Thứ Tư, 26 tháng 9, 2007

Nixon Vs Vietnam


Tổng thống Nixon và Henry Kissinger trong phòng Bầu dục ngày 13/2/1969




Đại tá hải quân Rembrandt C.Robinson (1924-1972): qua đời trong một tai nạn rơi máy bay trực thăng tại Vịnh Bắc bộ.




Năm 2006, có nhiều động thái cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ George W.Bush đã cân nhắc nghiêm túc một “lựa chọn hạt nhân” để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, và rõ ràng điều này đã gây quan ngại cho giới báo chí, dư luận cũng như giới lãnh đạo cấp cao Mỹ. Một số đã coi việc lên kế hoạch như vậy là lời dối gạt mang tính trừng phạt, trong khi những người khác coi đây là thí dụ về chiến lược mất trí. Những viễn cảnh này không có tiền lệ trong lịch sử. Kể từ thời điểm Chiến tranh lạnh đến nay, giới chức Mỹ đã nhiều lần tìm cách sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình, không chỉ là phương tiện để ngăn cản một cuộc tấn công từ Soviet mà còn là những vũ khí “chiến thuật” trong các cuộc xung đột địa phương hoặc một yếu tố quan trọng trong chiến lược tạo ra sự đe doạ cưỡng ép bằng biện pháp “ngoại giao nguyên tử”.
Những tài liệu mới được giải mật gần đây cho thấy rằng trong năm đầu tiên đảm nhiệm cương vị Tổng thống Mỹ của Richard M.Nixon, các cố vấn Nhà Trắng của ông ta đã sẵn sàng đặt vấn đề rằng liệu có nên sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam hay không. Giới chức cấp cao và cố vấn chính sách trong chính quyền các cựu Tổng thống Dwight D.Eisenhower, John F.Kennedy và Lyndon B.Johnson cũng đã từng cân nhắc khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng quân sự; gây ảnh hưởng trong đàm phán hoặc để chấm dứt xung đột, tuy nhiên sự thận trọng của họ đã trở nên vô ích bởi một ẩn ức sâu kín có tên “sự cấm kỵ hạt nhân”. Sự cấm kỵ này bao gồm nhiều điều cần phải cân nhắc cả về đạo đức lẫn thực tế như: những người đưa ra quyết định biết rõ tác động huỷ diệt của vũ khí hạt nhân là quá lớn so với một kết thúc được kiểm soát mong đợi trong các cuộc xung đột khu vực như Việt Nam; nhận định về nguy cơ gây ra một cuộc xung đột địa phương hoá leo thang trong cuộc chiến toàn cầu với Liên bang Soviet; sự cần thiết phải cân nhắc quan điểm của Chính phủ, Quốc hội, đồng minh và thế giới; và đánh giá lợi ích chiến lược cũng như tính khả thi hậu cần của vũ khí hạt nhân trong những điều kiện nêu trên, ngoại trừ trường hợp trả đũa một cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù. Những cân nhắc tương tự đã định hướng suy nghĩ của Nhà Trắng thời Nixon về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam, và dường như cũng đang tác động tới suy nghĩ của Chính quyền Bush về “lựa chọn hạt nhân” đối với Iran.
Khi Nixon đắc cử Tổng thống vào tháng 1/1969, một trong những ưu tiên lớn nhất của ông ta là kết thúc Chiến tranh Việt Nam càng sớm càng tốt theo những điều kiện thuận lợi cho Chính phủ Mỹ. Vào giữa năm 1969, Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger đã ủng hộ một chiến lược kết hợp giữa ngoại giao quốc tế với việc đe doạ và sử dụng vũ lực nhằm khuất phục ý chí của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (DRV). Trong nhiều cuộc hội kiến diễn ra vào tháng Bảy và tháng Tám, họ và những người đại diện đã đưa lời cảnh báo khủng khiếp dành cho giới lãnh đạo Moscow và Hà Nội rằng nếu đến ngày 1/11 mà Bắc Việt không đồng ý thoả hiệp theo điều kiện của người Mỹ, Nixon sẽ “áp dụng những biện pháp ý nghĩa và mang hậu quả to lớn”. Những động thái đe doạ này đã thất bại trong việc buộc Moscow thuyết phục Hà Nội thoả hiệp, và sau đó giai đoạn hai của quyết định tăng cường quân sự đã bắt đầu: áp lực đột ngột gia tăng mạnh mẽ bằng một chiến dịch tấn công đa dạng DRV, chủ yếu không kích dữ dội Bắc Việt tại các cụm cảng biển.
Kissinger và nhóm tham mưu đã bắt đầu ít nhất từ đầu tháng Bảy để triển khai những kế hoạch quân sự bất ngờ dưới mật danh “Duck Hook”. Để đánh giá công việc chuẩn bị cho kế hoạch bí mật trên do các thành viên Bộ Tổng tham mưu trưởng tại Washington và các nhà hoạch định quân sự tại Sài Gòn thực hiện, Kissinger đã thành lập một uỷ ban đặc biệt gồm các nhân viên Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) lĩnh trách nhiệm lên kế hoạch, với tên gọi September Group. Kissinger thú nhận: “Tôi đã không tin rằng một nhúm sức mạnh hạng tư như Bắc Việt Nam lại không có một điểm yếu nào. Nhiệm vụ của nhóm này là nghiên cứu khả năng đánh một cú quyết định, tàn bạo với Bắc Việt. Chúng tôi bắt đầu mà hoàn toàn không có bất cứ ý tưởng nào trước đó”. Tổng thống Nixon, nói với họ rằng, muốn “thiết lập một kế hoạch có tác động tối đa đến khả năng quân sự của kẻ thù” trong điều kiện “buộc phải kết thúc nhanh chóng” cuộc chiến này.
Theo báo cáo ban đầu về tiến trình kế hoạch trên mà phóng viên điều tra Seymour Hersh tiếp cận gián tiếp, một nhân viên đã hỏi Kissinger rằng liệu vũ khí hạt nhân có nên được sử dụng hay không. Kissinger đáp lại rằng “chính sách của giới cầm quyền là không sử dụng vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, ông ta không loại trừ khả năng sử dụng “một thiết bị hạt nhân” để phong toả một tuyến đường sắt huyết mạch tới Cộng hoà nhân dân Trung hoa (PRC) nếu chứng minh được đó là phương cách duy nhất. Roger Morris, một thành viên September Group, sau đó báo cáo rằng đã trình kế hoạch theo đó nhắm mục tiêu đánh bom hạt nhân vào ít nhất hai địa điểm tại Bắc Việt. Cố vấn đặc biệt của Tổng thống, Charles Colson - người không phải là thành viên nhóm trên nhưng năm 1970 đã hỏi Chánh văn phòng của Nixon lúc đó là H.R.Halderman về việc lên kế hoạch bất ngờ trên một năm trước đó - khẳng định Halderman cho biết việc “Kissinger đã vận động hành lang về khả năng sử dụng biện pháp hạt nhân vào mùa xuân và mùa thu năm 1969”. Một phụ tá của Kissinger, Winston Lord, đã bày tỏ hoài nghi với một trong số các tác giả rằng: “Nó vượt qua sự hiểu biết của tôi về việc họ thậm chí đã nghĩ tới việc sử dụng biện pháp đó”. Tuy nhiên ông thừa nhận khả năng người Vịêt Nam có thể lo ngại đối với vũ khí hạt nhân và do đó, thích hợp với “học thuyết mất trí” của Nixon và “không làm giảm sự lo lắng của họ (Việt Nam) về điều đó”.
Tài liệu trực tiếp về kế hoạch Duck Hook tuyệt mật cuối cùng cũng được công bố vào trung tuần tháng 11/2005, khi Dự án những tài liệu về nhiệm kỳ Tổng thống Nixon được đăng tải trên một trong những ấn phẩm giải mật thường niên của Trung tâm lưu trữ quốc gia Mỹ. Trong những hồ sơ về cuộc chiến Việt Nam này có hai tài liệu khẳng định câu hỏi về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân trong các chiến dịch quân sự chống Bắc Việt.
Một trong số đó là lá thư đề ngày 29/9/1969 của hai phụ tá Kissinger, Roger Morris và Anthony Lake, gửi Đại tá hải quân Rembrandt Robinson, người cùng lúc đảm nhiệm ví trí Chủ tịch Ủỷ ban tham mưu thuộc Hội đồng tham mưu trưởng Lầu Năm Góc đồng thời phụ trách nhóm liên lạc quân sự Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) tại Nhà Trắng. Với những vị trí quan trọng này, Robinson đã đóng vai trò trung tâm trong việc lên kế hoạch Duck Hook tấn công Bắc Việt. Hơn nữa, thông qua Robinson, NSC có thể tiếp cận văn bản kế hoạch quân sự mà không cần thông qua Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Melvin Laird, người mà Kissinger coi là kẻ thù đối với chính sách về Việt Nam của ông ta. Với yêu cầu của Nhà Trắng, Robinson đã chuẩn bị một kế hoạch dài hơi cho September Group, trong đó có phác thảo kế hoạch tấn công Bắc Việt của Hội đồng tham mưu trưởng. Mặc dù tài liệu này chưa được công bố hay giải mật, song rõ ràng là nó không làm hài lòng Morris và Lake, thậm chí là bản thân Kissinger. Bức thư ngày 29/9 gửi tới Robinson yêu cầu ông ta phải chuẩn bị lại tài liệu trên, đã hoàn toàn cho thấy “một cách rõ ràng và đầy đủ rằng tất cả sự dính líu của kế hoạch (Duck Hook) này, là do Tổng thống quyết định”.
Lake và Morris đã giải thích trong bức thư rằng Robinson nên “có quan điểm rõ ràng” về việc September Group tin rằng Tổng thống sẽ được chuẩn bị để chấp thuận hai khả năng: Duck Hook “tàn bạo nhưng có thể kiểm soát được” và “độc lập”. Đối với yêu cầu “độc lập”, Tổng thống sẽ cần phải quyết định trước về “phạm vi hậu quả của sự việc nếu tiến hành. Ví dụ, ông ta (Tổng thống) không thể ngừng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật khi nó đang được áp dụng. Ông ta cần phải được chuẩn bị để quyết định tất cả những gì cần thiết trong trường hợp này”.
Tài liệu được giải mật thứ hai về vấn đề hạt nhân này ghi ngày 2/10/1969, gồm hai bức của Kissinger gửi Tổng thống Nixon, trong đó giới thiệu bản báo cáo dài do các nhân viên phụ trách kế hoạch quân sự Duck Hook của NSC thực hiện. Bản báo cáo và các tài liệu kèm theo, đã giải trình mục tiêu cơ bản của chiến dịch sắp tới là ép buộc Hà Nội “đàm phán thoả hiệp bằng một loạt các cuộc tấn công quân sự”, có thể dẫn đến kết cục hoặc gây ra “tổn thất không thể chấp nhận được cho xã hội của họ (Bắc Việt)” hoặc “phá huỷ hoàn toàn đất nước và chế độ đó, nhưng họ sẽ nhận được sự can thiệp lớn từ bên ngoài (có thể là Liên bang Soviet hoặc Trung Quốc)”.
Rõ ràng “ý tưởng của các chiến dịch (Duck Hook)” kể trên là “khác biệt so với những chiến dịch hải quân và không quân tấn công Bắc Việt trước đó”. Nixon, Kissinger và những người lên kế hoạch trên tin rằng các chiến dịch dội bom xuống miền Bắc Việt Nam của cựu Tổng thống Johnson, đã “không thường xuyên” tấn công những mục tiêu hạn chế liên đới tới cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hoà). Ngược lại, chiến dịch Duck Hook, bao gồm một chuỗi các cuộc tấn công mãnh liệt Bắc Việt bằng đường không và đường thuỷ trong “thời gian ngắn” sẽ thu được một “hiệu quả kinh tế và quân sự lâu dài” cũng như “tạo ra (một) tác động tinh thần đối với giới lãnh đạo Hà Nội”. Việc rải bom trên không sẽ đảm đảm “cô lập” các hải cảng của Bắc Việt, cũng như sẽ tấn công vào nhiều vị trí chiến lược bị hạn chế trước đây. Một trong số đó là “hệ thống đê điều tại đồng bằng châu thổ sông Hồng”. Báo cáo đã đề xuất giải pháp hạt nhân trong tài liệu đính kèm có tên “Important Questions”, bao gồm câu hỏi “Chúng ta đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chưa?”.
Những đề cập liên quan tới vũ khí hạt nhân trong các tài liệu trên là không đủ để chứng minh rằng liệu Nixon hay Kissinger có yêu cầu một cách cụ thể kế hoạch quân sự liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống Bắc Việt hay không, tuy nhiên chúng đã khẳng định trong năm đầu tiên của Chính quyền Nixon, một số cố vấn cao cấp của Kissinger tin rằng việc sử dụng loại vũ khí chết người này sẽ được các nhà tham mưu quân sự đề cập. Điều này cũng cho thấy Lake, Morris và các thành viên September Group hiểu rằng Nixon và Kissinger tin tưởng vũ khí hạt nhân có tác dụng tiềm tàng trong bối năm cuối năm 1969, và do đó, khả năng sử dụng sẽ được cân nhắc nghiêm túc trong việc lên kế hoạch quân sự đầy bất ngờ Duck Hook.
Mặc dù tiếp tục đe doạ “mồm” đối với Hà Nội và có trong tay kế hoạch Duck Hook của NSC, Tổng thống Nixon đã “rút ổ cắm” chiến dịch tương lai này vào thời điểm giữa ngày 2 và 6/10/1969. Lý do thì có rất nhiều. Bộ trưởng Quốc phòng Laird và Ngoại trưởng William Rogers khi đó phản đối leo thang quân sự. Nixon bắt đầu lo lắng rằng liệu có thể duy trì sự ủng hộ của dân chúng trong khoảng thời gian từ ba đến sáu tháng cần thiết cho viêc thực thi Duck Hook hay không. Một quan ngại khác đó là ba cuộc biểu tình chống chiến tranh lớn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/10 và 13-15/10 đều trùng khớp với thời điểm tiến hành Duck Hook (nếu triển khai) - có thể sẽ xói mòn hơn nữa sự ủng hộ của người dân, dẫn tới các cuộc biểu tình có quy mô lớn hơn và làm giảm tác động tâm lý của chiến dịch đối với Hà Nội. Trong bất cứ kịch bản nào, Nixon đều kết luận rằng Bắc Việt đã thản nhiên trước những lời đe doạ quân sự mà ông liên tục đưa ra từ tháng Bảy. Mặt khác, việc giảm xung đột trực tiếp với kẻ thù tại miền Nam Việt Nam dường như cho thấy chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh có thể đang đi đúng hướng - một điềm lành nếu đó là sự thật, và vì vậy đã đưa đến một lựa chọn khác cho Nixon thay vì Duck Hook. Hơn nữa, chiến thuật ngoại giao kết hợp đã thất bại trong việc ngáng trở mối quan hệ hợp tác giữa Soviet và Bắc Việt, tác động tới khả năng thành công của Duck Hook.
Sau khi huỷ bỏ kế hoạch Duck Hook, Nixon tin “điều quan trọng là những người Cộng sản đã không lầm khi cho rằng tôi có điểm yếu là không thể đưa ra được hành động mạnh mẽ như tối hậu thư trước đó”. Trong một động thái kỳ lạ để bù đắp cho việc huỷ bỏ Duck Hook, Nixon đã phát động “Diễn tập kiểm tra sự chuẩn bị Bộ tổng tham mưu trưởng”, một cuộc tập trận quân sự bí mật và phức tạp trên quy mô toàn cầu được thực hiện từ ngày 13 đến 30/10/1969, tương đương với việc phát ra một cảnh báo hạt nhân. Nguồn gốc ý tưởng dành cho cảnh báo này có thể nằm trong một câu hỏi hoàn toàn liên quan đến vấn đề hạt nhân được đưa ra trong tài liệu kèm theo “Important Questions” của báo cáo ngày 2/10 gửi Nixon về Duck Hook: “Những hoạt động quân sự nào mà chúng ta có thể thực hiện cùng lúc, ví dụ như chúng ta sẽ cảnh báo chiến lược hay/hoặc những lực lượng nào khác?”
Là một trong những chiến dịch quân sự bí mật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, cuộc tập trận trên bao gồm nhiều chuyến bay tập liên tục nhằm đảm bảo sự chuẩn bị chiến dịch; Sở chỉ huy hàng không chiến lược tại mặt đất duy trì cảnh báo và “đảm bảo sẵn sàng” thực hiện nhiệm vụ, nâng cao mức độ sẵn sàng của các đơn vị máy bay chiến đấu ở nước ngoài; tăng cường hoạt động hải quân; đẩy mạnh hoạt động giám sát đường đi của tàu thuyền Soviet tới Bắc Việt, thậm chí một máy bay B-52 mang đầu đạn hạt nhân đã “lộ diện” ở Alaska. Mục đích của đợt cảnh báo này là nhằm “hù doạ” Soviet và Bắc Việt nhượng bộ trong quá trình đàm phán - bằng cách ngụ ý rằng đó chỉ là khởi đầu của Duck Hook và/hoặc một chiến dịch chuẩn bị đối phó với phản ứng của Soviet về động thái ném bom dữ dội của Mỹ (xuống Bắc Việt). Tuy nhiên, cảnh báo hạt nhân trên đã không chỉ thất bại trong việc đe doạ Bắc Việt lẫn Soviet trước thời hạn chót ngày 1/11, song nó dẫn đến một kết quả không đoán định trước: người Trung Quốc cũng phát đi một cảnh báo tương tự giống Soviet để phản ứng trước động thái này của Mỹ.
Năm 1972, phương án hạt nhân vẫn nằm trong tâm trí của Tổng thống Nixon, khi ông ta khổ sở với việc đối phó như thế nào trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân của Bắc Việt. Ngày 25/4, khi thảo luận về “Linebacker”, chiến dịch phản công Bắc Việt sắp tới của Mỹ, Nixon bày tỏ sự quan tâm với Kissinger về việc sử dụng “một quả bom hạt nhân” như là một phương án thay thế nhằm tấn công hệ thống đê điều của Bắc Việt, một biện pháp mà ông ta rất thích. Một cuộc tấn công hạt nhân vào mục tiêu khác, ông thừa nhận, sẽ gây ra ít thương vong cho dân thường do đó không thể tạo ra một tác động “tâm lý” mạnh mẽ đối với Hà Nội và Soviet. Tuy nhiên, Kissinger và các cố vấn của ông ta đã có nhiều sự dè dặt, khi đối mặt với những lo âu này và được chia sẻ bí mật trên, Nixon đã quyết định không sử dụng biện pháp vũ khí hạt nhân và duy trì “đơn thuần” chỉ là một ẩn ý về khả năng sử dụng.
Giới lãnh đạo Hà Nội không ngừng nhận biết về khả năng Chính quyền Nixon có thể ném bom hạt nhân xuống Bắc Việt, tuy nhiên họ vẫn bày tỏ sự thách thức. Thí dụ trong phiên họp tại Paris ngày 4/12/1972, trưởng đoàn đàm phán Hà Nội Lê Đức Thọ đã nói với Kissinger rằng “chúng tôi ... có lúc nghĩ rằng ông sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử bởi trong cuộc kháng chiến chống Pháp (của chúng tôi), Phó Tổng thống Nixon đã đề xuất sử dụng vũ khí nguyên tử... Nếu chúng tôi không đạt được... mục đích (của chúng tôi) trong đời mình thì thế hệ kế cận của chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh... Chúng tôi đang hứng chịu hàng chục triệu quả bom đạn. Tương đương với... 600 quả bom nguyên tử... Sự thật đơn giản là chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh cũng như cam chịu trở thành nô lệ. Do đó đối với những đe doạ và thất hứa của các ông, chúng tôi cho rằng đó không phải cách thật sự nghiêm túc để tiến hành đàm phán”.
Cũng giống như các tổng thống Mỹ trước đây, một hay nhiều điều “cấm kỵ hạt nhân” đã làm nản trí Nixon và Kissinger trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam. Sự mê muội của họ đối với học thuyết “mất trí” và việc phát động một cảnh báo hạt nhân năm 1969, tuy nhiên lại cho thấy họ có thể nghiêm túc hơn những chính quyền tiền nhiệm về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Cho đến khi nhiều hồ sơ hơn nữa được giải mật hoặc những cựu quan chức cấp cao như Henry Kissinger hay Alexander Haig sẵn lòng trả lời câu hỏi về những sự kiện này, thì câu trả lời cuối cùng vẫn tiếp tục bị lảng tránh.
Dường như cấm kỵ này cũng đang tác động đến chính sách đối với Iran của Chính quyền Tổng thống Bush. Theo Seymour Hersh, “cuối tháng 4/2006, giới lãnh đạo quân sự ... đã giành được một thắng lợi lớn khi Nhà Trắng cuối cùng đã không thông qua kế hoạch ném bom, trong đó có khả năng sử dụng một thiết bị hạt nhân để phá huỷ nhà máy làm giàu urani của Iran tại tỉnh Natanz”. Dẫn đầu bởi Tướng Peter Pace, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng, giới tướng lĩnh và cố vấn chính sách ngoại giao đã chỉ ra nhiều khe hở nghiêm trọng trong tin tức tình báo về chương trình hạt nhân của Iran và cảnh báo nếu Chính quyền lựa chọn biện pháp hạt nhân sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, quốc tế, quân sự và chính trị. Tuy nhiên, so sánh với Việt Nam, liệu những yếu tố cấm kỵ hạt nhân mang tính lịch sử có ngăn cản Chính quyền Bush sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc tấn công “trước” đối với kẻ thù tiềm năng hay không, thì vẫn còn đang được bỏ ngỏ./.

Không có nhận xét nào: