, tôi không buồn. Và tôi nghĩ rằng nỗi buồn chứa đựng nguồn năng lượng khổng lồ, và khi bạn hít thở nguồn năng lượng khổng lồ này, bạn tìm thấy hàng nghìn ngôn từ mà bạn muốn truyền đạt tới mọi người, và khi không ai có thể nói chuyện với bạn, bạn cần phải viết. Tôi nghĩ rằng những quãng thời gian buồn chán sẽ thanh tẩy tâm hồn (hearth?), và khi đó bạn thường phát hiện ra mình cần phải tin vào Chúa trời. Như tôi đã nói, có nhiều thời điểm cảm hứng sâu đậm, ví dụ như trong những năm đầu tiên: tôi đã rất thích thú, đó là điều kì diệu. và khi tôi đọc những bài thơ của mình, tôi tự hỏi ai đã viết chúng. Tôi chưa từng mơ mộng, tôi chưa từng nghĩ, tôi chưa từng cố để trở thành một nhà thơ. Sau đó, khi mọi người gọi tôi là “nhà thơ”, tôi cảm thấy buộc phải viết, tôi phải viết những bài thơ mới, và tôi nghĩ: “ôi không, ta 40 tuổi, ta 50 tuổi, ta đang ở giai đoạn cuối của sự nghiệp!”, đây là điều tồi tệ nhất, mất cảm hứng sáng tạo. Và sau đó tôi tự nhủ: “mi chẳng là gì hết, mi là đàn ông, mi chỉ là một người đàn ông, một người đàn ông đang già, nhưng điều đó không thành vấn đề” và điều gì đó quay trở lại với tôi. Trong những năm gần đây, tôi đang sống trong thời kỳ sáng tạo mới, tôi đang già; trong quá khứ tôi từng là nạn nhân của áp lực, giờ thì ok. Năm nay là một năm tốt; từ châu Âu tôi trở về Trung Quốc, tôi nói ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, và mọi thứ trở nên suôn sẻ hơn, nhanh chóng hơn, tôi nhận được nhiều thông tin hơn. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng đó là khoảng thời gian buồn bã, anh đang đạt tới đỉnh điểm, anh đang chạm tới những độ sâu xa cách (remote deepneses?)

FG: Mùa nào trong năm ông cảm thấy nhiều cảm hứng hơn?

ĐĐ: Trước đây thường là mùa thu, tuy nhiên hiện tại là mùa xuân, anh biết tại sao không? Đó là bởi tôi đang già. Thời tiết Bắc Âu thật sự lạnh cóng, tôi từng thử làm việc trong cả mùa đông song không đạt kết quả tốt, và khi mùa xuân về, tôi cảm thấy nguồn năng lượng mới đang đến và tôi lại bắt đầu viết. Giờ đây ở đảo Hải Nam (Hainan), ngày nào cũng là mùa xuân; đó là điều khác biệt, rất khác biệt.

FG: Ông có tin rằng “nàng thơ” có thể đến từ thứ gì đó bên ngoài con người của nhà thơ?

ĐĐ: Tôi không tin tôi có niềm tin vào “nàng thơ”, tôi cảm thấy mình liên hệ trực tiếp với Chúa trời, không qua các trung gian. Tôi chưa từng nghĩ về “nàng thơ”, và nếu chỉ có cách khác để gọi điều tương tự, cũng không thay đổi được điều gì: theo tôi, viết là một cách để nâng cao phẩm giá, thi ca thực sự là xiển dương tâm hồn mỗi ngày. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy mình giống như một thầy tu, đó như là công việc của tôi, tôi cần nhiều thời gian và cô đơn hơn, nếu cảm xúc không tới, tôi không ép buộc nó, tôi ngừng lại và chờ đợi. Khi tôi còn trẻ tôi đã cố cưõng ép, tôi uống rượu và cứ thế... đó là không phải là cách đúng đắn để có cảm hứng, nhưng tôi thực sự đã làm thế. Tôi nghĩ thi ca là tự nhiên, hài hoà, đúng mực và tươi sáng; đó không phải là ngôn ngữ, nâng cao phẩm giá tâm hồn là điều quan trọng nhất. Tôi tin tôi đã làm điều đó trong 30 năm, thi thoảng tôi thất bại, thi thoảng tôi thành công, song điều đó không thành vấn đề. Khi tôi còn trẻ, tôi luôn nghĩ mình có thể đối mặt trực tiếp với Chúa trời, nhưng đây không phải là cảm xúc đúng đắn: nếu bạn đối mặt với Chúa trời, bạn không thể viết; khi bạn viết, Tự thân Chúa trời đang ở trong bạn, bạn là Chúa trời. Tuy nhiên bạn phải chờ đợi, bạn phải kiên nhẫn, thư giãn, bình thản và tĩnh lặng, bạn phải để suy nghĩ của mình thăng hoa (in the Sublime?) và tan chảy cùng nó. Ai đó có thể nói tôi chẳng làm gì trong nhiều ngày, nhưng thực tế là tôi đang làm, tôi làm rất nhiều...

FG: Với ông Chúa trời là gì?

ĐĐ: Tôi cảm nhận được Chúa trời ngay từ khi còn trẻ; tôi không biết đích xác khi nào tôi bắt đầu có tin tưởng, có thể là khi tôi bắt đầu viết, đó thời điểm tôi gặp Người. Có thể bởi bản thân công việc viết lách là một cách để gặp Người. Vậy cụm từ “cảm hứng” có nghĩa là gì? Trong thời điểm đó, tôi rất trong sáng hay ai khác cũng rất trong sáng, tuy nhiên ai khác chính là tôi. Tôi là nhiều người. Nhưng điều đấy là nó ư? Không hoàn toàn. Tôi cảm thấy điều gì đó khác, và đấy mới là sự khởi đầu. Nhiều năm trôi qua, và niềm tin ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Không có niềm tin tôi sẽ bị tiêu diệt, bởi chủ nghĩa vật chất, hay thứ gì khác. Do vậy tôi tin rằng Tinh thần, Tinh thần sâu thẳm nhất, là quan trọng; làm thơ với tôi luôn là một hành trình; khi bạn bắt đầu viết, bạn đối mặt với ai đó, nói chuyện với ai đó. Tôi chưa từng nói là tôi làm thơ cho một độc giả mơ hồ nào đó (hypothetical reader), hay ai khác đặc biệt, không bao giờ; tôi viết cho mình? Tôi không tin thế. Vậy tôi viết cho ai, cho ai? T.S. Eliot khẳng định rằng có ba kênh giao tiếp: nói với ai đó, độc thoại và nói với Chúa trời. Tôi nghĩ không phải nghi ngờ điều này. Nhưng Chúa trời là ai? Chúa trời nào? Chúa trời của người Công giáo hay Chúa trời nào khác, không thành vấn đề: Đó là thứ gì khác cao hơn, chỉ có vậy. Tôi tin nhưng tôi không đến nhà thờ, tôi thích nhà thờ nhưng tôi không muốn phụ thuộc vào nó.

FG: Phụ nữ...

ĐĐ: Phụ nữ luôn luôn quan trọng. Về cơ bản, mọi vấn đề đều có căn nguyên thực sự xuất phát từ phụ nữ, luôn luôn thế. Chắc chắn họ liên quan nhiều đến cuộc sống của tôi cho dù các bài thơ không trực tiếp dành cho phụ nữ, các bài thơ tình chỉ chiếm số ít. Tuy nhiên lí do bạn viết thật sự quan trọng hơn bản thân việc viết lách. Nếu bạn có những lí do mạnh mẽ, bạn có thể viết. Tôi có hầu hết những lí do này từ những vấn đề với phụ nữ, cho dù tôi viết về phong cảnh về thiên nhiên hay những vấn đề to lớn trên thế giới. Tôi nghĩ rằng khi bạn già bạn không còn quá xứng đáng để làm thơ tình. Tôi tin những vấn đề giữa đàn ông và đàn bà là một trong hằng hà sa số bộ mặt của sự va chạm giữa Âm (Yin) và Dương (Yang), đang điều khiển vũ trụ này; thi ca cứu rỗi bạn. Tôi đã yêu, tôi đã khao khát, tôi đã quý mến phụ nữ nhưng tôi cũng cảm thấy giận giữ, thù oán họ, giống như bất kỳ ai.

FG: Âm nhạc...

ĐĐ: Tôi nghĩ âm nhạc thực sự là một dạng thức của thơ tôi, về mặt cấu trúc. Tôi chọn âm nhạc để tổ chức ngôn ngữ. Tuy nhiên âm nhạc có nhiều hình thái, nhiều thể loại nhạc, nhiều giai điệu. Tôi không thể làm thơ theo phong cách cổ điển, nhưng điều đó không có nghĩa tôi quên những chủ đề của nó... Mỗi bài thơ có nhịp sinh học riêng, mọi bài thơ đều khác biệt. Mỗi người có một nhịp điệu riêng, và bạn phải tự để mình trôi theo nó. Mỗi cách viết có một nhạc tính riêng. Dù sao, tôi khẳng định rằng nhạc tính của tôi là của một ca sĩ, tôi không phải là tay chơi dương cầm, tôi đã thử, nhưng về cơ bản tôi là ca sĩ, một ca sĩ cổ điển, tôi ghét micro, tôi yêu những giọng nam cao.

FG: Những bài thơ thời kỳ đầu của ông thường về đêm tối, phải chăng ban đêm là giai đoạn cảm hứng nhất của ông?

ĐĐ: Câu hỏi hay; tôi từng làm việc vào nửa đêm, tôi hoàn toàn cô đơn, thời gian dường như chậm lại, chỉ có tĩnh mịch, yên bình, lặng im và việc viết lách trở nên sâu sắc hơn. Tuy nhiên hiện tại tôi làm việc vào buổi sáng, tôi đang thay đổi, mọi thứ đang thay đổi. Sau tuổi 45, nếu tôi làm về đêm tôi sẽ mất sinh lực, tôi cảm thấy mỏi mệt mỗi khi thức dậy. Tuy nhiên, viết vào buổi sáng thật khác biệt, ban ngày ít có cảm hứng hơn đêm. Ban ngày tôi thu nhặt ý tưởng, nhưng chiều tối vẫn là thời khắc của sáng tạo.

FG: Sự giao thoa giữa mặt đất và bầu trời là một nguồn cảm hứng của ông, ông cảm thấy điều đó như thế nào?

ĐĐ: Tôi chưa từng nghĩ về một sự giao thoa thực sự giữa bầu trời và mặt đất. Tôi nghĩ rằng bầu trời đầy mây tạo cảm hứng cho tôi nhiều nhất, khi cơn gió mang những đám mây đi. Mây đồng nghĩa với tự do, những cuộc hành trình. Tôi có thể cảm nhận nhiều thứ từ các đám mây đó, khi còn bé tôi đã bắt đầu ngắm nhìn rất lâu những đám mây thay đổi hình dạng. Về mặt đất, anh biết đấy tôi là người Trung Quốc, người Trung Quốc, giống như người Đức, yêu đất đai, họ nhiều đời là nông dân, chúng tôi đương nhiên yêu đất đai tha thiết .

FG: Ông nhìn nhận tương lai thi ca Trung Quốc ra sao?

ĐĐ: Tương lai thế giới không có những bảo đảm, không ai biết được điều gì. Tôi lo lắng về chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tư bản, văn hoá bình dân (pop culture), chúng đang giết chết thi ca. Tôi không cho rằng văn hoá bình dân là hoàn toàn xấu, cũng có thứ tốt, những thứ bạn có thể đánh giá cao, tuy nhiên tôi đang cố bảo tồn lịch sử thi ca, đó là lí do vì sao tôi dạy học, tôi đang truyền đạt trải nghiệm của tôi đến các sinh viên, đến những thế hệ mới, tôi đang cố hết sức mình.

FG: Ông sẽ so sánh những bài thơ của ông với yếu tố thiên nhiên nào?

ĐĐ: Những đám mây. Không phải lửa, không phải nước, không phải gỗ, không phải kim loại, không phải không khí. Đó là một đám mây.

Không có nhận xét nào: