Thứ Tư, 8 tháng 8, 2007

Burmese literature off the map

Nền văn học Burma “biến mất” trên bản đồ thế giới
(Kyi May Kaung, Asia Times Online, 26/7)

Burma (Myanmar) đã và đang trở thành một lựa chọn thú vị đối với những tiểu thuyết gia người nước ngoài muốn tìm kiếm một nơi có ít nhiều sự hiểm nguy. Tiểu thuyết “The Piano Tuner” (tạm dịch: Người lên dây dương cầm) của Daniel Mason đề cập tới thời kỳ thuộc địa của Burma. Trong khi đó, một linh hồn chu du khắp Burma, thuật lại câu chuyện “Saving Fish from Drowning” (tạm dịch: Cứu lấy loài cá khỏi bị chết đuối) của Amy Tan.
Tiểu thuyết “The Lizard Cage” (tạm dịch: Lồng nhốt thằn lằn) của Karen Connelly là câu chuyện hư cấu về một nhà hoạt động chính trị. Còn “The Glass Palace” (tạm dịch: Cung điện thuỷ tinh) của Amitav Ghosh mô tả về cung điện của vị vua cuối cùng. Những cuốn sách trên đã đưa tác giả của nó - trong đó nhiều người như Amy Tan đã sống ở đó (Burma) trong thời gian dài - vào danh sách những best-seller.
Tất cả những người bạn của tôi mà không phải là người Burma đều yêu thích các tác phẩm này, thậm chí rất thích. Tuy nhiên, tôi lại thấy chúng khá nhạt và không đủ sức thuyết phuc, có lẽ bởi tôi là người Burma chính gốc. Với mảng tiểu thuyết của các tác giả ngoại quốc, tôi thích thế hệ trước đó hơn - như tác phẩm “She was a queen” (tạm dịch: Cô ấy là Nữ hoàng) và “Siamese White” (tạm dịch: Người Thái trắng) của Maurice Collis và “The Lacquer Lady” (tạm dịch: Quý cô sơn mài) của F.Tennyson Jesse.
Tuy nhiên, (theo tôi) những báu vật thật sự của nền văn học Burma còn đang được chuyển ngữ và xuất bản tại Mỹ.
Những papillons [1] của Burma
Trong thập kỷ 1970, Chính phủ Burma đã bắt giữ các chính trị gia chống đối và ban đầu giam cầm họ tại Nhà tù Insein ở thủ đô Rangoon (Yangon), rồi lưu đầy họ tới quần đảo Coco ở vịnh Bengal. Trong số những người bị bắt có hai nhà văn nổi tiếng. Một người là cố nhà văn vĩ đại Mya Than Tint, người đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng sang tiếng Burma như War and Peace (Chiến tranh và Hoà bình), Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió) và The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh).
Khi ông qua đời năm 1998, một phát thanh viên người Burma đã tuyên bố “lẽ ra Mya Than Tint có thể đã trở thành nhà văn tầm cỡ thế giới nếu như ông không bị giới chính trị Burma đàn áp bằng cách hạn chế dề tài và buộc phải ông làm công việc dịch thuật”.
Thế nhưng, Mya Than Tint đã làm như thế, khi viết cuốn tiểu thuyết trứ danh “Over Mountains of Knives, I’ll cross the Ocean of Flames” (tạm dịch: Vượt núi dao, tôi sẽ băng qua biển lửa). Đối với hầu hết độc giả Burma thì tiểu thuyết này được biết đến dưới cái tên thân mật hơn, Dah Taung (Núi dao). Trong Dah Taung, một anh hùng theo chủ nghĩa xã hội có tên Than Chaung (Roi sắt) bị mắc kẹt trong vụ đắm tàu và trôi dạt vào một hòn đảo với bè bạn.
Mya Than Tint viết trong lời đề tựa cuốn sách thứ bảy này rằng trong tất cả những tác phẩm ông từng viết, Dah Taung là thành công nhất và được viết thoải mái nhất. Ông sáng tác trong hai tuần và luôn cảm thấy hạnh phúc khi viết Dah Taung. Ông cũng viết rằng Than Chaung, người hùng, dựa trên nguyên mẫu có thật về cuộc sống của một đồng chí của ông trên quần đảo Coco, Mahn Nyein Maung, người dân tộc thiểu số Karen, sau đó gia nhập phong trào du kích vũ trang và nay là một lãnh đạo cao cấp của Liên minh quốc gia Karen (KNU).
Khi còn trẻ, Mahn Nyein Maung có hình thể lực sỹ và rất khoẻ mạnh. Trong tác phẩm Dah Taung, nhân vật chính này biết bơi nên đã sống sót sau vụ đắm tàu, cũng như có thể trèo cây dừa dễ dàng ... Tuy nhiên Dah Taung cũng là cuốn tiểu thuyết có nhiều nhược điểm, dường như không có cốt truyện và nhân vật anh hùng thì quá tốt và được ca ngợi theo khuôn mẫu.
Cũng có thể do tôi đang trở thành một độc giả quá “Tây”. Từ sự miêu tả hình dáng và cơ bắp cuồn cuộn của Than Chaung, tôi có cảm tưởng như nhân vật người kể chuyện có tình cảm luyến ái đồng tính với nhân vật anh hùng này. Điều đó cũng có thể có hoặc có thể không quá cường điệu trong bối cảnh Burma hiện tại. Chúng ta chưa từng biết đến một tác phẩm của người Burma nào đề cập tới đề tài đồng tính, mặc dù có nhiều người đang hoạt động trong phong trào dân chủ ở hải ngoại đã công khai mình là đồng tính nam hoặc nữ.
Nhà lãnh đạo du kích Mahn Nyein Maung sau đó cũng sử dụng chất liệu tương tự trong cuốn hồi ký cá nhân “Against the Storm, Across the Waves” (tạm dịch: Vượt qua gió bão). Ông được gọi là “the Papillon of Burma”. Đó là một sự biểu đạt thích hợp. Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng vụ bắt bớ nhân vật Mahn Nyein Maung tại một tiệm trà và áp giải tới Insein, nơi có tên chỉ huy tình báo quân đội khét tiếng Shwe Myet Hman với biệt danh Gọng kính vàng, thường đích thân lĩnh trách nhiệm tra tấn tù nhân.
Tù nhân nơi đây bị đánh đập bằng roi nhựa dẻo màu xanh nhập khẩu từ Singapore, loại roi khét tiếng về sự đau đớn mà nó gây ra. Rồi những tù nhân này, với vết toác da nhằng nhịt ở lưng, bị bắt nằm úp mặt xuống bàn, và Gọng kính vàng nhỏ nhẹ nói, “Nào hãy xoa thuốc lên lưng anh ta”. Ngay lập tức, một viên phụ tá lỗ mãng hất cả xô nước muối lên lưng người tù nhân nọ.
Từ sự khởi đầu hấp dẫn này, tiểu thuyết-tự truyện liên tục dẫn dắt độc giả hết cảnh này đến cảnh khác bằng cách “chộp gáy” họ. Có nhiều cảnh sinh hoạt điền viên trên quần đảo Coco, nơi tù nhân chặt cây cọ, tìm trứng rùa, học cách làm bè từ một bài báo viết về cuốn sách Kon-Tiki[2] trong một tạp chí ở thư viện nhà tù, và họ đã bơi đến chỗ con tàu Aristotle Onassis bị đắm để tìm kim loại mài thành dao. Đây đó trong nội dung câu chuyện đầy kịch tính được so sánh như là ngồi trên chiếc roller-coaster với đoạn kết đầy bất ngờ, bạn cũng có thể tìm thấy vài điểm thú vị như công thức làm món bánh nướng kỳ diệu với 100 quả trứng rùa biển.
Năm 2001, tôi đã chuyển ngữ phần một cuốn “Against the Storm” với sự cho phép của Mahn Nyein Maung. Đối vởi bản tiếng Burma, được bán rất chạy ở Thái Lan với khổ chữ nhỏ, ông chỉ nhận được nhuận bút 2.000 USD, số tiền mà ông nói với tôi qua điện thoại là không đủ trả những khoản vay mà ông nợ trong quá trình viết và chuẩn bị bản thảo.
Bìa sau của cuốn sách thể hiện hình ảnh ông ngồi trên một cái bàn tre cạnh dòng suối gần biên giới Burma-Thái Lan, với khẩu súng trường dựng cạnh cột chống túp lều lợp rạ. Hiện ông vẫn sống tại khu vực, nơi được gọi là đã giải phóng, cạnh đường biên giới Burma-Thái Lan.
KNU được coi là phong trào phản kháng lâu đời nhất thế giới, dù năm 2004 họ đã ký một thoả ước hoà bình với Hội đồng phát triển và hoà bình liên bang Burma (SPDC). Một thời gian ngắn sau đó, chính quyền quân sự đã vi phạm hiệp ước trên. Kết quả là những vụ lạm dụng nhân quyền đối với người Karen và các nhóm dân tộc thiểu số khác tại Burma không ngừng tăng lên với chiều hướng dữ dội hơn. Các nhà lãnh đạo KNU, có lẽ bao gồm cả Mahn Nyein Maung, được cho rằng đang rơi vào cuộc tranh giành quyền lực sau cái chết mới đây của nhà lãnh đạo KNU huyền thoại, Tướng Saw Bo Mya.
Giai đoạn 2000-2001, tôi đã cố thuyết phục Mahn Nyein Maung rằng cuốn sách của ông ta có tiềm năng trở thành một best-seller tầm cỡ quốc tế và xứng đáng có cuộc sống văn học đích thực và được xuất bản một cách chính thống. Tuy nhiên thật khó để liên lạc bởi trình độ tiếng Anh của ông rất hạn chế và không sử dụng email. do phần lớn thời gian tôi gọi ông đều đang ở trong rừng (có lần tôi nghe thấy tiếng gà gáy sáng xa xa), và tôi không có khả năng tìm được một người thích hợp để làm trung gian.
Tôi hứa với ông sẽ không sử dụng những phần mà tôi đã chuyển ngữ, ngoại trừ những đoạn trích rất nhỏ cho mục điểm sách hoặc diễn thuyết tại nhà trường. Tôi cũng nói với ông rằng không thể đưa cho ông hay ai khác bản quyền phần chuyển ngữ của tôi để làm quà. Tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó, khi điều kiện chín muồi sẽ cho phép tôi hoàn tất việc dịch cuốn sách này sang tiếng Anh và xuất bản nó.
Một hình thức khác của sự tàn bạo
Nay Lin, hiện đang định cư tại Australia, là người đã sống sót sau vụ đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ năm 1988. Tác phẩm “Cemetery of the Living Dead” (tạm dịch: Nghĩa trang của người chết đang sống) của ông đã tạo ấn tượng khủng khiếp đối với độc giả Burma khi được xuất bản trong những năm cuối thập kỷ 1990. Chất lượng của nó cũng như cú shock và nỗi sợ hãi mà cuốn sách thể hiện đã ám ảnh người đọc. Tác phẩm này có nét tương đồng với vở kịch “Deathwatch” (tạm dịch: Sự canh chừng tử tù) của cựu tù nhân Pháp Jean Genet, với hình ảnh một tù nhân quay lưng lại với khán giả để bóp cổ đến chết một tù nhân khác trên sân khấu.
Đề cập tới cuộc sống tù đầy bạo ngược, trải nghiệm của Nay Lin thời kỳ hậu-1988 là khác biệt rất lớn và thậm chí dữ dội hơn nhiều so với Myat Than Tint, Mahn Nyein Maung, cũng như những người đồng chí khác giai đoạn giữa thập kỷ 1970. Trong thời gian này, tàn dư hệ thống hình phạt thời cựu thuộc địa Anh vẫn còn được áp dụng.
Trên quần đảo Coco, Mahn Nyein Maung và những người bạn tù vẫn có một trạm xá (của người Ấn Độ) để chăm sóc sức khoẻ, một thư viện để đọc sách, và có quyền tự nấu lấy thức ăn, dù chỉ được cung cấp gạo. Tình thế mà Nay Lin miêu tả trong tác phẩm viết rất đẹp này của ông còn tàn bạo hơn nhiều so nhà tù tại quần đảo Coco thập kỷ 1970 và, được thực chứng bởi lời khai của nhiều tù nhân khác, ngày càng trở nên tiêu biểu hơn trong dưới sự cầm quyền của SPDC giai đoạn hiện nay.
Hồi ký của Nay Lin đã ghi lại theo từng phần, giống như một chuỗi những bài tản văn hay tiểu luận rực lửa. Nhà văn/người quan sát ở ngay đó bên phải phòng giam, gần cửa, cạnh ganhpalar. Sau khi rời Burma năm 1982 với học bổng Fulbright và không bao giờ hồi hương, ban đầu tôi không biết ganhpalar là gì. Tuy nhiên, một nhà dân chủ từng có thời gian bị tù đày đã giải thích rằng đấy là một bát gốm lòng thấp với nước men nâu đậm được tù nhân dùng làm chậu đựng nước tiểu. Trong “Living Dead”, một tù nhân đổi vị trí nằm trên sàn bê tông với một tù nhân khác lúc nửa đêm, và nhờ đó anh ta đã thoát khỏi cái chết với cú đập vỡ sọ bằng một trong những viên gạch dùng để kê ganhpalar.
Nay Lin miêu tả người kể chuyện - có thể nhớ được nội dung của tất cả các bộ phim kung fu - thuật lại rất kỹ từng cú đòn mà họ nhận được từ những tù nhân khác mỗi tối trên một dàn giáo - nóc một cái bể nước hôi thối. Nay Lin miêu tả, một cách rõ ràng nhưng đầy cảm xúc, về “thú giao hợp khác giới trở thành thứ xa xỉ như thế nào” - đó là. sự đồng tính luyến ái. Buổi tối, tên quản tù sẽ tiếp cận nạn nhân trong một gian phòng đầy người ngủ như cá mòi trên nền nhà.
Tên quản tù sẽ đe doạ người đàn ông với một câu roi sắt nhọn rồi cưỡng hiếp anh ta. Mọi người đều biết chính xác khi nào vụ hãm hiếp đó xảy ra. Song để tăng thêm nỗi nhục nhã đối với nạn nhân, nhiều người - thay vì thấu cảm, hoặc thậm chí cảm thấy xấu hổ và để tránh trở thành mục tiêu - đã trêu chọc nạn nhân về vụ cưỡng hiếp ngay buổi sáng ngày hôm đó. Trong tất cả những đoạn trần thuật được đánh giá cao của tác phẩm, phần tàn bạo nhất chính là chương miêu tả sự kết thúc thích đáng dành cho tên quản tù ở cuối vụ hãm hiếp.
Nhiều tù nhân đã dùng muỗng ăn đánh ngã tên quản tù, và dìm chết hắn. Tất cả diễn ra ngay trước mắt chúng ta giống như một bộ phim quay chậm, với tất cả những chi tiết gây ấn tượng thị giác, mà nếu so sánh trực tiếp trong văn học thì có lẽ chỉ có tác phẩm “Red Sorghum” (tạm dịch: Lúa miến đỏ) của nhà văn Mo Yan với đoạn miêu tả cảnh một ông già bị lột da sống bởi quân xâm lược Nhật Bản, là đạt hiệu ứng tương tự.
Năm 2003, tôi đã may mắn khi đuợc gặp Nay Lin trong một cuộc hội thảo tại Sydney. Tôi bắt đầu hỏi ông về quãng thời gian ông sống tại Burma, song người kể chuyện xuất chúng này, nắm lấy tay tôi và kể cho tôi nghe về việc ông đã gặp một nhà sư, người mà Aung San Suu Kyi[3] (nhà lãnh đạo dân chủ Burma) cũng tôn thờ thế nào, và ông bị bắt khi quay trở về nhà thế nào. Đó là lý do vì sao ông trở thành một thành viên trong thế hệ các nhà hoạt động năm 1988 nổi tiếng, và bây giờ ở độ tuổi 40, họ - những người rời bỏ đất nước sau vụ đàn áp - vẫn tiếp tục thái độ chống đối đến nay.
Tôi hỏi Naylin về người chuyển ngữ các tác phẩm của ông, ông cho biết đã có một người làm việc đó, tuy nhiên, ông khao khát “mở rộng tác phẩm với những trải nghiệm của những người phụ nữ ở trong tù”. Để hoàn tất tác phẩm đó, ông cho biết đang liên hệ với các cựu tù nhân nữ. Tôi cố gây ấn tượng với ông rằng “Living Dead” không phải là bản báo cáo nhân quyền, rằng nó đã hoàn hảo và nếu như đưa thêm nhiều chi tiết nữa sẽ huỷ hoại giá trị văn học cũng như kết cấu và tính trọn vẹn của tác phẩm. Tuy nhiên tôi không chắc rằng Nay Lin có nghe tôi hay không. Có thể ông giống như Victor Hugo, tiếp tục viết “Les Miserables” (Những người khốn khổ) trong 10 năm sau khi xuất bản ấn phẩm đầu tiên, đưa rải rác những đoạn tiểu luận mà ngày nay rất khó đọc, trong suốt tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật này.
Tại sao Burma như ngày nay?
Trong thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước, những cuốn tiểu thuyết xuất bản kiểu samizdat[4] của Soviet (theo sự kiểm soát của Chính phủ - đàn áp văn học và các phương tiện truyền thông khác trong khối các nước Soviet) và Đông Âu đã thu hút được nhiều sự quan tâm của giới trí thức phương Tây. Nền văn học Burma không giành được danh tiếng tương tự.
Một lý do là những người theo chủ nghĩa châu Âu là trung tâm vẫn quan tâm hơn đến một nền văn học Anh ngữ. Trong khi đó, Burma là một tiểu quốc cũng như không có những mỏ dầu thô trữ lượng khổng lồ như các nước Trung Đông. Trong khi đó, Mỹ lại không bị lôi kéo vào một cuộc chiến thất bại và cay đắng tại đây (như ở Iraq hay Afganistan) hoặc lâm cuộc xung động đang tiếp diễn (như với Iran). Hiện tại cũng chỉ có một chút quan tâm tương đối nhỏ đối với văn học Đông Nam Á, và thường là trải nghiệm đắng cay của Mỹ tại Vietnam.
Do đó, Burma “mất dấu trên bản đồ” vì nhiều lý dó. Cuộc nội chiến tại Burma, mặc dù kéo dài suốt 60 năm qua, song hiếm khi xuất hiện trên màn hình radar của giới truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, một số tác giả người Nga và Đông Âu, có nhiều người ủng hộ ở phương Tây, luôn quan tâm tới cuộc đấu tranh dân chủ tại Burma. Trong giữa thập kỷ 1990, nhà thơ Yevgeny Yevtushenko, khi đang ở Philadelphia để quảng bá cho hợp tuyển những bài thơ mà ông biên tập thời Soviet, đã hỏi tôi Aung San Suu Kyi là người như thế nào. Nhà văn người Czech Vaclav Havel cũng viết rất nhiều về các vụ lạm dụng nhân quyền.
Những người sống sót như Nay Lin và Mahn Nyein Maung có thể có những trải nghiệm đớn đau và viết về chúng. Tuy nhiên, sẽ tốn nhiều thời gian để đưa một ý tưởng trở thành hiện thực, tức là khi cuốn tiểu thuyết được hoàn tất và xuất bản, chứ chưa đề cập tới những khó khăn trong việc quan tâm và bồi dưỡng cho tác giả. Theo xu hướng này, 19 năm kể từ năm 1988 không phải khoảng thời gian dài dành cho những tháng năm thai nghén tác phẩm.
Tôi biết hiện nhiều tác phẩm văn học Burma vẫn đang được sáng tác, hoặc sáng tác để tự xuất bản, mặc dù tác giả không biết nhiều về ngành xuất bản quốc tế để có thể tìm một đại diện. Xen lẫn những “cuốn hồi ký KNU” là khá nhiều truyện ngắn rất thú vị - song chỉ những người quen biết cá nhân tác giả mới có thể nhận được một bản copy tác phẩm. Những tác giả tự xuất bản tác phẩm của mình không thể cạnh tranh với hệ thống phát hành chính thống, với những khối liên kết xuất bản lớn và các hiệu sách liên hoàn.
Những nhà văn nước ngoài, như Daniel Mason, Amitav Ghosh, Karen Connelly và Amy Tan, chắc chắn đã thực hiện việc sáng tác và tìm hiểu đề tài - thông thường bằng cách đến thăm khu vực biên giới Burma-Thái Lan hoặc phỏng vấn những người còn sót lại từ thời kỳ 1988. Nhiều người trong số đó quan tâm đến việc viết về những vấn đề đáng lo ngại như cảnh ngộ khốn khó của người dân Burma. Ngoài ra, phẩm chất anh hùng quốc tế của nhà lãnh đạo từng nhận giải Nobel Hoà bình Aung San Suu Kyi cũng thu hút được nhiều sự quan tâm đối với Burma.
Tuy nhiên, nền văn học Burma - của những nhà văn Burma - lại không tiếp cận được độc giả quốc tế. Có lẽ sự nổi tiếng của Amy Tan và Karen Connelly sẽ hấp dẫn được giới xuất bản và độc giả đến với những trải nghiệm về cuộc sống và tình cảm bao trùm trong các tiểu thuyết của các nhà văn Burma và chờ đợi sự chuyển ngữ cũng như sự thừa nhận quốc tế mà họ xứng đáng được hưởng./.

Cộng tác viên EPIF Kyi May Kaung là một công dân, nghệ sỹ, nhà thơ và nhà phân tích chính trị người Burma lưu vong. Bà hiện có học hàm tiến sỹ chuyên ngành kinh tế chính trị tại Đại học Pennsylvania.
©Time

[1] Papillon - người tù khổ sai, tác giả ám chỉ đến tác phẩm-hồi ký “Papillon - Người tù khổ sai” của nhà văn Braxin Henri Chariere. ND
[2] Kon Tiki, tên con tàu và cũng là một tác phẩm hồi ký thuật lại chuyến phiêu lưu của nhà thám hiểm người Na Uy Thor Heyerdahl. Tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Việt với tên gọi Hành trình Công Ti-ki (rất tiếc là tôi đã đánh mất nên không thể cung cấp nhiều thông tin hơn về bản dịch tiếng Việt này). ND
[3] Aung San Suu Kyi- sinh ngày 19/6/1945 tại Rangoon, nữ phật tử, nhà hoạt động dân chủ bất bạo động nổi tiếng và là lãnh đạo Liên đoàn dân chủ quốc gia Myanmar. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990, bà đắc cử chức Thủ tướng Myanmar, song chính quyền quân sự (junta) bác bỏ kết quả bầu cử và từ chối chuyển giao quyền lực. Năm 1991, bà được trao giải Nobel Hoà bình. Hiện bà đang bị giam giữ tại gia và được coi là “tù nhân lương tâm”. ND
[4] samizdat: hình thức xuất bản lậu những tác phẩm bị nhà nước cấm phát hành. ND

Không có nhận xét nào: