Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2007

The biblical world of Luis Bunuel - Spengler (Asia Times 28/8)

Thế giới thánh kinh của Luis Bunuel

(Spengler, Asia Times)
Ngày 22/8, Criterion Collection đã phát hành bản DVD kiệt tác The Milky Way, bộ phim gây xáo trộn nhất thế kỷ 20 về niềm tin do đạo diễn Luis Bunuel thực hiện năm 1969. Đến nay tác phẩm này vẫn không thích hợp với tiêu chuẩn thông thưòng của giới điện ảnh mộ đạo. Những khán giả từng cảm thấy kích động với The Passion of the Christ của Mel Gibson có thể sẽ không chịu nổi quá 10 phút khi xem phim. Tuy nhiên, tác phẩm chế giễu khôi hài bằng cách mô tả những điều quái dị trong lịch sử Giáo hội này của Bunuel có chất lượng đến nỗi việc so sánh với tất cả những bộ phim khác có chủ đề về Cơ đốc giáo dường như trở nên nhạt nhẽo. Độc nhất vô nhị, đạo diễn vĩ đại người Tây Ban Nha đang tái hiện trên màn ảnh rộng sự xa lạ và kinh ngạc của thế giới thánh kinh, đó là, một thế giới trong đó Thần khí luôn luôn hiển hiện.
Phần lớn những người Baptist [1] đã không tới các rạp chiếu bóng khi bộ phim của Bunuel được trình chiếu cách đây gần 4 thập kỷ, và dường như sự phát hành dưới dạng một phương tiện truyền thông điện tử sẽ làm tăng thêm số lượng khán giả vốn dĩ hạn chế của bộ phim này. Điều đó thật đáng tiếc, khi mà bộ phim đưa ra rất nhiều cuộc thử nghiệm về niềm tin, nếu bạn không cười phá lên với những cầu chuyện đùa ở đó, hầu như bạn không tin tưởng một chút nào về đức tin mà bạn đang tuyên xưng.
Đối với đông đảo khán giả, Bunuel (1900-1983) nổi tiếng về lập trường công kích giai cấp tư sản, như trong Bell de jour, bộ phim năm 1967 miêu tả sống động về một cô nội trợ thuộc tầng lớp trên đã trở thành gái điếm, hay như những quý ông thượng lưu đói khát trong The Discreet charm of the Bourgeoise (1972), bộ phim giúp ông giành được giải thưởng Oscar duy nhất trong đời. Thời kỳ đầu sự nghiệp, ông đạo diễn một phim ngắn siêu thực The Andalusian Dog với sự hợp tác của hoạ sỹ nổi tiếng Salvador Dali, một tác phẩm gây shock vào năm 1929 nhưng đã trở nên bình thường trong thời điểm hiện nay. Là một tín đồ siêu thực và có cảm tình với Đảng Cộng sản Tây Ban Nha cũng như đã chối bỏ Giáo hội Thiên chúa ngay từ khi còn trẻ, Bunuel lại dường như được xem là đạo diễn điện ảnh duy nhất thành công với đề tài tôn giáo.
Tuy nhiên, khi The Milky Way ra đời năm 1969, Vatican đã rất thích thú với tác phẩm này (các thầy tu dòng Tên quan trọng hơn các thầy tu dòng Dominic, Bunuel đã quan sát điều đó với con mắt sành sỏi lão luyện) trong khi những người bạn cánh tả của đạo diễn đã rời bỏ ông trong sự ghê tởm đáng khinh. Tiểu thuyết gia người Argentina Julio Cortazar đã phẫn nộ bỏ về khi xem nó trong một buổi chiếu riêng, cáo buộc Bunuel (sai lầm) đã bí mật nhận kinh phí làm phim từ Giáo hội.
Sự hoài nghi chính là bà đỡ của niềm tin, khi không có hoài nghi thì niềm tin cũng chẳng cần thiết nữa. Một sự hoài nghi mãnh liệt có thể không tạo nên thầy tế hay linh mục tốt nhất, song nó thu nhận lấy sự đau đớn tột cùng của việc nghi ngờ để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật trần thuật vĩ đại về đề tài tôn giáo. Đó cũng là lý do tại sao những người ngoại đạo lại thường tạo nên tác phẩm nghệ thuật về tôn giáo sâu sắc nhất - ví dụ như Faust của "kẻ ngoại đạo vĩ đại" Johann Wolfgang von Goethe.
Về hình thức, The Milky Way đậm nét siêu thực. Hai gã giang hồ người Pháp ngửa tay xin ăn và đi nhờ xe trên tuyến đường hành hương thiêng liêng tới nhà thờ Santiago de Compostela ở phía Tây Bắc Tây Ban Nha, nơi được cho là có lăng mộ của Thánh tông đồ James. Trên đường đi, họ gặp gỡ với nhiều người mang thần khí (divine beings), như lần lượt từng hoá thân trong Chúa Ba Ngôi [2] cũng như Thần Chết, và lang thang qua nhiều sự kiện trong lịch sử Giáo hội. Cuộc đời của Jesus Christ được bắt gặp rải rác, trong đó có một đoạn không hề được ghi lại trong Kinh Thánh (Đức mẹ Đồng trinh thuyết phục Jesus không nên cạo râu).
Từ đầu đến cuối bộ phim, Bunuel tập trung nhấn mạnh tới những khó khăn, nếu không muốn nói là ngu ngốc, trong Kinh Thánh và học thuyết. Một nhân vật trùm áo choàng (hoá thân của Người đầu tiên [3] trong Chúa Ba Ngôi) đã gặp các nhân vật chính khi họ đang cố đi nhờ một chuyến xe ở ngoại vi Paris, và trích dẫn huấn thị của nhà tiên tri Hosea [4] để sinh con cái với một ả gái điếm, cũng như gọi hai kẻ giang hồ kia là "You are not my people" [5] (Các người không phải là con dân của ta) và "There is no more mercy" [6] (Không còn sự nhân từ). Ở cuối phim, những kẻ lang bạt cuối cùng cũng tới được Santiago, nơi một ả gái điếm cho họ hay rằng những người hành hương đã ngừng tới đây và thành phố hiện không còn ai, và rồi hai kẻ giang hồ này bỏ đi cùng với cô ta để sinh con cái. Lời nguyền của Hosea về Israel được Chúa chọn (errant Israel?) cho chúng ta biết đến một quan điểm tuyệt vời của Bunuel về chúng ta.
Nhiều nhân vật cố gắng giải thích sự hoá thể [7] và sinh con nhưng vẫn còn trinh [8] (đoạn này không dịch được: God is in the host just as a rabbit is in a rabbit pate, offers an innkeeper), không có thực và là những sự kiện ngu ngốc. Trong khi đó, những con người mang Thần khí liên tục xuất hiện trong câu chuyện. Hai gã giang hồ bắt gặp một chàng thiếu niên mang dấu thánh [9] của Chúa Jesus, và không mấy nhiệt tình giúp anh ta (make a desultory effort to help him). Chàng trai trẻ chìa tay ra và một chiếc xe hòm ngừng lại cho họ đi nhờ; khi hai kẻ lang bạt vô tình thốt ra lời báng bổ, thì người tài xế đuổi thẳng cổ họ xuống xe. Lát sau, một trong hai gã giang hồ biểu lộ ước muốn rằng chiếc ô tô không dừng lại để họ đi nhờ sẽ gặp tai nạn, điều này diễn ra ngay sau đó, và ở hàng ghế sau họ phát hiện Thần Chết, bật radio trên chiếc xe đó lúc đang phát đi một đoạn mô tả địa ngục của Thánh John đạo Cơ đốc.
Hai gã giang hồ cố xin ăn tại một nhà hàng sang trọng, nơi đầu bếp trưởng và phụ bếp đang tranh luận về ý nghĩa của Lễ ban thánh thể [10] ; khi người đầu bếp trưởng không đồng tình với ý kiến những người vô thần là một lũ điên, máy quay camera đưa chúng ta đến hình ảnh một quý ông lịch thiệp đang diễn thuyết tố cáo những điều ngu ngốc của tôn giáo. Mặt đối nghịch của niềm tin được khai sáng này hoá thân thành Marquis de Sade [11], người đã tra tấn một thiếu nữ phản đối sự tồn tại của Chúa. Bunuel cho chúng ta hay có quá nhiều sự phản đối niềm tin hũu lý; thiếu vắng niềm tin là không đúng song sự thù ghét đối với Chúa này xuất phát từ thói bốc đồng thái quá.
Bộ phim cũng thể hiện nhiều quãng thời gian trong lịch sử Giáo hội. Hai dị giáo dân người Tây Ban Nha thế kỷ 16 bác bỏ thuyết Chúa Ba Ngôi, và trốn thoát bằng cách đánh cắp trang phục của những thợ săn ngày nay. Một người tìm thấy một chuỗi tràng hạt [12] trong túi áo jacket ăn cắp, và bắn đứt tung thành từng hạt bằng khẩu súng ngắn; một vài giờ sau, Đức Mẹ Đồng Trinh Mary xuất hiện một cách kỳ diệu để trả chuỗi tràng hạt đó cho một trong hai người dị giáo kia. Họ đã tới một nhà trọ nông thôn Tây Ban Nha thời hiện đại và kể lại câu chuyện trên với một thầy tu địa phương, người nói rằng họ không nên kích động, rằng Đức Mẹ linh thiêng luôn xuất hiện và ban phép lạ như một tất yếu. Người dị giáo đó kết luận: “Niềm tin không đến với chúng ta bằng lý trí, mà thông qua trái tim”.
Cuối phim, Jesus hồi phục thị giác cho hai người đàn ông mù. Khi cố gắng đi theo Người, họ vẫn dùng gậy trúc để dò dẫm tìm đường. Bunuel tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn, được kèm theo trong bản DVD, rằng “Anh ta vẫn có những phản xạ của một người mù và chưa quen với tình huống mới. Bên cạnh đó, anh ta cũng chẳng biết một cái hào hay một cái lỗ trông ra sao”. Hình ảnh nổi bật trên thu tóm toàn bộ bài học về niềm tin của Bunuel; mặc dù tình thương của Chúa dành cho con người (divine love) có thể làm sáng mắt chúng ta, chúng ta thấy nhưng không hiểu. Điều đó không phải là do sự xa cách của Chúa, mà sự mù loà con mắt bên trong đã khiến chúng ta xảy chân.
Trong nhiều trường hợp thì điều này hoàn toàn là sự báng bổ thánh thần khủng khiếp, song không thể hiện rõ ràng như thế. Người viết tiểu sử của đạo diễn Bunuel. John Baxter, trong bài viết năm 1994 cho biết:

Điều khiến Bunuel bối rối đó là việc The Milky Way được Giáo hội đón nhận nồng nhiệt, những nhóm ủng hộ sự lan truyền của chủ nghĩa tự do trong Hội đồng Giáo hội Vatican thứ hai. Rome thậm chí còn đón nhận cả đoạn mô tả một cuộc hành hình giả đối với một nhân vật mà rõ ràng ám chỉ tới Giáo hoàng John Paul II do một nhóm những người vô chính chủ Tây Ban Nha thực hiện, và khi uỷ ban kiểm duyệt Italia cấm chiếu bộ phim trên, họ đã can thiệp để đảo ngược quyết định này. Bất chấp sự phản đối của một số ít những nhà phê bình tôn giáo, Chính phủ Tây Ban Nha cũng từ chối cấm chiếu bộ phim này. Liên hoan điện ảnh về giá trị tôn giáo và con người tổ chức tại Valladolid đã mời bộ phim trên tới tham dự, và Văn phòng điện ảnh Thiên chúa giáo quốc gia Mỹ sau đó cũng đã trao tặng một giải thưởng cho bộ phim Nazarin [sản xuất năm 1959] của ông.

Tôi muốn tranh luận rằng Bunuel thành công với đề tài tôn giáo, chủ đề mà quá nhiều nỗ lực xiển dương khác thất bại, ví dụ như Ingmar Bergman và Federico Fellini. Bunuel đã sống trong nó, và tái tạo cho chúng ta, một thế giới mà ở đó cái siêu phàm (the supernatural) liên tục hiển hiện. Với sự tôn kính này, ông là một trong những nhà làm phim mang tính thánh kinh nhất. Khi nhà thần học ở Harvard, James Kugel, nhận xét trong cuốn The God of Old rằng Kinh Thánh mang đến cho chúng ta một thế giới mà ở đó bạn có thể đang đi trên đường và gặp một người đàn ông, và thực tế đó là một thiên thần, nhưng thiên thần đó lại là hoá thân của Chúa.
Đối với con người, việc Thần khí hiển hiện là điều không thể dự báo song theo nhiều cách có tính hữu hình cao. Không như Franz Kafka, người tái tạo điều gì đó của phong cách kể chuyện mang tính thánh kinh song lại đưa ra một thế giới mà ở đó Thần khí là không thể nhận biết và không tồn tại, Bunuel cho chúng ta thấy Thần khí trong tất cả sự khó khăn và xuẩn ngốc của nó - với việc Thần khí phải xuất hiện một cách vô lý và vô thực trong mắt người trần. Về hình thức, chủ nghĩa siêu thực của Bunuel tương đồng với cái được gọi là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của một vài nhà văn Mỹ Latinh, không phải ở tính huyền ảo của nó, mà ở một cấp độ tinh thần cao hơn mà chúng ta thường gặp.
Không hề có dấu vết của sự duy linh trong thế giới ảm đạm của Ingmar Bergman, đạo diễn người Thuỵ Điển vừa qua đời tháng trước, có lẽ ngoại trừ những tinh thần ngoại đạo bay bổng trong The Virgin Spring. Đạo diễn khổ hạnh người Thuỵ Điển đã đặt những nhân vật của ông (hoặc để rõ ràng hơn, một nhân vật cô độc luôn được thể hiện bởi Max von Sydow) trong sự cáu giận mang tính hiện sinh (existential tantrum) đối với sự xa lạ của Chúa. Bergman là một đạo diễn lớn duy nhất có những bộ phim thực sự ở tầm thấp kém hơn so với những tác phẩm đả kích nó (ví dụ như Monty Python’s The meaning of life). Tuy nhiên, ngược lại, Chúa thì không mấy xa lạ với Bunuel, Chúa là hiện thực khủng khiếp, với tất cả sự bí hiểm, thậm chí ngớ ngẩn của ông ta.
Fellini lại là một trường hợp khác, bộ phim tuyệt đẹp năm 1954, La Strada, lại tìm kiếm ý nghĩa Thấn khí (divine meaning) trong sự phụ xướng (responses) đơn giản nhất và thống thiết nhất của con người, và đạt tới rất gần quan điểm này. Tuy nhiên, Fellini, một người Italia nóng nảy, đòi hỏi quá nhiều ở Chúa; nhân vật bí hiểm của ông, gã Khờ, nói rằng mỗi con người, mỗi ngôi sao, thậm chí mỗi hòn cuội đều có một ý nghĩa, hoặc thứ tầm thường cũng có một ý nghĩa. Điều đó tốt thôi; tuy nhiên ý nghĩa đó có thể là gì, chúng ta không thể biết chính xác, và không thể chỉ ra. Niềm tin của Fellini thật mỏng manh dễ đổ gẫy. Sự cay đắng bao trùm ông, và sự tự thu hút, giống như cảm giác đớn đau khi xem những bộ phim sau này của ông.
Bunuel, nhà quý tộc Tây Ban Nha, không hề hãi sợ đối vỡi những ngờ vực của bản thân, và hoan hỉ tấn công bất cứ cối xay gió và gã khổng lồ nào tự xuất hiện. Ông có niềm tin của một Thánh Job, ngợi ca Chúa bất chấp sự kì quặc ghê gớm trong hành động của mình. Việc phát hành bản DVD của The Milky Way là sự kiện đáng vui mừng, đặc biệt trong ấn bản này bao gồm cả những tài liệu hỗ trợ phê bình./.


[1] Baptist: người theo giáo phái chỉ rửa tội cho người lớn (LACVIET-MTD2000, ND)
[2] Holy Trinity: ba ngôi một thể, Chúa Ba Ngôi (sự hợp nhất làm một của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần trong đạo Cơ đốc) (Theo LACVIET-MTD2002, ND)
[3] First Person: đức Chúa Cha (ND)
[4] Hosea: con trai của Beeri và là nhà tiên tri sống tại Israel thế kỷ 8 trước CN. Ông là một trong 12 nhà tiên tri Do Thái được đề cập trong Kinh Cựu ước. Theo Kinh Hosea, ông lấy Gomer, một cô gái điếm và là con gái của Diblatayim, theo lệnh của Chúa.(Theo www.en.wikipedia.org, ND)
[5] Tên một người con của Hosea theo tiếng Hebrew (Theo www.google.com, ND)
[6] Tên một người con của Hosea theo tiếng Hebrew (Theo www,google.com, ND)
[7] Transubstantiation: Sự hoá thể - giáo lý Cơ đốc cho rằng bánh mỳ và rượu vang trong Lễ ban Thánh thể sau khi cúng tế đã biến thành thân thể và máu của Chúa Jesus, dù bề ngoài không theo đổi (Theo LACVIET-MTD2002, ND)
[8] Virgin birth: Mary mang thai và sinh hạ Jesus khi vẫn là gái trinh (ND)
[9]Stigmata: Dấu chúa, năm dấu thánh - những dấu giống như những vết thương trên cơ thể Jesus Christ khi bị đóng đinh trên thập giá (Theo LACVIET-MTD2002, ND)
[10] Eucharist: Lễ ban Thánh thể - lễ của đạo Cơ đốc ban bánh mỳ và rượu vang có nguồn gốc từ bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus (Theo LACVIET-MTD2002,ND)
[11] Marquis de Sade: (1740-1814), Hầu tước người Pháp và là nhà văn viết nhiều tác phẩm gợi dục nổi tiếng. Ông cũng là triết gia ủng hộ tự do tuyệt đối, không chịu bất cứ sự ràng buộc đạo đức, tôn giáo và luật pháp nào đồng thời coi việc theo đuổi sự thoả mãn cá nhân là mục tiêu cao nhất. (Theo www.en.wikipedia.org, ND)
[12] rosary: chuỗi tràng hạt với thánh giá nhỏ dùng để lần khi đọc kinh (Theo LACVIET-MTD2002, ND)

©Time bản tiếng Việt

Không có nhận xét nào: